Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo đó hướng dẫn triển khai thực hiện giảm giá bán điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Công văn của Bộ Công Thương nêu rõ, giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh được giảm 10% giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ở các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm.
Ước tính, tổng số tiền hỗ trợ các hộ sản xuất và kinh doanh theo phương án giảm giá điện này trong 3 tháng là 6.104 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ hộ sản xuất 5.117,82 tỷ đồng và hỗ trợ hộ kinh doanh 986,19 tỷ đồng.
Trước đó, tại đề xuất trình Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ rõ, ưu điểm của phương án giảm giá điện này là tất cả các khách hàng sản xuất bao gồm cả các doanh nghiệp lớn sản xuất 3 ca hay các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca đều được hỗ trợ tiền điện.
Việc duy trì giá giờ cao thấp điểm cũng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm vào giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng điện vào giờ bình thường và giờ thấp điểm.
Trao đổi với Tạp chí Công Thương, ông Vũ Việt Tiến - Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho hay, bình quân mỗi tháng Công ty dùng khoảng 11.000.000kWh, với giá mua điện bình quân là 1.700 đồng/kWh. Tổng tiền điện mà Công ty cần chi trả lên tới gần 19 tỷ đồng/tháng.
Với chính sách giảm giá điện của Chính phủ mới ban hành, Đạm Hà Bắc dự kiến được hỗ trợ tới khoảng 5,5 tỷ đồng trong 3 tháng tới. Điều này thực sự có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn này.
Còn tại Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Đông cho biết với việc tiêu thụ khoảng 3-4 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng, giờ đây Công ty dự kiến sẽ tiết kiệm tới hơn 1 tỷ đồng tiền điện trong 3 tháng được áp dụng chính sách giảm giá điện của Chính phủ, góp phần duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định của doanh nghiệp.
Trong khi đó, bà Phan Thị Thanh Xuân, đại diện Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho biết, theo khảo sát từ các doanh nghiệp thành viên, trong 10 ngày đầu của tháng 4, doanh nghiệp đã được khấu trừ tiền điện nhờ chính sách hỗ trợ giảm giá điện.
Không chỉ LEFASO, nhiều Hiệp hội ngành hàng cũng đánh giá giảm giá điện, giảm tiền điện là một trong những chính sách hỗ trợ tiêu biểu cho việc đi vào thực chất, lợi ích đã đến tận tay doanh nghiệp ngay khi có hiệu lực.
Mặt khác, theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng điện tiêu thụ bình quân để sản xuất ra 1 tấn thép là khoảng 600 KWh, chiếm khoảng 9% giá thành, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ 5 - 6%.
Việc giảm giá điện 10% sẽ giúp giá thành sản xuất thép giảm khoảng 130.000 đồng/tấn.
Trong khi đó, đại diện một công ty cơ khí, cho biết, trong cơ cấu giá sản phẩm, chi phí tiền điện chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 15-20%. Đối với doanh nghiệp dệt may khác, tỷ lệ này ở mức khoảng 12-15%.
Do vậy, việc giảm giá điện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cho sản phẩm công nghiệp trong nước và tăng tỷ lệ lợi nhuận doanh nghiệp có thể thu về giữa ảnh hưởng của đại dịch.
Giữa bối cảnh dịch Covid-19 đã bước sang giai đoạn mới, Bộ Công Thương cho biết đang rà soát, đánh giá lại thực tế hiện trạng, năng lực cũng như nhu cầu hỗ trợ hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, đánh giá hiệu quả thực chất của các biện pháp, các gói hỗ trợ thời gian qua, từ đó có kiến nghị và báo cáo với Chính phủ, thậm chí báo cáo Quốc hội nếu cần thiết, để có cơ chế chính sách mới giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt khó khăn, trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế cũng như tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong lúc doanh nghiệp đang gặp khó nhiều về dòng tiền, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung đề xuất thêm nhiều giải pháp cắt giảm, miễn, giãn, hoãn các khoản thuế, lệ phí trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí liên quan đến giao thông vận tải, logistics…