TÓM TẮT:
Hội nhập kinh tế quốc tế làm thay đổi môi trường, điều kiện làm việc của ngành kế toán - kiểm toán (KTKT), nó giúp cho công việc KTKT không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Có nghĩa là kế toán viên và kiểm toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc KTKT ở bất kỳ quốc gia nào và ngược lại. Đây vừa được coi là cơ hội và cũng là thách thức đối với bất kỳ ai muốn trở thành một kế toán viên hay kiểm toán viên tại Việt Nam, họ cần chuẩn bị cho mình những điều kiện để có thể đáp ứng điều kiện hành nghề quốc tế, để nâng cao vị thế bản thân và mở rộng phạm vi hành nghề. Bài viết trình bày một số kiến thức và kỹ năng cần thiết mà sinh viên ngành KTKT cần chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập.
Từ khóa: hội nhập, kế toán, kiểm toán, kế toán viên, kiểm toán viên.
1. Giới thiệu
Trong ngành KTKT, công việc của kế toán bao gồm các giai đoạn: thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin cho những người cần sử dụng thông tin kế toán. Sản phẩm cuối cùng của kế toán viên là hệ thống các báo cáo tài chính với các thông tin đã được sắp xếp, trình bày và tổng hợp một cách bài bản để phản ánh lại các sự kiện kinh tế đã diễn ra tại doanh nghiệp, do đó, kế toán viên cần có các kiến thức chuyên môn đặc thù để giải quyết các vấn đề diễn ra tại doanh nghiệp. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin bao gồm cả trí tuệ nhân tạo đã giúp doanh nghiệp xử lý được rất nhiều vấn đề có liên quan đến kế toán. Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng phần mềm kế toán, các phần mềm ngày càng hiện đại để tiết kiệm thời gian và sức lực của nhân viên kế toán. Nhân viên kế toán không lập, thu thập, xử lý, lưu trữ chứng từ bằng cách truyền thống mà thay vào đó là các chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử,... Ở một số nước tiên tiến, những công việc này đều có thể được thực hiện và thay thế bởi các robot. Robot là trí tuệ nhân tạo và nó có thể làm cả những điều mà con người không thực hiện được. Tuy nhiên, trong ngành KTKT những chú robot này chỉ có thể hỗ trợ công việc của kế toán viên, kiểm toán viên vì chúng chỉ thực hiện các giai đoạn: thu thập, xử lý,… theo lập trình sẵn có, chỉ có thể đưa ra các nhận định, tư vấn trong các trường hợp thông thường đã được lập trình trước đó. Chúng không thể đưa ra các nhận định, các giải thích… và cũng có thể đưa ra các nhận định sai khi gặp phải các trường hợp đặc biệt, các trường hợp mới phát sinh lần đầu hay các trường hợp chưa được lập trình sẵn… Và lúc này, kế toán lại phải là người hiểu về công nghệ, sử dụng công nghệ cho công việc của mình để đưa ra các nhận định và giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp. Trong ngành KTKT, việc cập nhật các chính sách kế toán và việc tuân thủ pháp luật về thuế diễn ra một cách thường xuyên, liên tục nên con người vẫn là nhân tố cần thiết để thực hiện công việc trong ngành KTKT.
Theo Số liệu chung về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2018- 2019 nước ta có 237 trường đại học (172 trường công lập, 65 trường ngoài công lập, không bao gồm các trường Học viện, Đại học thuộc An ninh, Quốc phòng) và rất nhiều trường cao đẳng và trung cấp. Trong đó có khoảng 300 trường đang đào tạo ngành kế toán - kiểm toán ở các bậc học khác nhau từ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Mỗi năm, có hàng chục nghìn sinh viên ngành KTKT tốt nghiệp nhưng chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhân sự ngành đang trong giai đoạn thừa nhân lực nhưng lại thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Các nhà tuyển dụng đánh giá sinh viên mới ra trường chưa chuẩn bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu công việc. Việc hội nhập kinh tế quốc tế đem lại nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên chuyên ngành KTKT bởi các em có nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn hơn, được tự do dịch chuyển lao động ra nước ngoài, các em sẽ năng động, tích cực hơn… nhưng đây cũng là thách thức lớn đối với các em bởi chỉ có nguồn nhân lực có tay nghề giỏi, có đầy đủ kiến thức chuyên môn, có trình độ ngoại ngữ… mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Vậy các bạn sinh viên cần phải chuẩn bị cho mình những kiến thức và kỹ năng gì để làm “hài lòng” nhà tuyển dụng?
2. Tổng quan nghiên cứu
Trong bài viết này, tác giả đã chọn lọc và trình bày một số nội dung trong thông tư ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán kiểm toán; tham khảo các bài báo, hội thảo của các tác giả trong nước về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán tại Việt Nam hiện nay, các hành trang mà sinh viên kế toán kiểm toán cần chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ các tài liệu thu thập được, tác giả đã tiến hành nghiên cứu định tính thông qua các phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết, phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm… Trên quan điểm duy vật biện chứng: dùng phép diễn dịch để suy đoán hệ quả tất yếu, phép so sánh để đưa ra các nhận định, đánh giá, sử dụng phép quy nạp để đưa ra kết luận, tổng hợp lại để đưa ra giải pháp.
3. Những hành trang cần thiết
Thứ nhất, về kiến thức chuyên môn.
Kiến thức đầu tiên các bạn sinh viên cần trang bị cho mình là những kiến thức cơ bản về kế toán - những kiến thức này các em có được trong học phần Nguyên lý kế toán. Môn học cơ sở này đóng vai trò rất quan trọng, xuyên suốt trong quá trình học tập và làm việc sau này bởi các kiến thức sau này đều gắn liền với nguyên lý, khuôn mẫu kế toán đó. Bên cạnh môn Nguyên lý kế toán còn rất nhiều các môn học về kế toán như: Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Kế toán công,… sẽ giúp các em có đầy đủ kiến thức về các phần hành kế toán tại doanh nghiệp. Các môn học Kế toán tài chính hướng dẫn cách xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, tổng hợp và trình bày các dữ liệu đó trên BCTC biến các con số trở nên có ý nghĩa thông qua việc “đọc”, “hiểu” và bước đầu phân tích được BCTC; môn học Kế toán quản trị giúp các em hiểu rằng phần lớn các dữ liệu đầu vào của kế toán không phải xuất phát từ bộ phận kế toán mà được thu thập từ tất cả các bộ phận liên quan đến doanh nghiệp nên kế toán cần “biết cách” lấy các dữ liệu này một cách phù hợp. Trong những năm gần đây, các trường đào tạo ngành kế toán - kiểm toán đều có những đổi mới căn bản về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy các môn học kế toán, kiểm toán như: Về khung chương trình, phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp thường được bố trí tối đa 2/3 số đơn vị học trình hoặc tín chỉ, trong đó kiến thức ngành và chuyên ngành thường chiếm khoảng 25%...; nội dung các môn học trong chương trình đào tạo của các trường đại học phần lớn dựa toàn bộ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và các chế độ kế toán Việt Nam (Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Thông tư số 133/2016/TT-BTC). Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, chương trình đào tạo kế toán - kiểm toán bậc đại học của một số trường đã có sự tham khảo các chương trình đào tạo của một số nước trên thế giới. Nhiều trường đã xây dựng và phát triển chương trình Chất lượng cao, chương trình liên kết, chương trình đào tạo cử nhân quốc tế; ví dụ: chương trình Chất lượng cao của Học viện Ngân hàng - một mô hình điển hình về đào tạo Chất lượng cao với mục tiêu mang đến cho sinh viên những lợi thế ưu việt nhất bởi nó là sự kết hợp những lợi thế của chương trình đào tạo cử nhân chính quy của Học viện Ngân hàng với nội dung của chương trình đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp danh giá trên thế giới được nhiều quốc gia công nhận (Giới thiệu chương trình Chất lượng cao, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng). Việc tích hợp nội dung một số môn học trong chương trình đào tạo giúp sinh viên có được nhiều lợi thế, như: nhận được bằng cử nhân đại học; có cơ hội hoàn thành 2/3 chương trình ACCA ngay khi học đại học hoặc Chứng chỉ quốc tế về Kế toán - Tài chính - Kinh doanh ICAEW CFAB;…
Với sinh viên chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán nói chung, để đáp ứng yêu cầu có cơ hội làm việc tại nước ngoài, để có mức thu nhập hấp dẫn, mỗi sinh viên phải luôn cố gắng để trở thành nhân viên kế toán chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao thông qua việc chinh phục những chứng chỉ hành nghề kế toán do Nhà nước hay các cơ quan có thẩm quyền cấp như CPA, ACCA, ACA, CIMA, CIA,… Chứng chỉ hành nghề là một chứng cứ quan trọng để chứng minh khả năng nghề nghiệp và chuyên môn của một cá nhân trong ngành KTKT. Như vậy, sinh viên ngành KTKT cần không ngừng học tập nâng cao trình độ, cần học tập tốt các môn học trong chương trình đào tạo của trường, tích cực tham gia các khóa đào tạo và các chứng chỉ quốc tế.
Thứ hai, phẩm chất cá nhân và đạo đức nghề nghiệp.
Phẩm chất cá nhân là một trong yếu tố được dùng để đánh giá nhân sự trong một ngành nghề nhất định nào đó. Với ngành Kế toán Kiểm toán, sản phẩm cuối cùng để cung cấp những thông tin cho người sử dụng BCTC một cách trung thực và hợp lý, do đó nhân viên kế toán cần đảm bảo xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh một cách khách quan, thẳng thắn, trung thực và thận trọng nhất. Bởi nếu thông tin kế toán cung cấp không trung thực sẽ khiến cho người sử dụng thông tin đưa ra những quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, của thị trường vốn,... Có bạn sinh viên đặt câu hỏi rằng: “kế toán là khuôn mẫu, vậy có cần sáng tạo không?”. Câu trả lời là với mỗi một ngành nghề hay lĩnh vực nào đó, đều luôn cần có sự sáng tạo, bởi chỉ có sáng tạo mới có sự cải tiến và đạt hiệu quả cao hơn. Trong ngành Kế toán Kiểm toán, công việc của mỗi kế toán nhìn chung có thể giống nhau, nhưng các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thì khác nhau trong mỗi loại hình doanh nghiệp, sự đa dạng của thực tiễn - có rất nhiều giao dịch phát sinh không được hướng dẫn trong các văn bản pháp luật, nên nhân viên kế toán cần linh hoạt, nhạy bén để vận dụng lý thuyết của chuẩn mực vào từng tình huống cụ thể, cần sáng tạo để đạt hiệu quả công việc.
Thứ ba, các kiến thức và kỹ năng khác.
(1) Kiến thức tin học và ngoại ngữ
Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần học tập nâng cao khả năng sử dụng công nghệ để ứng dụng vào công việc của mình, như ứng dụng các hàm tính exel, các phần mềm kế toán, phần mềm kê khai thuế,… Do đó, trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần học tốt các môn tin học văn phòng và môn thực hành kế toán máy. Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hiện có chi nhánh tại Việt Nam. Kế toán - Kiểm toán là một trong 8 ngành được tự do di chuyển trong khu vực, nên sinh viên ngành này có nhiều cơ hội sang làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được điều đó, sinh viên chuyên ngành này cần sử dụng tốt ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Sử dụng tốt ngôn ngữ quốc tế giúp các em tự tin khi giao tiếp, đọc, hiểu được các tài liệu bằng tiếng Anh và lập được BCTC bằng tiếng Anh. Việc sử dụng tốt ngôn ngữ này còn mang lại rất nhiều lợi ích tăng thêm, giúp sinh viên chủ động hơn, tự tin hơn, có nhiều cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp hơn.
(2) Kết hợp kiến thức các ngành nghề khác.
Khi công nghệ thông tin có thể hỗ trợ công việc của kế toán thì kế toán sẽ giảm dần các công việc mang tính kỹ thuật. Thay vào đó, kế toán cần phải đầu tư hơn vào các công việc đòi hỏi việc xét đoán của con người, như tư vấn cho nhà quản trị doanh nghiệp về các cách đánh giá rủi ro, quản trị rủi ro và ra quyết định. Kế toán ngày càng cần có sự kết hợp kiến thức với các ngành nghề khác để tạo ra những người hành nghề kế toán có kiến thức chuyên môn đa dạng phục vụ nhu cầu ngày càng cao và phức tạp của xã hội. Do đó, sinh viên ngành kế toán kiểm toán ngoài những kiến thức ngành, tiếng Anh, Tin học, cần chuẩn bị thêm cho mình nhiều nhất có thể các kiến thức khác, như: kiến thức về pháp luật, kiến thức về tài chính,…
Ngoài các kiến thức chuyên ngành KTKT và các chuyên ngành khác, sinh viên cũng cần trang bị thêm những kiến thức chung về kinh tế - xã hội để nâng cao tầm hiểu biết và mở rộng vốn kiến thức của mình. Các bạn hãy đọc báo nhiều hơn, xem thời sự, nghe các bản tin kinh tế - xã hội,…
(3) Các kỹ năng mềm cần thiết
Sinh viên ngành KTKT cũng như sinh viên các ngành khác đều cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết để thích ứng với công việc và đạt hiệu suất tối đa. Các kỹ năng đó là:
- Kỹ năng giao tiếp: Giao tiếp tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho mỗi cá nhân trong công việc và cuộc sống, giúp bạn dễ dàng hòa đồng với các đồng nghiệp trong công ty, hợp tác tốt với các thành viên trong phòng ban, thuyết phục được khách hàng,…
- Kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập: Kiểm toán viên thường làm việc theo nhóm khi đi gặp khách hàng hoặc đối tác và cần có sự chủ động tìm hiểu thông tin, giao tiếp với đồng nghiệp, cùng giúp đỡ nhau hoàn thiện để đạt hiệu quả công việc. Tuy nhiên, mỗi kế toán viên hay kiểm toán viên đều được phân chia một phần hành (công việc) cụ thể, nên mỗi cá nhân sẽ phải tự hoàn thiện và giải quyết phần việc của mình một cách độc lập.
- Kỹ năng làm việc trong môi trường áp lực cao: Kế toán làm việc cả ngày với các con số, cân đối các con số, nên luôn đặt nhân viên kế toán vào trạng thái căng thẳng, áp lực, vì vậy bạn hãy rèn luyện sức khỏe, giữ tinh thần thật tỉnh táo để làm việc đạt hiệu quả cao.
- Kỹ năng quản lý thời gian: Các nhân viên kế toán có rất nhiều việc vào giai đoạn cuối tháng, cuối quý và đặc biệt là cuối năm, vì đó là khoảng thời gian kế toán cần lập các báo cáo. Do đó, họ cần có kế hoạch, sắp xếp và quản lý tốt quỹ thời gian của mình để hoàn thành các phần việc theo đúng tiến độ đặt ra.
Ngoài ra, sinh viên cần trang bị thêm một kỹ năng nữa là kỹ năng networking (tạo dựng mối quan hệ). Trong thế giới mở như hiện nay, cơ hội công việc có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau và việc giao tiếp với những cộng đồng khác nhau sẽ mang lại nhiều lợi ích bất ngờ. Chúng ta có thể tham gia nhiều diễn đàn, các trang liên kết hội viên, các buổi hội thảo, trao đổi kinh nghiệm,… Như vậy, chúng ta được gặp gỡ, kết nối với nhau và với những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
4. Kết luận
Kế toán - Kiểm toán đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi doanh nghiệp, vì sản phẩm cuối cùng họ tạo ra phản ánh được tình hình tài chính của doanh nghiệp, giúp các nhà quản trị và người sử dụng thông tin đưa ra các quyết định đúng đắn. Việc hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội mới cho Ngành, nhưng cũng có nhiều thách thức. Để duy trì vị thế của ngành Kế toán - Kiểm toán, các bạn sinh viên - nguồn nhân lực trẻ có tri thức cần trau dồi năng lực của bản thân, chuẩn bị những hành trang cần thiết để trở thành nguồn nhân lực mang tầm vóc quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 8/5/2015 ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Hà Nội.
- Nguyễn Thị Khánh Phương và Vũ Thị Minh Nhật (2019), Sinh viên chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán cần chuẩn bị hành trang gì để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: “Kế toán Việt Nam, Tương lai và triển vọng” (Tháng 5/2019), Hà Nội: Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.
- Nguyễn Thị Thanh Thắm (2018), Kế toán - kiểm toán và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Tài chính điện tử, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/ke-toan-kiem-toan-va-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-136548.html
- Kiều Thị Tuấn (2019), Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu mới với nguồn nhân lực ngành Kế toán - Kiểm toán tại Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Khoa Kế toán - Kiểm toán.
- Nguyễn Thị Thu Hà (2017). 5 Điều sinh viên kế toán - kiểm toán ra trường cần biết. Website Học viện SAPP, https://sapp.edu.vn/5-dieu-sinh-vien-ke-toan-kiem-toan-ra-truong-can-biet/
LUGGAGE OF ACCOUNTING
AND AUDITING STUDENTS
IN THE INTERGRATION PERIOD
• Master. KIEU THI TUAN
Faculty of Accounting - Auditing, Banking Academy
ABSTRACT:
The international economic integration process has changed the working environment and conditions of the accounting and auditing sector. It removes the geographical limits in the accounting and auditing sector. In other words, accountants and auditors in Vietnam can perform accounting and auditing jobs in any country and vice versa. It brings both opportunities and challenges for accountant or auditor in Vietnam. It puts more pressure on accountant or auditor in Vietnam to improve themselves to meet new requirements. This paper presents some essential knowledge and skills that accounting and auditing students need to prepare themselves to meet new requirements in the context of the country’s integration process.
Keywords: intergration, accounting, auditing, accountant, auditor.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2021]