TÓM TẮT:
Marketing địa phương xuất hiện vào những năm 1980 của thế kỷ trước ở châu Âu và đã được một số địa phương tại Việt Nam áp dụng trong những năm gần đây. Quá trình marketing địa phương gồm nhiều bước như phân tích hiện trạng, thiết lập mục tiêu, xây dựng chương trình, thực hiện hoạt động marketing... Bài viết tập trung phân tích hiện trạng và thiết lập mục tiêu marketing nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025 và đề xuất một số giải pháp.
Từ khóa: Marketing địa phương, phân tích hiện trạng, thiết lập mục tiêu.
1. Giới thiệu
Theo Kotler và cộng sự (1993): “Marketing địa phương là thiết kế một nơi để đáp ứng nhu cầu của thị trường mục tiêu. Marketing địa phương được xem là thành công khi công dân và các doanh nghiệp hài lòng với cộng đồng của họ và các kỳ vọng của du khách và nhà đầu tư được đáp ứng”. Lý thuyết về marketing địa phương đã được nhiều quốc gia thực hiện và trong những năm gần đây, đã có nhiều địa phương quan tâm, sử dụng marketing địa phương nhằm thu hút FDI vào phát triển kinh tế - xã hội.
Có nhiều mô hình lý thuyết tiêu biểu về marketing địa phương như sau:
Mô hình của Kotler & cộng sự (1993): Xuất phát từ cách tiếp cận của marketing đối với hàng hóa, dịch vụ, Kotler & cộng sự (1993) đã xây dựng quy trình marketing địa phương gồm 5 bước như sau: (1) đánh giá địa phương, (2) tầm nhìn và mục tiêu, (3) xây dựng chiến lược; (4) kế hoạch hành động và (5) thực hiện và kiểm soát.
Mô hình các nhân tố thu hút FDI của Lall (1997): Lall (1997) phát triển mô hình các nhân tố để thu hút FDI bao gồm 3 nhóm nhân tố: Điều kiện kinh tế của quốc gia sở tại; Khung chính sách của quốc gia sở tại; Chiến lược của các công ty đa quốc gia.
Mô hình marketing địa phương để thu hút FDI của Metaxas (2010): Metaxas (2010) cho rằng sự hấp dẫn của một quốc gia hay địa phương đối với nguồn vốn FDI phụ thuộc vào 3 nhóm nhân tố là môi trường, phía cung và phía cầu. Từ đó, Metaxas (2010) phát triển 3 nhóm giả thuyết tương ứng để xây dựng mô hình marketing địa phương thu hút FDI bao gồm: Giả thuyết chung - bối cảnh thị trường toàn cầu; Giả thuyết về phía cung - địa phương (quốc gia, vùng, thành phố) và Giả thuyết về phía cầu - nguồn vốn FDI.
Ở Việt Nam, cũng đã có các nghiên cứu về marketing địa phương của các tác giả như Phạm Công Toàn (2010), Nguyễn Đức Hải (2013)...
Các lý thuyết về marketing địa phương có điểm chung nhất là nhấn mạnh các bước phân tích hiện trạng, xác định mục tiêu marketing, xây dựng chiến lược marketing, thực hiện hoat động marketing và kiểm tra, đánh giá. Bài viết tập trung nghiên cứu 2 giai đoạn của quá trình marketing địa phương nhằm thu hút FDI vào tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2015 - 2018, đó là giai đoạn phân tích hiện trạng và xác định mục tiêu marketing.
2. Thực trạng việc phân tích hiện trạng và thiết lập mục tiêu Marketing địa phương thời kỳ 2015 - 2018
Tính đến tháng 12/2018, tỉnh Quảng Nam đã thu hút được dự án FDI từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, một số dự án được đầu tư bởi liên doanh giữa các doanh nghiệp nước ngoài hoặc giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, nhiều quốc gia có nhiều dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Nam như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Anh Quốc…
Chương trình marketing địa phương được phản ánh trong các chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm với kinh phí và danh mục thu hút đầu tư cụ thể. Về thực hiện chương trình marketing địa phương, đơn vị làm đầu mối chủ yếu cho hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay là Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư (TTHC Công & XTĐT) và cũng là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, và báo cáo hằng năm cho lãnh đạo UBND tỉnh.
2.1. Về phân tích hiện trạng
Các dự án FDI đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn đầu tư (từ 15 - 20% tổng vốn đầu tư thực hiện), tạo ra việc làm mới, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu và có những đóng góp cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hoạt động thu hút FDI trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2015 - 2018 vẫn còn một số hạn chế, như:
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện mới chỉ chiếm khoảng 17,27% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Bảng 1. Đóng góp của thành phần FDI vào sự phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam thời kỳ 2010 - 2018
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam
- Bình quân tỷ lệ % vốn thực hiện trên vốn đăng ký giai đoạn 2010 - 2018 là 9,86%, đây là mức độ rất hạn chế.
Bảng 2. Tỷ lệ % vốn FDI thực hiện so với vốn đăng ký
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam
- Đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt từ 4 - 5,2% GDP của địa phương.
- Quy mô các dự án còn nhỏ, bình quân 33,50 triệu/dự án. Chưa thu hút được các tập đoàn quốc tế có công nghệ cao vào đầu tư trên địa bàn. Mặt khác, mới chủ yếu thu hút được các dự án ở lĩnh vực khách sạn, gia công lắp ráp, vì vậy không có nhiều cơ hội tiếp nhận được các công nghệ sản xuất tiên tiến và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Bảng 3. Các dự án FDI theo lĩnh vực còn hiệu lực tại Quảng Nam tính đến ngày 31/12/2018
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam
- Lao động làm việc trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 27,12% so với tổng số lao động làm việc ở các DN.
2.2. Về thiết lập mục tiêu marketing
Các sở, ban, ngành đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng các mục tiêu marketing địa phương trong thu hút FDI vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 như sau:
- Xác định lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, đó là “công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, vật liệu xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao như trồng và chế biến hoa quả, cây nông nghiệp; chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Đặc biệt là các KCN, CCN dành cho các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, hạ tầng sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông đô thị và một số lĩnh vực dịch vụ”.
- Các quốc gia trọng tâm để thu hút FDI là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore.
- Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2015 - 2019:
+ Ban hành Danh mục kêu gọi đầu tư gồm 45 dự án ở 6 lĩnh vực. Trong đó các lĩnh vực liên quan đến KCN, CCN là 16 dự án, lĩnh vực thương mại - dịch vụ là 18 dự án, lĩnh vực nông nghiệp là 7 dự án.
+ Ban hành Danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2017 - 2020, trong đó tập trung vào 10 nhóm động lực được xác định gắn liền với thế mạnh của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên (cây dược liệu, tài nguyên rừng); tài nguyên văn hóa - lịch sử (Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn); các ngành đang phát triển (công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, công nghiệp phụ trợ).
3. Các giải pháp tạo lập môi trường thuận lợi để thu hút FDI giai đoạn 2020 - 2025
Để mục tiêu tăng trưởng GRDP hàng năm đạt 12,7% trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam cần nguồn vốn đầu tư khoảng 160.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách chỉ có thể đảm bảo khoản 30% tổng vốn đầu tư, phần còn lại phải thu hút từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, Quảng Nam cần thực hiện các giải pháp về marketing địa phương để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi kinh doanh cho nhà đầu tư, cần nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút nhiều dự án FDI đáp ứng được mục tiêu marketing trong giai đoạn 2020 - 2025.
3.1. Phân tích hiện trạng marketing địa phương, định vị sản phẩm địa phương
Cần phân tích, đánh giá hiện trạng marketing địa phương có hệ thống, khoa học và định vị sản phẩm địa phương được một cách rõ ràng để khẳng định sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư;.Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, định vị sản phẩm địa phương với các bước cụ thể sau:
Bước 1 - Nghiên cứu hiện trạng: Rà soát và đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh trong mối tương quan với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.
Bước 2 - Nghiên cứu xu hướng đầu tư: Nghiên cứu về xu hướng đầu tư trên thế giới, xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp ở châu Á, trong khu vực Đông Nam Á và môi trường thể chế thu hút đầu tư tại Việt Nam, từ đó xác định cơ hội, thách thức trong hoạt động thu hút FDI của tỉnh trong thời gian tới.
Bước 3 - Xác định vị thế sản phẩm địa phương: Kết quả của quá trình định vị này cần trả lời được câu hỏi: Tỉnh Quảng Nam nổi bật, khác biệt với đặc điểm gì trong nhận thức của nhà đầu tư?
Bước 4 - Phổ biến thông tin: Liên hệ với các tỉnh, thành phố tại miền Trung để thiết lập bản đồ đầu tư chung cho cả vùng, phổ biến thông tin về định vị sản phẩm địa phương cho các cấp chính quyền, các nhà đầu tư.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh kêu gọi 262 dự án đầu tư ở nhiều lĩnh vực, nhiều khu vực kinh tế khác nhau, nhưng chưa thể hiện được dự án đặc thù cần thu hút FDI. Bởi vậy, công tác định vị các sản phẩm đầu tư cần phải chủ động làm rõ và tạo ra cơ hội đầu tư để nhà đầu tư lựa chọn:
- Cần rà soát lại và thu hẹp lại thành 1 danh mục dự án kêu gọi đầu tư chỉ dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài.
- Bổ sung thông tin chi tiết, cụ thể đối với từng dự án trong danh mục dự án đầu tư dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Để các thông tin được cung cấp đầy đủ, TTHC Công & XTĐT có thể phỏng vấn một số nhà đầu tư nước ngoài đang có dự án hoặc đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Nam để nắm bắt nhu cầu về thông tin của nhà đầu tư.
- Phổ biến, quảng bá danh mục dự án đầu tư dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài lên website của TTHC Công & XTĐT và các ấn phẩm quảng bá phù hợp với từng đối tượng nhà đầu tư tiềm năng.
3.2. Cải cách thủ tục hành chính về đầu tư
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định cải cách thủ tục hành chính về đầu tư. Đặc biệt là Quyết định số 3766/QĐ-UBND ngày 04/12/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (trừ các dự án đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, các KCN và Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc). Theo Quyết định nêu trên, toàn bộ thời gian tối đa để thực hiện thủ tục thông báo thỏa thuận, giới thiệu địa điểm, lập thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đầu tư được giải quyết trong 29 ngày làm việc nếu dự án thuộc danh mục đăng ký đầu tư.
3.3. Quy hoạch đất đai, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư
Trong những năm qua, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các dự án FDI đã được UBND tỉnh thực hiện khá mạnh mẽ, quyết liệt. UBND tỉnh đã đầu tư 10 KCN chủ đạo với tổng diện tích mặt bằng 2.690 ha, và tỷ lệ lấp đầy các KCN vào khoảng 60% diện tích. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước thường có nhu cầu quỹ đất mới. Vì vậy, việc thực hiện thủ tục thông báo thỏa thuận, giới thiệu địa điểm, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án và thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư cần phải được thực hiện đúng thời gian quy định.
Vướng mắc, kéo dài thời gian thực hiện dự án do từ khâu giải tỏa, đền bù để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Ban Quản lý dự án và chính quyền các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, giá cả đền bù hợp lý và bố trí nơi tái định cư các hộ giải tỏa phù hợp để người dân yên tâm và hợp tác trong việc thực hiện các chủ trương di dời của Nhà nước.
3.4. Các chính sách, ưu đãi đối với các dự án đầu tư trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương
UBND tỉnh Quảng Nam đã thực hiện các chính sách ưu đãi tiền thuê đất; tiền sử dụng đất được miễn, giảm, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu; hỗ trợ tìm kiếm và mở rộng thị trường theo đúng các quy định của Chính phủ.
Riêng các dự án đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai được ưu đãi theo Quyết định 24/2010/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và Quyết định 08/2014/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư đối với các dự án quy mô đầu tư từ 500 triệu USD trở lên và có vai trò quan trọng đối với phát triển ngành, lĩnh vực và có vai trò động lực trong phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, cần xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi để có thể thu hút các dự án FDI có tầm quan trọng này.
3.5. Đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước và xử lý chất thải
Mỗi năm chính quyền tỉnh dành khoản kinh phí khoảng 400 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, cải thiện hệ thống 130 km đường cấp tỉnh. Hiện nay hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn chỉnh với hơn 7.000km và phân bổ đều theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây. UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung huy động các nguồn lực của địa phương và sự hỗ trợ từ trung ương để đầu tư xây dựng, cải thiện hệ thống giao thông trên toàn tỉnh và tạo ra các tiện ích cho các nhà đầu tư. Riêng trong năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hơn 550 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và ngân sách địa phương để xây dựng kết nối đường vành đai ven biển với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và quốc lộ 40B.
Nhờ vậy, hạ tầng giao thông đường bộ đi các tỉnh và nối liền với Cảng Chu Lai, Cảng Đà Nẵng và Cảng Quy Nhơn đã được nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện trạng cơ sở hạ tầng tại địa phương vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đang có dự án tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cần thực hiện một số giải pháp như:
- Ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư để hoàn thành dứt điểm cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho KCN vẫn đang ở tình trạng đầu tư dang dở trên cơ sở rà soát và cắt giảm các khoản chi tiêu công không thực sự cần thiết. Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động sử dụng nguồn vốn ngân sách chặt chẽ để đảm bảo tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn ngân sách cho hoạt động này.
- Tranh thủ nguồn vốn ODA để bố trí cho phát triển cơ sở hạ tầng và tìm kiếm các đối tác tiềm năng để thực hiện hợp tác công tư để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động hỗ trợ các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các KCN gặp khó khăn về tài chính tìm kiếm, kêu gọi các đối tác tiềm năng để chuyển nhượng lại dự án và tạo điều kiện các thủ tục về hành chính để việc chuyển diễn ra nhanh chóng, đúng pháp luật. Từ đó, hỗ trợ chặt chẽ cho chủ đầu tư mới tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ.
- Tích cực giao lưu, học hỏi kinh nghiệm huy động vốn và đầu tư cơ sở hạ tầng từ các tỉnh, thành phố đã thành công để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nếu các hạ tầng này có chất lượng tốt và đồng bộ, ngược lại, chi phí của doanh nghiệp sẽ là rất lớn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Đức Hải (2013). Marketing lãnh thổ nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội. Luận án Tiến sĩ.
- Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam, Niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam các năm 2015, 2016, 2017, 2018.
- Phạm Công Toàn (2010). Marketing lãnh thổ với việc thu hút đầu tư phát triển ở tỉnh Thái Nguyên. Luận án Tiến sĩ.
- Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định 24/2010/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 về ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam
- UBND tỉnh Quảng Nam (2014), Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế Mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
- Ashworth, G. J., & Voogd, H. (1990). Selling the city. London: Belhaven.
- Fretter, A. D. (1993). Place marketing: a local authority perspective. Selling Places: the city as cultural capital, past and present, 163-174.
- Kotler, P., Haider, D. H., & Rein, I. J. (1993). Marketing Places: attracting investment, industry, and tourism to cities, states and nations: Free Press.
- Lall, S. (1997). Attracting foreign investment: new trends, sources and policies (Vol. 31): Commonwealth Secretariat.
- Metaxas, T. (2010). Place marketing, place branding and foreign direct investments: Defining their relationship in the frame of local economic development process. Place Branding and Public Diplomacy, 6(3), 228-243.
ANALYZING THE STATUS QUO AND SETTING PLACE MARKETING GOALS TO ATTRACT FDI INTO QUANG NAM PROVINCE IN THE PERIOD OF 2020 - 2025
● Ph.D student NGUYEN NGOC THUYEN
Department of Planning and Investment of Quang Nam Province
● Assoc. Prof. Ph.D LE DUC TOAN
Vice Provost, Duy Tan Univerity
ABSTRACT:
Place marketing appeared in the 1980s in Europe and it has been applied by some localities in Vietnam in recent years. The place marketing process consists of many steps such as analyzing the status quo, setting goals, developing programs, implementing marketing activities, etc. This article focuses on analyzing the status quo and setting marketing goals to attract foreign direct investment (FDI) in socio-economic development of Quang Nam Province in the period of 2020 - 2025 and proposes some solutions to improve the efficiency of the provincial place marketing activities.
Keywords: Place marketing, situation analysis, goal setting.