TÓM TẮT:
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, may mặc là một ngành công nghiệp sản xuất, xuất khẩu quan trọng của nền kinh tế, là một ngành thu hút lượng lao động lớn, tạo ra giá trị hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành May mặc của Việt Nam nói riêng, Dệt may nói chung vẫn chưa nâng cao được giá trị gia tăng của ngành do các yếu tố đầu vào còn phải nhập khẩu quá lớn. Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành Dệt may chưa phát triển là nguyên nhân mấu chốt. Để thúc đẩy được CNHT ngành May phát triển, rất cần thu hút thêm nhiều vốn, trong đó có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này. Bài viết phân tích thực trạng vốn FDI vào công nghiệp hỗ trợ ngành May mặc Việt Nam.
Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, may mặc.
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua, ngành Dệt may nói chung, ngành May mặc nói riêng luôn được đánh giá cao về những đóng góp của ngành và tiềm năng phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành khá đều và rõ nét. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao tất yếu nhu cầu về các yếu tố đầu vào cũng sẽ tăng tương ứng. Điều đáng nói là nhu cầu này được giải quyết không phải trong phạm vi nền kinh tế Việt Nam mà chủ yếu thông qua con đường nhập khẩu. Hơn nữa, số đông doanh nghiệp may Việt Nam thực hiện các hợp đồng theo hình thức gia công nên cũng khiến cho việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc,… trong ngành này tăng lên, nhằm đáp ứng yêu cầu của người thuê gia công. Trong nhiều năm, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu, phụ liệu, máy móc,… phục vụ cho ngành May mặc, lên tới 60-70% giá trị xuất khẩu. Việc nhập khẩu phần lớn các yếu tố đầu vào trong ngành May mặc dẫn đến hàng loạt hệ lụy, như: làm giảm giá trị gia tăng của ngành, có thể ảnh hưởng không tốt đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm may trên thị trường, gây khó khăn cho quá trình phát triển bền vững của ngành May mặc Việt Nam,... Mặt khác, sự phụ thuộc vào bên ngoài về các yếu tố đầu vào của ngành May mặc cũng góp phần làm tăng nhập siêu của Việt Nam trong nhiều năm qua; nền kinh tế trong nước có nguy cơ phải gánh chịu nhiều hơn những biến động tiêu cực từ bên ngoài; doanh nghiệp rủi ro hơn trong quá trình thanh toán;…
Lý do của việc nguồn cung trong nước không đáp ứng được nhu cầu về các yếu tố đầu vào cho ngành May mặc có nhiều nhưng cơ bản và sâu xa nhất là do sự kém phát triển của CNHT ngành may. Sự kém phát triển này phần lớn do chưa có đủ nguồn vốn cung cấp để phát triển CNHT ngành May mặc Việt Nam. Trong số các nguồn vốn, FDI đã vào Việt Nam từ nhiều năm nay và đã có một số thành tựu nhất định trong đầu tư vào các lĩnh vực CNHT nói chung, CNHT ngành May nói riêng, tuy nhiên dòng vốn này vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đánh giá được các hạn chế này là rất quan trọng để đưa ra được những giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả của FDI khi đầu tư vào CNHT ngành May mặc tại Việt Nam.
- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
+ Đối tượng: vốn FDI vào CNHT ngành May Việt Nam.
+ Phạm vi: FDI vào CNHT ngành May mặc Việt Nam chủ yếu trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2019.
- Mục tiêu nghiên cứu: Bài viết hướng đến việc đánh giá thực trạng của FDI vào CNHT ngành May mặc ở Việt Nam: một số kết quả và hạn chế; từ đó, gợi ý một số giải pháp nhằm thu hút vốn FDI đầu tư vào CNHT ngành May mặc Việt Nam.
2. Nguồn số liệu và phương pháp nghiên cứu
- Số liệu: chủ yếu là số liệu thứ cấp của các nguồn thông tin đáng tin cậy như Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Dệt may Việt Nam,…
- Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là định tính dựa trên số liệu thứ cấp. Ngoài ra, tác giả sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp lý thuyết và thực tiễn kết hợp với phương pháp chuyên gia nhằm thu thập các thông tin, số liệu, báo cáo có liên quan đến FDI vào CNHT ngành May mặc của Việt Nam.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Ngành May mặc của Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp sản xuất, xuất khẩu quan trọng của nền kinh tế, tạo ra hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành này lại không tự cung cấp được các yếu tố đầu vào của ngành, như: vải (hoàn thiện), các phụ liệu ngành may,… Điều này khiến cho sự chủ động, khả năng tự chủ của ngành May Việt Nam bị giảm đi đáng kể, giá trị gia tăng tạo ra cho ngành cũng rất thấp. Vải và các nguyên phụ liệu phục vụ cho xuất khẩu của ngành May phần lớn là nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu trên kim ngạch xuất khẩu lên tới 60%. Có điều này vì CNHT chính là nút thắt khó gỡ của ngành Dệt may Việt Nam lâu nay. Trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19, hạn chế này càng thể hiện rõ tác động bất lợi đối với ngành May mặc Việt Nam.
3.1. Vài nét về CNHT ngành May Việt Nam
Theo số liệu của VITAS, tính đến năm 2017, tổng số doanh nghiệp (DN) dệt may cả nước đạt 6.000 DN, trong đó số lượng DN gia công hàng may mặc là 5.101 DN (chiếm 85%); số lượng DN sản xuất vải, nhuộm là 780 DN (chiếm 13%); số lượng DN sản xuất, chế biến xơ, sợi là 119 DN (chiếm 2%).
Như vậy, nghịch lý trong ngành May của Việt Nam là số lượng DN CNHT (15%) ít hơn nhiều so với các DN may, trong khi phải ngược lại, số lượng DN CNHT cần nhiều hơn so với số lượng các DN may mặc, nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu các yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất sản phẩm may mặc. Điều đó dẫn đến việc nhập khẩu nhiều các yếu tố đầu vào của ngành May. Tổng giá trị nhập khẩu yếu tố đầu vào của ngành Dệt may thường chiếm xấp xỉ 60% giá trị xuất khẩu dệt may. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu yếu tố đầu vào của dệt may từ năm 2018 đã vượt 20 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu riêng vải từ năm 2015 đã vượt 10 tỷ USD và luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Một nghịch lý nữa của ngành May Việt Nam là: xuất khẩu đầu vào là sợi đến 70% sản phẩm tạo ra nhưng lại phải nhập khẩu phần lớn vải phục vụ cho may mặc, do CNHT dệt nhuộm chưa phát triển; loại sợi Việt Nam sản xuất được chủ yếu là sợi cotton, rất ít DN sản xuất được sợi polyester filament - loại sợi được sử dụng phổ biến hơn trong ngành May mặc hiện nay. Điều này dẫn đến giảm giá trị gia tăng của ngành May Việt Nam do xuất “thô”, nhập “tinh”. Ngoài ra, các DN CNHT ngành Dệt may cũng có nhiều điểm yếu kém khác là: trình độ công nghệ thấp, máy móc lạc hậu; trình độ tay nghề của lao động chưa đáp ứng tốt, năng suất lao động thấp…
3.2. Thực trạng vốn FDI vào CNHT ngành May mặc Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), đến cuối năm 2019, tổng số DN FDI trong lĩnh vực dệt may cả nước có 1.283 DN, trong đó số lượng DN gia công hàng may mặc là 882 DN (chiếm 69%); số lượng DN trong lĩnh vực CNHT gồm sản xuất bông, xơ, sợi, vải, nhuộm, phụ liệu, sản xuất máy móc ngành May chỉ là 401 DN (chiếm 31%).
FDI vào CNHT ngành May còn khá hạn chế: trong suốt thời kỳ từ năm 2006 - 2019, tổng số vốn FDI đổ vào ngành Dệt may gần 22.000 triệu USD, có gần 13.000 triệu USD tập trung vào CNHT ngành May (khoảng 59%). Tính riêng trong giai đoạn 2010-2019, số vốn này là gần 11.000 triệu USD (Hình 1). Trong năm 2015, số vốn FDI tăng đột biến, đạt mức vốn đăng ký và cấp mới 2.390 triệu USD cao nhất trong giai đoạn 10 năm (2010-2019).
Hình 1: Vốn FDI vào CNHT ngành May mặc giai đoạn 2010 – 2019
Nguồn: Tổng cục Thống kê
- Vốn FDI theo lĩnh vực CNHT ngành May: Lĩnh vực CNHT ngành May được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư là lĩnh vực sản xuất sợi. Cụ thể, vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bông, xơ, sợi trong 10 năm đạt gần 5.600 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng số vốn FDI vào CNHT ngành May. Trong năm 2015, chỉ tính riêng 2 dự án FDI lớn, đình đám vào ngành Sợi, Dệt, Nhuộm đã lên tới gần 1 tỷ USD: Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai, với tổng vốn đầu tư lên tới 660 triệu USD, do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai, nhằm mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi; Dự án Sản xuất nguyên phụ liệu dệt may của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan), có vốn đăng ký 274 triệu USD.
Lĩnh vực Việt Nam còn thiếu và yếu là nhuộm và hoàn tất vải, hóa chất nhuộm thu hút được rất ít vốn FDI, đạt 0,73 tỷ USD trong suốt giai đoạn 10 năm, chỉ chiếm gần 6% tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư vào CNHT ngành May mặc Việt Nam.
Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất máy cho dệt và may cũng thu hút được rất ít vốn FDI, ngoài 9 dự án trong suốt 10 năm từ 2010-2019 với tổng số vốn đăng ký chỉ đạt 428 triệu USD (gồm cả phần sản xuất máy cho ngành Da).
- Vốn FDI theo nhà đầu tư: Các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vốn FDI lớn vào Việt Nam cũng là những nước mà Việt Nam nhập khẩu các yếu tố đầu vào của ngành may lớn. Động thái đầu tư vào các lĩnh vực CNHT ngành May của Việt Nam từ những quốc gia này thực chất là một cách chuyển hướng đầu tư, nhằm đón đầu các quy định về đáp ứng tỷ lệ cung ứng nội khối mới được nhận ưu đãi đối với các sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định/khu vực thương mại tự do như CPTPP1 hay EVFTA2.
Bảng 1. Các quốc gia đầu tư vốn trực tiếp lớn nhất vào ngành Dệt May Việt Nam giai đoạn 2010 - 2019
Đơn vị: triệu USD
* Gồm cả phần vốn đầu tư vào gia công may
Nguồn: Tổng cục Thống kê
- Xuất khẩu của các DN FDI trong các lĩnh vực CNHT ngành May: Giá trị xuất khẩu của các DN FDI hoạt động trong các lĩnh vực CNHT ngành May Việt Nam (Bảng 2) cho thấy: giá trị xuất khẩu bông, xơ, sợi là chủ yếu, chiếm khoảng 60% giá trị xuất khẩu của các sản phẩm của CNHT ngành May; giá trị xuất khẩu vải chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu này đều ở dạng “thô”, sau đó Việt Nam lại nhập khẩu dạng “tinh” (vải đã nhuộm, hoàn thiện; phụ liệu may;…) đã được chế biến ở các nước khác về để phục vụ cho ngành May của mình. Điều này làm tăng chi phí, đồng thời giảm giá trị gia tăng của sản phẩm may mặc của Việt Nam.
Bảng 2. Giá trị xuất khẩu của các DN FDI trong CNHT ngành May Việt Nam
Đơn vị: triệu USD
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Bất cập của việc nhập yếu tố đầu vào quan trọng cho ngành May càng trở nên bức xúc trong thời gian bùng nổ dịch Covid-19, khi phía cung cấp chủ yếu - các DN Trung Quốc - bị ngừng trệ hoạt động và ngừng trệ giao thương với Việt Nam. Các DN may Việt Nam, bao gồm cả các các DN có vốn FDI, lần lượt gặp khó khăn về nguồn cung đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là từ những tháng giữa năm 2020.
- Một số chỉ tiêu bình quân của các DN FDI trong lĩnh vực CNHT ngành May: Trong thời gian vừa qua, các DN FDI trong lĩnh vực CNHT ngành May Việt Nam nhìn chung có hiệu quả hoạt động ở mức thấp. Các DN trong lĩnh vực nhuộm, hóa chất nhuộm, sản xuất và cung cấp máy móc, dụng cụ ngành May không có lợi nhuận dương trong nhiều năm (nhóm DN lĩnh vực hóa chất nhuộm có lợi nhuận âm đến năm 2015). Bảng 3 cho thấy, trong năm 2019, các DN FDI trong lĩnh vực sản xuất bông, xơ, sợi, sản xuất máy và dệt vải có doanh thu và lợi nhuận bình quân sau thuế đạt mức cao nhất. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của lao động trong lĩnh vực hóa chất nhuộm và nhuộm lại là nhóm cao hơn cả; thu nhập của lao động trong lĩnh vực dệt và may là thấp nhất, phù hợp với đòi hỏi trình độ ở mức thấp hơn.
Bảng 3. Một số chỉ tiêu bình quân của các doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực CNHT ngành May Việt Nam năm 2019
Nguồn: Tác giả tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê
Lao động Việt Nam đang làm việc tại các DN FDI nói chung thiếu hụt về kỹ năng chuyên môn. Kỹ năng có mức độ thiếu hụt lớn nhất được chỉ ra là kỹ năng hiểu biết về chất lượng, độ tin cậy và tác phong làm việc đúng giờ. Điểm thiếu hụt khác được đánh giá thấp là kỹ năng làm việc theo nhóm, hiểu biết và tiếp thu thông tin, khả năng ứng dụng và sáng tạo. Đặc biệt, khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế cũng là điểm yếu của lao động Việt Nam.
4. Kết luận và hàm ý chính sách
Nhìn chung, lượng vốn FDI vào CNHT ngành May Việt Nam còn rất hạn chế với sự không cân bằng về tỷ trọng dành cho những lĩnh vực cần nhiều vốn mà Việt Nam đang thiếu và yếu, chủ yếu đến từ những nước không có công nghệ nguồn và chưa tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao. Các công đoạn dệt, nhuộm, hoàn tất cũng như sản xuất phụ liệu may kém phát triển, khiến cho sản xuất ngành May Việt Nam thiếu sự liên kết cần thiết. Các sản phẩm phụ trợ sản xuất không cung ứng được trực tiếp cho ngành May trong nước do thiếu các khâu nhuộm, hoàn tất vải.
Để tăng cường thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực CNHT ngành may mặc Việt Nam, cần phải xây dựng và áp dụng tổng thể các biện pháp sau:
- Giải pháp về chính sách: Cần xác định rõ trọng tâm trong thu hút FDI vào CNHT ngành May đó là thu hút vào lĩnh vực nhuộm và hoàn thiện, hóa chất nhuộm, sản xuất và dệt sợi nhân tạo với trình độ công nghệ cao, từ đó tập trung thiết kế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động thu hút FDI.
Với chủ trương thu hút FDI từ những tập đoàn lớn, đặc biệt là những tập đoàn từ những quốc gia nắm công nghệ nguồn (như Hoa Kỳ, các nước EU, Nhật Bản), cần có những chính sách và thiết kế các ưu đãi cụ thể, riêng biệt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng về công nghệ và thị trường, những đối tác thực sự có khả năng đóng góp cho Việt Nam đạt được mục tiêu, yêu cầu của chính sách phát triển CNHT ngành may. Bên cạnh đó, cần có những quy định rõ ràng về pháp lý để tránh Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ khi tiếp nhận FDI, kiên quyết không chấp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, có thể gây tổn hại đến môi trường và sức khỏe con người.
- Phát triển các DN nhỏ và vừa (SME) nội địa trong lĩnh vực CNHT ngành May mặc: Thời gian đầu, DN FDI sẽ giữ vai trò chủ đạo trong phát triển CNHT ngành may của Việt Nam nhưng để ngành này của quốc gia phát triển một cách bền vững, đòi hỏi các DN nội địa dần dần phải lớn mạnh và đủ trình độ tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất từ phía các DN FDI. Do vậy, để thúc đẩy các SME nội địa, cần phải có những chính sách hỗ trợ hết sức tích cực cho nhóm này. Trong đó, chính sách ưu đãi về thuế, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ về kỹ thuật, thủ tục hành chính,... được xem là những giải pháp tiên quyết nhằm tạo động lực cho các DN mạnh dạn đầu tư. Những ưu đãi đối với các DN có vốn nước ngoài đầu tư vào CNHT ngành May có liên quan đến công nghiệp 4.0 cũng cần phải được áp dụng với các DN trong nước khi đầu tư vào lĩnh vực này.
- Tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN nội địa: Liên kết giữa nhà cung cấp nội địa và nhà cung cấp có vốn FDI cũng cần được chú trọng bởi nó cũng kích thích sự phát triển của CNHT trong nước thông qua sự cạnh tranh giữa 2 nhóm này, đồng thời các DN nội địa cũng có điều kiện khai thác công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các DN FDI trong cùng lĩnh vực CNHT ngành May.
Một trong những biện pháp để giúp các DN FDI và DN nội địa biết đến nhau dễ hơn là cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về các DN. Đây là biện pháp đã được đề xuất và bước đầu được triển khai nhưng chưa thật sự hiệu quả. Do vậy, hoạt động này cần được rà soát lại và triển khai thật nhanh để hoàn thiện được dữ liệu, đảm bảo tính cập nhật, nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho các DN có nhu cầu.
- Hình thành các khu, cụm CNHT để thu hút FDI: Trong nhiều năm, việc vốn FDI vào lĩnh vực nhuộm và hóa chất nhuộm còn hạn chế một phần cũng do sự lo ngại của chính quyền nhiều địa phương về vấn đề môi trường và sức khỏe con người nên không sẵn sàng tiếp nhận các dự án này.
Để thu hút FDI vào CNHT trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hay cụm liên kết ngành, Việt Nam cần chú ý vấn đề quy hoạch ở tầm vĩ mô các khu, cụm công nghiệp trong mối quan hệ với khu dân cư; khắc phục những hạn chế về hạ tầng trong và ngoài khu (lưu ý về việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải tập trung); tạo dựng được tính chuyên môn hóa và liên kết sản xuất giữa các DN. Việc tập trung các DN có hoạt động có thể gây ảnh hưởng đến môi trường vào một và một số khu vực sẽ giúp cho việc xử lý tập trung chất thải trước khi đưa ra môi trường, giảm thiểu chi phí cho DN. Đồng thời, Nhà nước cũng dễ dàng và tiết kiệm được nguồn lực để hỗ trợ các DN này hơn so với khi để các DN phát triển rải rác tại các địa phương.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để cung cấp cho các dự án CNHT: Trước hết, cần rà soát nhu cầu trong từng các lĩnh vực CNHT ngành May gắn với từng giai đoạn phát triển, từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Chương trình đào tạo không chỉ trang bị cho người học những kiến thức “cứng” cần thiết cho công việc mà còn giúp người học phát triển được các kỹ năng mềm, là điểm yếu của lao động Việt Nam như: tính kỷ luật, tính sáng tạo, khả năng tư duy độc lập,… đặc biệt là trình độ ngoại ngữ.
Việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các DN CNHT cũng cần chú ý hơn đến mối quan hệ giữa DN và cơ sở đào tạo. Nhà nước cùng cơ sở đào tạo hỗ trợ và khuyến khích DN chủ động “đặt hàng” và tạo điều kiện để người học có cơ hội thực hành cũng như có công việc ngay sau khi kết thúc quá trình đào tạo.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
2Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- CIEM, DoE và GSO (2014), Báo cáo Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Tổng cục Thống kê (2019), Thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm quý I năm 2019.
- VDF (2006), Hoạch định chính sách công nghiệp ở Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản, NXB Lao động xã hội.
- Các Website: www.customs.gov.vn, www.gso.gov.vn, www.vietnamtextile.org.vn
THE CURRENT FDI INFLOWS INTO
THE SUPPORTING INDUSTRIES FOR THE GARMENT INDUSTRY
IN VIETNAM
• Master. PHI THI THU HUONG
Academy of Finance
ABSTRACT:
For developing countries like Vietnam, the garment industry is an important production and export sector of the national economy. The garment industry attracts a large amount of labor, creates value for goods and meets the needs of demand for domestic and international consumption. However, in Vietnam, the garment industry in particular and the textile in general have not yet increased their added value as they majorly rely on imported inputs and the supporting industries for the textile industry in Vietnam has not yet developed. In order to promote the growth of the garment industry in Vietnam, it is necessary to attract more invesment including foreign direct investment (FDI) into supporting industries. This paper analyzes the current situation of FDI inflows into Vietnam’s supporting industries for the garment industry.
Keywords: Foreign direct investment, FDI, supporting industries, textiles and garments.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]