Cơ cấu GDP của Hàn Quốc là nông - lâm - thủy sản: 3,17%; Công nghiệp-xây dựng: 34,6%; Dịch vụ: 62,23%. Tỷ lệ tích lũy trong GDP đạt 29,4%, thuộc loại cao trên thế giới. Tỷ lệ tiêu dùng so với GDP đạt 67,2%. Các ngành công nghiệp mũi nhọn và thế mạnh của Hàn Quốc là chế tạo sắt thép, cơ khí, ô tô, điện tử, bán dẫn, đóng tầu, hoá chất, xi măng...
Hàn Quốc được mệnh danh là cường quốc về công nghệ thông tin, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố 10 lĩnh vực chiến lược mà nước này sẽ tập trung thực hiện, nhằm tạo bước ngoặt và sự ổn định trong nền kinh tế. Đó là: Mạng kết nối đến các nhà, phần mềm kỹ thuật số, rô bốt thông minh, công nghệ xe hơi, chất bán dẫn thế hệ mới, truyền hình và phát thanh kỹ thuật số, điện thoại di động thế hệ mới, pin thế hệ mới và công nghệ dược phẩm sinh học. Chính phủ Hàn Quốc đã chi 1.000 tỷ Won (tương đương 847 triệu USD) từ ngân sách quốc gia cho các chương trình nghiên cứu và phát triển về các lĩnh vực này.
Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên các chính sách ổn định kinh tế và thị trường tài chính, tiếp tục tiến hành cải tổ cơ cấu, trong đó xây dựng nền kinh tế thị trường tự do, công bằng, trong sạch, thân thiện, cải thiện môi trường kinh doanh...
Là hai nước cùng nằm ở khu vực Đông á, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Trong thời gian qua, mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp. Mặc dù chỉ mới thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, nhưng hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hợp tác kinh tế, chính trị, văn hóa...
Quan hệ chính trị tốt đẹp đã mở đường cho quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ. Hàn Quốc là thị trường lao động lớn với hơn 1 vạn người Việt. Quốc gia này hiện đang đứng thứ 4 về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn là 3,205 tỷ USD, trong đó 70% tập trung vào lĩnh vực công nghiệp.
Tính từ năm 1998 đến nay, đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam có 950 dự án, với tổng số vốn đăng ký còn hiệu lực là 4,512 triệu USD, đứng thứ 3 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, sau Xingapo và Đài Loan. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, hầu hết các tập đoàn kinh tế mạnh của Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam như Daewoo, Posco, Samsung, Korea Telecom, Korea Petrolum, Hanjung, Hyundai, LG..., tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai. Các dự án đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam nhìn chung có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, xuất khẩu, chuyển giao kỹ thuật công nghệ. Hiện nay, Hàn Quốc đứng thứ 11 trong số các nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc bao gồm thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử, tivi, máy tính, sản phẩm gỗ, vải, cao su, hàng nông sản, dầu thô, hàng thủ công mỹ nghệ... Hàn Quốc là nước đứng thứ 5 trong số các nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu vào Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc bao gồm nguyên phụ liệu dệt may, da, sắt thép, xăng dầu, hàng may sẵn, ô tô, xe máy các loại, thiết bị phụ tùng, hóa chất, phân bón...
Cho đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã dành cho Việt Nam các khoản tín dụng ưu đãi từ Quỹ Viện trợ phát triển (EDCF) tổng cộng 148 triệu USD để triển khai các dự án nâng cấp Nhà máy Lọc nước Thiện Tân, Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa, Dây chuyền sản xuất 5 loại vắc xin, Nhà máy xử lý chất thải rắn Hải Phòng. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã cung cấp hơn 38 triệu USD vốn viện trợ không hòan lại, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lực nghiên cứu, chuyên giao công nghệ, đào tạo ngắn hạn...
Ngày 19/4 vừa qua, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hae Chan đã sang thăm chính thức Việt Nam. Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Phan Văn khải và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hae Chan đã trao đổi những biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thuơng mại, góp phần phát triển mối quan hệ “Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” giữa hai nước. Đồng thời, hai vị Thủ tướng đã nhất trí về các biện pháp mang tính chất xây dựng, nhằm phát triển quan hệ hợp tác thực chất giữa hai nước trong thời gian tới, đó là: Hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực, trong đó có việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, nhằm thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam trên các lĩnh vực như xây dựng, thông tin và bưu chính viễn thông, năng lượng và tài nguyên. Thủ tướng Hàn Quốc đã đề nghị phía Việt Nam quan tâm dành nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án xây dựng khu đô thị mới Tây Hồ ở Hà Nội, dự án Kumho Plaza ở TP. Hồ Chí Minh, dự án khai thác dầu và khí đốt tự nhiên, các dự án xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam. Kết thúc hội đàm, hai bên đã ký 5 văn kiện hợp tác: Hiệp định viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật; Bản ghi nhớ về đào tạo nhân lực để phát triển Nhà máy Điện hạt nhân tại Việt Nam; Hợp đồng mua bán khí thiên nhiên từ lô 11- 2 giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Dầu khí Hàn Quốc; Nghị định thư trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp định về dẫn độ tội phạm giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc; Nghị đinh thư trao đổi văn kiện phê chuẩn hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hae Chan có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác tòan diện giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc lên một tầm cao mới, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.