Gợi ý giải pháp cho Việt Nam dựa trên các yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn địa điểm FDI

ThS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG Ý (Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Dựa vào nghiên cứu tổng hợp Nielsen thực hiện năm 2017, bài báo đã tiếp cận các yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia. Bài báo lựa chọn một số yếu tố phù hợp và thực hiện phân tích đối với tình hình Việt Nam, để từ đó đưa ra gợi ý giải pháp nhằm tăng cường sự thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia, các giải pháp liên quan đến việc phát triển quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng kinh tế, trình độ và kỹ năng người lao động, thể chế, phát triển quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng có nhiều đặc trưng.

Từ khóa: Địa điểm nhận FDI, thu hút FDI, quyết định lựa chọn địa điểm FDI.

1. Tổng quan các yếu tố tác động đến lựa chọn địa điểm đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia

Có rất nhiều công trình nghiên cứu về yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các công ty đa quốc gia (MNC). Năm 2017, các tác giả Bo Bernhard Nielsen, Christian Geisler Asmussenc và Cecilie Dohlmann Weatherall đã tổng hợp 153 nghiên cứu định lượng được thực hiện từ năm 1976 đến năm 2015 liên quan đến yếu tố tác động đến quyết định mà các MNC lựa chọn địa điểm FDI với nhiều hướng tiếp cận, phương pháp nghiên cứu khác nhau. Tổng hợp của 153 đề tài là 6 nhóm yếu tố, gồm nhóm yếu tố kinh tế thuần túy (đề cập đến tác động của quy mô thị trường, thuế suất, mặt bằng lương, cơ sở hạ tầng, trình độ lao động,...), thể chế, cụm công nghiệp, mức độ tập trung các ngành công nghiệp và sự phát triển của địa điểm nhận FDI, đặc trưng công ty mẹ, sự kết nối giữa công ty mẹ và địa điểm nhận FDI (mối liên kết giữa địa phương nhận FDI và công ty mẹ, khoảng cách địa lý, sự khác biệt văn hóa,…). Kết quả những nghiên cứu này cho thấy các yếu tố được kiểm định không phải yếu tố nào cũng có tác động mạnh đến quyết định lựa chọn của MNC, mà có những yếu tố tác động mạnh và cùng chiều, có yếu tố tác động yếu, có những yếu tố tác động ngược chiều và những yếu tố chưa giải thích được.

Có thể thấy rằng, có nhóm yếu tố là đặc điểm của chính địa điểm nhận FDI, có nhóm yếu tố thuộc về đặc điểm của MNC, cũng có nhóm yếu tố thuộc về mối liên quan giữa địa điểm nhận đầu tư và MNC. Tuy nhiên, trong phạm vi bài báo này chỉ đề cập đến các yếu tố thuộc về địa điểm nhận FDI, đồng thời cũng là những yếu tố có tác động tích cực đến quyết định của MNC trong việc lựa chọn địa điểm FDI.

2. Tăng cường các yếu tố để Việt Nam tăng khả năng được lựa chọn làm địa điểm nhận FDI

Đầu tiên, Việt Nam cần nỗ lực tăng GDP để trở thành quốc gia có quy mô thị trường tương đối, vì kết quả những nghiên cứu trước cho thấy quy mô thị trường là yếu tố tác động tích cực đến quyết định chọn địa điểm FDI của các MNC. 

Biều đồ 1: GDP các quốc gia trong khu vực năm 2019 (tỷ USD)

gdp_cac_quoc_gia_trong_khu_vuc_nam_2019

Theo: Tradingeconomics.com

Theo dữ liệu năm 2019 cho thấy đối với Việt Nam thì chỉ tiêu GDP không phải là thế mạnh so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện tại dịch bệnh diễn ra toàn cầu nên nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hượng nặng nề. Việt Nam đang là một trong những quốc gia phòng chống dịch có hiệu quả và đang phục hồi kinh tế sau dịch khá ổn so với các nước trong khu vực. Có thể nói, so sánh tương quan về tốc độ tăng trưởng GDP với các nước trong khu vực thì kết quả này là một điểm nhấn của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong thời điểm hiện nay. (Biểu đồ 2)

Biều đồ 2: Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 năm 2020 các quốc gia trong khu vực

toc_do_tang_truong_gdp_quy_1_nam_2020_cac_quoc_gia_trong_khu_vuc

Theo: Tradingeconomics.com

Thời điểm hiện tại, đối với các quốc gia trong khu vực thì việc duy trì và phát triển kinh tế phải đi đôi với việc phòng chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, Việt Nam đã rất cố gắng để giữ được tốc độ tăng trưởng GDP dương, đó là thành quả đáng ghi nhận. Nhưng về lâu dài, việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế phải được chú trọng, được xác định là nhiệm vụ lâu dài của toàn xã hội, phải chú trọng đồng bộ đến nguồn nhân lực, vốn đầu tư, công nghệ, xuất khẩu và tài nguyên thiên nhiên.

Chính vì cơ sở hạ tầng kinh tế là một trong các yếu tố mà các MNC xem xét để quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư nên Việt Nam cần chú trọng đến yếu tố này. Khi so sánh với các quốc gia cùng khu vực thì tốc độ tăng chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng là một biến số được quan tâm phân tích. Theo Pwc tổng hợp trong giai đoạn từ 2012 đến 2016 thì Việt Nam có tốc độ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cao. Theo Ngân hàng phát triển Châu Á, trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn là nước dẫn đầu chi tiêu dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng (chiếm 5,7% GDP). Với thực tế như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào thế mạnh này của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và tiếp tục giữ vững thế mạnh này. (Biểu đồ 3)

Biểu đồ 3: Tốc độ tăng chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng giai đoạn 2012-2016

toc_do_tang_chi_tieu_danh_cho_co_so_ha_tang_giai_doan_2012-2016

Pwc tổng hợp

Ngoài ra, khi lựa chọn địa điểm FDI, các MNC coi xét yếu tố về lao động, trong đó có quan tâm đến trình độ, kỹ năng của người lao động tại địa phương nhận vốn đầu tư. Về vấn đề này, người lao động Việt Nam đã có sự tiến bộ qua thời gian, cụ thể là năng suất lao động tính theo giờ đã tăng từ 2 lên 6 USD tính từ năm 2000 đến năm 2018. Tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đây cũng là chỉ thị đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam, điều này cho thấy sự quan tâm, chú trọng của Nhà nước đến các yếu tố thu hút đầu tư. (Biểu đồ 40

Biểu đồ 4: Năng suất lao động tính trên mỗi giờ của lao động Việt Nam (tính bằng USD)

nang_suat_lao_dong_tinh_tren_moi_gio_cua_lao_dong_viet_nam

Theo: Statista.com

Một yếu tố các MNC xem xét khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư đó là thể chế. Để thu hút được sự quan tâm của các MNC thì Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi đầu tư (ưu đãi thuế, đất đai…). Bên cạnh đó, những nghiên cứu trước cho thấy số đặc khu kinh tế của một quốc gia càng nhiều thì khả năng được các MNC lựa chọn đầu tư càng cao. Hiện tại, Chính phủ đang quy hoạch Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong thành đặc khu kinh tế với những chính sách ưu đãi đặc biệt, đây là một điểm nổi bật trong quá trình hành động để tăng sự thu hút FDI.

Một yếu tố quan trọng tác động đến quyết định phân bổ đầu tư của các MNC, đó là đặc điểm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đây cũng là yếu tố mà các quốc gia căn cứ để xây dựng các khu công nghiệp với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài. Một quốc gia hoặc địa phương có nhiều khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp của một ngành công nghiêp cụ thể thì khả năng được MNC cùng ngành lựa chọn làm điểm đầu tư càng cao.

Bên cạnh đó, những nghiên cứu còn chỉ ra rằng: một địa điểm có nhiều khu công nghiệp và quy mô khu công nghiệp càng lớn thì khả năng được các MNC chọn làm địa điểm đầu tư càng cao; sự tập trung số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài tại một địa điểm thì làm gia tăng khả năng được chọn làm địa điểm đầu tư; ngoài ra, các MNC còn quan tâm nhiều đến địa điểm tập trung nhiều doanh nghiệp của quốc gia mình đến đầu tư trực tiếp; các địa điểm phát triển vươn tới là một thành phố toàn cầu thì có khả năng thu hút đầu tư của các MNC càng cao. Điều này cho thấy, để có thể thu hút đầu tư, Việt Nam phải có nhiều hơn nữa những khu công nghiệp, cụm công nghiệp của một ngành công nghiệp cụ thể; phải quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp theo hướng các có sự tập trung, quy mô các khu công nghiệp phải lớn, có khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp FDI, có khu công nghiệp tập trung những doanh nghiệp FDI của cùng một quốc gia cụ thể (đối với trường hợp nhiều doanh nghiệp FDI của một quốc gia); tập trung phát triển một số thành phố trọng điểm theo hướng trở thành thành phố toàn cầu.

3. Kết luận

Theo xếp hạng trong báo cáo về tình hình đầu tư toàn cầu của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển thì Việt Nam xếp thứ 21 về thu hút FDI. Chính vì vậy, việc xác định và phân tích các yếu tố tác động đến lựa chọn địa điểm đầu tư của các MNC là điều cần thiết để nâng cao mức độ cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực. Đặc biệt giai đoạn hiện nay là giai đoạn toàn cầu đang đối mặt với đại dịch và Việt Nam được đánh giá là một quốc gia chống dịch hiệu quả và đang tranh thủ phục hồi kinh tế sau dịch. Bài báo đã đưa ra một số gợi ý về giải pháp liên quan đến việc đẩy mạnh khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam, các giải pháp nhằm tăng trưởng GDP, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng người lao động, phát triển các đặc khu kinh tế và chính sách đầu tư, phát triển các khu công nghiệp theo hướng có nhiều đặc trưng để đáp ứng yêu cầu của các MNC.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bo Bernhard Nielsen, Christian Geisler Asmussenc và Cecilie Dohlmann Weatherall (2017). The location choice of foreign direct investments: Empirical evidence and methodological challenges. Journal of World Business, 52, 62-82.
  2. Phan Ngọc Tấn (2020). Giải pháp đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. <http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-doi-voi-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2020-69310.htm>, xem ngày 30/6/2020.
  3. Nguyễn Thị Việt Nga (2020). Bàn về chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đối với doanh nghiệp FDI. <http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/ban-ve-chinh-sach-uu-dai-dau-tu-cua-viet-nam-doi-voi-doanh-nghiep-fdi-314739.html>, xem ngày 30/6/2020.

 

ATTRACTING FDI SOLUTIONS TO VIETNAM BASED ON FACTORS AFFECTING THE DECISION OF CHOOSING PLACES

TO MAKE INVESTMENT

Master. NGUYEN THI PHUONG Y

Faculty of Finance and Banking

Van Lang University

ABSTRACT:

Based on a general research published by Nielsen in 2017, this paper examines the factors affecting the decision of multinational companies on choosing places to pour their foreign direct investment. This paper selects some appropriate factors and analyzes these chosen factors in the context of Vietnam’s current situation, thereby proposing solutions to attract more investment from multinational companies, support the growth of market size, the development of economic infrastructure, improve the qualifications and skills of workers and enhance the institutional development.

Keywords: Places that receive FDI, FDI attraction, decision on choosing places to pour FDI.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]