Cụ thể, trong một số ngành như cơ khí, điêu khắc mỹ thuật, may mặc đã tập trung đổi mới công nghệ những khâu sản xuất sản phẩm như thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, gia công những sản phẩm đòi hỏi độ chính xác cao. Trong ngành đúc, gia công cơ khí, chú trọng tiếp thu công nghệ sản xuất, gia công các sản phẩm kim loại cao cấp có hàm lượng kỹ thuật cao như máy gia gia công cơ khí, máy làm khuôn đúc CNC. Trong ngành dệt may, giày dép, đầu tư công nghệ bán tự động một số khâu trong dây chuyền sản xuất như máy giác sơ đồ, máy may lập trình. Trong ngành điêu khắc mỹ thuật ứng dụng máy điêu khắc gỗ, điêu khắc đá CNC đã tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có tính thẩm mỹ cao, đồng đều về kiểu dáng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
Nhận thức xu thế chung, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Phòng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ quản lý doanh nghiệp nâng cao nhận thức, sự cần thiết và tầm quan trọng của đổi mới công nghệ; đồng thời, hỗ trợ cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về công nghệ, tìm kiếm công nghệ mới. Bên cạnh đó, lựa chọn các cơ sở cần được ưu tiên đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ để xây dựng đề án, đề xuất hỗ trợ kinh phí, khuyến khích các cơ sở mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất.
Trong hoạt động khuyến công, Trung tâm đã và đang chú trọng hỗ trợ các cơ sở ứng dụng máy móc và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào quy trình sản xuất; trong đó đặc biệt chú trọng đến những thiết bị có hàm lượng tự động hóa cao như máy CNC. Mạnh dạn đầu tư, các cơ sở công nghiệp nông thôn đã cải thiện trình độ tự động hóa của doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng cho người lao động; Sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng đảm bảo và đồng nhất; Giá thành sản phẩm giảm; Cơ sở linh hoạt trong quá trình sản xuất, thích ứng ngay với các thay đổi nhanh chóng và liên tục về mẫu mã và chủng loại sản phẩm của khách hàng, nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về kỹ, mỹ thuật đối với các mặt hàng mà vẫn duy trì và phát triển được những làng nghề truyền thống.
Thời gia qua, Trung tâm đã xây dựng, trình duyệt thực hiện các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, gồm: 2 đề án trong điêu khắc gỗ, đá mỹ thuật; 3 đề án trong ngành may mặc, da giày; 2 đề án trong ngành đúc, gia công cơ khí.
Hỗ trợ thiết bị tiên tiến trong ngành may mặc, giày dépCác hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất trong những năm qua góp phần phát triển ngành nghề của các địa phương, cơ sở công nghiệp nông thôn; có tác động đến sự ổn định kinh tế - xã hội tại các địa phương trong thành phố. Đồng thời, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động ở nông thôn, giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư công nghệ mới thay thế công nghệ lạc hậu để tạo ra nhiều sản phẩm có thiết kế, kỹ thuật, năng suất, chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong công tác triển khai hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến còn nhiều hạn chế: việc chấp hành quy định của Nhà nước trong một số lĩnh vực của từng doanh nghiệp chưa đầy đủ; việc hỗ trợ cho cơ sở còn bị động về thời điểm đầu tư của đơn vị; kinh phí từ chương trình khuyến công còn hạn hẹp nên sự thu hút chưa đủ mạnh để cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư vào công nghệ sản xuất mới,...
Tạo cơ chế khuyến khích hấp dẫn, hành lang thông thoáng của Nhà nước là yếu tố tiên quyết của quá trình đổi mới công nghệ, đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến đến gần hơn với cơ sở công nghiệp nông thôn Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.