Với sự giúp đỡ về vốn, trang thiết bị và chuyên gia dầu khí từ Anh và Liên Xô, chúng ta đã tiến hành công tác khảo sát, phân vùng triển vọng và tiến hành tìm kiếm thăm dò dầu khí, tập trung tại vùng trũng An Châu và vùng trũng Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến khi giải phóng miền Nam (năm 1975), chúng ta vẫn chưa phát hiện mỏ dầu khí nào có giá trị công nghiệp.
Trên cơ sở thông tin về tình hình hoạt động dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam, ngay sau khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao cho Tổng cục Địa chất tổ chức một đoàn cán bộ, nhanh chóng lên đường vào Sài Gòn, tiếp quản và đánh giá tình hình, kết quả hoạt động dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Ngày 5-5-1975, chỉ 5 ngày sau khi Sài Gòn giải phóng, đoàn cán bộ đã lên đường.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Vietsovpetro, nhớ lại: “Hằng ngày, đoàn cán bộ đi bộ đến số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trụ sở của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản để thu thập, nghiên cứu tài liệu dầu khí của các công ty tư bản để lại. Rất may là những nhân viên của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản đã giữ gìn các tài liệu quý này. Toàn bộ tài liệu dầu khí nặng hàng tạ vẫn còn giữ nguyên vẹn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, sau này giúp cho Công ty Dầu khí Nam Việt Nam xác định được khu vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí nhanh hơn thay vì phải mất rất nhiều thời gian để tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam”.
Sau 3 tháng đọc, phân tích, tổng hợp và đánh giá tài liệu, cùng các thùng dầu thô do Công ty Mobil lấy được từ giếng khoan 1X (Lô 09) thềm lục địa Nam Việt Nam, đoàn cán bộ viết báo cáo và quay ra Hà Nội. Báo cáo của đoàn được trình ngay lên Tổng cục Địa chất và Chính phủ, xác nhận thềm lục địa Nam Việt Nam đã phát hiện được dầu mỏ và khí đốt.
Trên cơ sở báo cáo đó, ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết số 244 NQ/TW về việc triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong cả nước. Ngày 3-9-1975, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu việc ngành Dầu khí Việt Nam bước sang một trang sử mới, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất…
Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam là tổ chức Nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước. Đất nước cần có dầu khí để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá. Phải sớm tìm ra dầu - khí có giá trị công nghiệp, đưa nhanh vào khai thác.
Ngày 3-7-1980, Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Liên Xô về “Hợp tác tiến hành tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam” được đại diện hai Chính phủ ký tại thủ đô Moscow (Liên Xô). Đến ngày 19-6-1981, hai bên ký tiếp Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (nay là Liên doanh Vietsovpetro) có nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở 7 lô thuộc thềm lục địa Nam Việt Nam. Đây được coi là giai đoạn mang tính bước ngoặt của lộ trình vào Nam tìm dầu.
Sau 3 năm, ngày 25-12-1983, tàu Mikhain Mirchin đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và 20 giờ ngày 30-4-1984, đúng 9 năm sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhain Mirchink phát hiện thấy tầng dầu và 26 ngày sau, 21 giờ ngày 26-5-1984, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp và ngọn lửa đã bùng cháy trên biển ngoài khơi Vũng Tàu, báo tin vui cho cả nước. Chỉ sau đó 2 năm (1986), tấn dầu đầu tiên được khai thác lên từ mỏ Bạch Hổ, khởi đầu một thời kỳ khai thác công nghiệp dầu khí tại thềm địa Nam Việt Nam.
Ngày 11-5-1987 tại giếng BH6 và ngày 6-9-1988 tại giàn khoan MSP-1 đã phát hiện mỏ dầu chứa trong móng nứt nẻ granit với sản lượng cao lên đến 1.000 tấn/ngày. Đây được coi là bước ngoặt thứ hai đem lại tiềm năng lớn cho Vietsovpetro và ngành Dầu khí Việt Nam nói chung. Nó không những nâng cao đột biến sản lượng khai thác hằng năm của Vietsovpetro, mà quan trọng hơn, đã làm thay đổi hẳn nhận thức về khả năng chứa dầu trong đá móng nứt nẻ, xưa nay hiếm thấy trên thế giới. Chính phát hiện này đã kích thích các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí quay trở lại thềm lục địa Nam Việt Nam, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Sau thời gian 45 năm vào Nam tìm dầu, ngành Dầu khí Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đóng góp một phần rất quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Thực hiện mong ước của Bác Hồ, tiếp nối ý chí, truyền thống, bản lĩnh, nghị lực, các thế hệ “những người đi tìm lửa” đã và đang tiếp tục viết nên trang sử hào hùng của ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu, góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.