Các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kỹ thuật canh tác mía bền vững của nông dân tỉnh Tây Ninh, Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kỹ thuật canh tác mía bền vững của nông dân tỉnh Tây Ninh, Việt Nam" do Đặng Huỳnh Ức My1, Trần Đình Lý1, Nguyễn Tấn Khuyên2, Lê Hoành Thị Giang3 (1 Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh; 2 Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; 3 Trường Đại học Văn Hiến) thực hiện.

Tóm tắt:

Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác mía bền vững tại tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố bao gồm: nhóm về thuộc tính cá nhân của nông dân, các yếu tố kinh tế và yếu tố thông tin. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn đề xuất giải pháp gia tăng quyết định áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững của người trồng mía tại tỉnh Tây Ninh và gợi ra hướng nghiên cứu trong tương lai.

Từ khóa: kỹ thuật canh tác bền vững, mía đường, tỉnh Tây Ninh.

1. Đặt vấn đề

Ngành mía đường là một trong những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo thu nhập cho 300.000 nông dân và thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn. Tuy nhiên, diện tích sản xuất đã biến động đáng kể trong 5 năm qua và hiện chỉ còn khoảng 190.000 ha với năng suất 62,6 tấn/ha và thu hồi đường đạt 9,62% (ACI, 2020). Năng suất và hàm lượng đường thương mại của Việt Nam tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, do đó việc nâng cao sản lượng đường trên đồng ruộng rất quan trọng để tăng năng lực cạnh tranh của ngành.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên nông nghiệp, việc tăng sản lượng mía ở trang trại trở thành một vấn đề quan trọng, bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mía cần thân thiện môi trường. Các hoạt động canh tác bền vững trở thành giải pháp then chốt để giải quyết những vấn đề này. Để nâng cao năng suất và đạt được sự phát triển bền vững của cây mía, nông dân cần tìm hiểu về các chính sách đầu tư vùng nguyên liệu và thu mua mía, chẳng hạn như chuyển đổi từ canh tác thông thường sang các phương thức canh tác bền vững, khuyến khích sử dụng giống mía sạch bệnh và áp dụng cơ giới hóa.

Kỳ vọng của nông dân và nhận thức của họ về việc áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững (KTCTBV) có thể mang lại lợi ích cao hơn so với biện pháp canh tác truyền thống. Tuy nhiên, người nông dân vẫn còn tâm lý e ngại với những rủi ro khi áp dụng kỹ thuật canh tác mới và bền vững. Họ sẵn sàng áp dụng kỹ thuật canh tác mới nếu họ có được sự đảm bảo và chắc chắn về hiệu quả của nó.

2. Phương pháp và mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu kết hợp phương pháp định tính và định lượng. Nghiên cứu được thực hiện đối với các nông hộ áp dụng kỹ thuật canh tác mía bền vững và được triển khai tại 3 xã của tỉnh Tây Ninh: Tân Biên, Tân Châu, Hòa Thành. Kết quả nghiên cứu được kiểm tra theo mô hình order logit và đề xuất mô hình nghiên cứu như sau: (Hình 1)

mía đường

                                                                                                                (Nguồn: Tác giả)

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Thống kê mô tả về đặc điểm của nông dân trồng mía

Đặc điểm của nông dân trồng mía được cho là quan trọng như những yếu tố giải thích mức độ áp dụng áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững và áp dụng công nghệ mới. Các biến số bao gồm tuổi của chủ hộ, số lao động hộ gia đình làm việc toàn thời gian trên trang trại, trình độ học vấn của chủ hộ và kinh nghiệm sản xuất mía của nông dân. Yếu tố này đã được xác nhận rộng rãi bởi một số nghiên cứu của Athipanyakul và Pak-Uthai (2012), Waibel và Zilberman (2007). Nguồn lực của nông dân được sử dụng để xác định quy mô trang trại, bao gồm quy mô đất đai, lao động và vốn. Quy mô trang trại thể hiện sự giàu có của trang trại, điều này có tác động tích cực đến việc áp dụng công nghệ (Levison, 2013; Uaiene et al, 2009). Vị trí của trang trại mía được cho là sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững vì đất ở vùng cao có thể thuận lợi cho cơ giới hóa và thuận tiện cho người nông dân khi áp dụng. (Bảng 1)

mía đường

                                                                                                                          (Nguồn: Tác giả)

3.2. Kết quả từ mô hình thực nghiệm

Nghiên cứu trình bày kết quả của mô hình ordered logit, mức độ phù hợp của mô hình và tác động biên của từng biến độc lập. (Bảng 2)

mía đường
mía đường

Kết quả cho thấy, có 9 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến xác suất áp dụng KTCTBV. Đầu tiên là trình độ văn hóa, với kết xuất góc 0.07 và mức ý nghĩa 1%: nông dân có trình độ học vấn cao hơn có xu hướng nhận ra lợi ích và có nhiều khả năng áp dụng cùng với các công nghệ liên quan. Biến số về nhận thức có kết xuất góc rất cao 0.94, có mối tương quan tích cực đáng kể với việc áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững. Nếu nông dân nhận thấy KTCTBV có thể mang lại lợi ích cao hơn so với các phương pháp canh tác truyền thống, thì họ có nhiều khả năng áp dụng KTCTBV hơn, kết quả đã được chứng minh ở nhóm áp dụng cao. Mối tương quan này được xác nhận bởi một số nghiên cứu: có mối liên hệ giữa nhận thức của nông dân về các lựa chọn công nghệ và lợi ích từ việc áp dụng công nghệ mới với tỷ lệ thực sự áp dụng những công nghệ mới (Rogers, 2003; Waibel và Zilberman, 2007; Ntshangase et al, 2018). Tiếp theo, những nông dân áp dụng KTCTBV ở mức độ cao sẽ ưa rủi ro hơn. Kết xuất góc của biến ưa rủi ro là 0.981 với mức độ ý nghĩa cao cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro của nông dân là yếu tố quyết định đến việc áp dụng KTCTBV.

Biến tỷ lệ đất cao biểu thị tỷ lệ đất ở vùng cao trên tổng diện tích đất, kết xuất góc 1.489 của biến này cao thứ nhì trong mô hình, chứng tỏ đất cao ảnh hưởng rất tích cực mức độ áp dụng so với tỷ lệ vùng đất thấp, vì nông dân ở vùng cao có nhiều khả năng bị thoái hoá đất hơn. Hơn nữa, những người nông dân sở hữu máy kéo (kết xuất góc 0.907) sẵn sàng sử dụng KTCTBV hơn những người không sở hữu. Xem xét biến quy mô trang trại có kết xuất góc 0.343, ở các trang trại có quy mô lớn hơn sẽ sẵn sàng áp dụng các KTCTBV hơn so với những trang trại có quy mô nhỏ, vì KTCTBV thường đòi hỏi nhiều lao động hơn và do đó phải sử dụng nhiều máy cơ giới hơn. Tiếp cận với tín dụng là một yếu tố quan trọng (kết xuất góc 0.807) để áp dụng KTCTBV vì nông dân cần đầu tư nhiều hơn vào máy móc và thiết bị như hệ thống tưới tiêu và máy kéo trong khả năng tài chính hạn chế. Cuối cùng, khi so sánh chi phí của các nguồn năng lượng, điện được đánh giá là nguồn năng lượng có chi phí thấp nhất. Kết xuất góc của biến này có giá trị 2.113 cao nhất trong mô hình, những nông dân có nguồn điện có khả năng rất cao áp dụng KTCTBV.

Mặc dù yếu tố nguồn thông tin không đáng kể vì hầu hết nông dân đều nhận được thông tin khuyến nông từ TTC AgriS. Do các trạm khuyến nông TTC AgriS thường xuyên đến thăm và phổ biến thông tin đến nông dân nên biến nguồn thông tin được thấy theo kết luận của Ntshangase et al, (2018), kiến thức nông nghiệp của nông dân làm tăng khả năng áp dụng KTCTBV ở mức độ cao.

Nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt giữa mức độ áp dụng KTCTBV thấp, trung bình và cao của kiến thức nông nghiệp. Những nông dân có mức độ áp dụng KTCTBV cao chủ yếu tiếp cận tín dụng từ nhà máy đường và khả năng tiếp cận này làm tăng khả năng áp dụng lên 8,1%. Yếu tố nhận thức có tác động tích cực đến xác suất áp dụng KTCTBV ở mức độ cao, tăng 9,5%, trong khi nó có tác động tiêu cực đến xác suất áp dụng KTCTBV  ở mức thấp và trung bình, giảm lần lượt là 7,4% và 2,1%. Trong số các yếu tố còn lại, nguồn năng lượng có động lực đáng kể nhất để nông dân áp dụng KTCTBV, làm tăng xác suất áp dụng ở mức cao hơn 21,43% do điện cần thiết cho hoạt động sản xuất KTCTBV hiện đại. Điều này cũng cho thấy vị trí thuận lợi như giao thông và khả năng tiếp cận lưới điện là những điều kiện quan trọng để có thể áp dụng KTCTBV cũng như vận chuyển mía đến nhà máy. Tỷ lệ đất cao và rủi ro có tác động tiêu cực ở nhóm thấp và trung bình trong khi tăng 15,1% ở mức áp dụng KTCTBV cao. Kết quả cũng khẳng định người nông dân sở hữu đất ở quy mô nhỏ có thể tránh được tình trạng đất bị thoái hóa, do họ có thời gian chăm sóc dinh dưỡng đất tốt hơn.

4. Kết luận và đề xuất

4.1. Kết luận

Ngày nay, hầu hết nông dân áp dụng các phương pháp cày sâu bón phân, tưới nước hữu hiệu, sử dụng phân hữu cơ, luân canh, thu hoạch xanh. Kết quả từ mô hình ordered logit cũng cho thấy, nông dân có trình độ học vấn cao sẵn sàng áp dụng các KTCTBV.  Có 98% nông dân ở huyện Châu Thành áp dụng KTCTBV ở mức trung bình và cao trong khi hầu hết nông dân ở Tân Biên áp dụng ở mức trung bình (46,2%) và mức độ áp dụng cao được ghi nhận ở huyện Tân Châu (55,2%).

4.2. Đề xuất

Chính phủ và các nhà máy nên khuyến khích nông dân trồng mía nâng cao trình độ học vấn, tăng cường đào tạo tại ruộng cho nông dân, trao đổi kiến thức nhóm và trình diễn mô hình áp dụng KTCTBV mẫu nhằm cải thiện việc áp dụng KTCTBV của nông dân.

Cần chú trọng dịch vụ khuyến nông KTCTBV đối với các hộ có quy mô trang trại lớn và ở vùng cao; cần phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người nông dân hiểu rõ hơn về kỹ thuật canh tác mới.

Gia tăng đầu tư vào máy nông nghiệp, thiết bị hiện đại tăng năng suất và áp dụng KTCTBV và tăng cường khuyến khích bằng các khoản vay ưu đãi cho nông dân.

Tài liệu tham khảo:

Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa -  TTC Agris (2023). Báo cáo thường niên Niên độ 2022-2023. Truy cập tại https://ttcagris.com.vn/quan-he-nha-dau-tu/bao-cao-thuong-nien?year=2023

Athipanyakul,  T. and  W.   Pak-Uthai.  (2012). Determinants  of  good  agricultural  practices (GAP) adoption in the chili production system in  Northeastern Thailand: A  case of participatory approach. International Journal of Environmental and Rural Development. 3(2):175-180.

Ender Bulgun & Arzu Vuruskan (2005). Development of a Software about Caculating the Production Parameters in Knitted Garment Plants, World Academy of Science - Engineering and Technology, No 9, page 6-11.

Gujarati, D.N. (2009). Basic Econometrics. Tata McGraw-Hill Education, New Delhi.

H Waibel and D Zilberman (2007). International Research on Natural Resource Management: Advances in Impact Assessment. CABI Publishing.

Huang, X., & Liu, J. (2020). Regional economic efficiency and its influencing factors of beijingtianjin-hebei metropolitans in China based on a heterogeneity stochastic frontier model. Chinese Geographical Science, 30(1), 30-44.

Loevinsohn, M., Sumberg, J., Diagne, A., & Whitfield, S. (2013). Under what circumstances and conditions does adoption of technology result in increased agricultural productivity? A Systematic Review.

Mzoughi, N. (2011). Farmers Adoption of Integrated Crop Protection and Organic Farming: Do Moral and Social Concerns Matter? Ecology Economics, 70, 1536-1545.

Ntshangase et al (2018). Farmers’ Perceptions and Factors Influencing the Adoption of No-Till Conservation Agriculture by Small-Scale Farmers in Zashuke, KwaZulu-Natal Province. MDPI Journal List

Rogers, E.M. (2003). Diffusion of Innovations. Free Press, New York.

Uaiene, R. N., Arndt, C., & Masters, W. A. (2009). Determinants of Agricultural Technology Adoption in Mozambique. National Directorate of Studies and Policy Analysis Discussion Paper No 67E, Ministry of Planning and Development, Mozambique.

 

Factors influencing the adoption of sustainable sugarcane farming practices in Tay Ninh province

Dang Huynh Uc My1- Tran Dinh Ly1

Nguyen Tan Khuyen2

Le Hoanh Thi Giang3

1Nong Lam University Ho Chi Minh City

2University of Economic Ho Chi Minh City

3Van Hien University

Abstract

This study investigates the key factors influencing farmers' decisions to adopt sustainable sugarcane cultivation techniques in Tay Ninh province, Vietnam. The findings reveal that adoption is shaped by three main groups of factors: farmers' personal characteristics, economic considerations, and access to information. Based on these insights, the study proposes targeted solutions to enhance the adoption of sustainable practices among local sugarcane growers. It also offers recommendations for future research to further support sustainable agricultural development in the region.

Keyword: sustainable farming techniques, sugarcane, Tay Ninh province.

Tạp chí Công Thương