Chiều 24/4/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng các Thứ trưởng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ về triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dịch Covid-19 hiện nay đã diễn biến phức tạp vượt xa các dự báo và nghiên cứu của thế giới.
Tại Việt Nam, dịch bệnh đang dần được đẩy lùi, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát thực tiễn, đánh giá toàn diện và đi vào cụ thể tác động của dịch bệnh khi chuyển sang trạng thái mới, từ đó xây dựng, ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương trên những phương diện sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa,…
Từ đó, khơi gợi nguồn lực và đề xuất nhiều hơn chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau giai đoạn đóng băng.
Hàng loạt giải pháp được thực thi, gỡ khó cho sản xuất kinh doanh
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, thời gian qua, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh cũng như tình hình thị trường để chủ động xem xét, ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định triển khai hàng loạt giải pháp nhằm vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường được thực hiện tốt, bảo đảm trật tự thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.
Lũy kế từ 31/1 - 23/4/2020, số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường là 8.445 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính ước đạt 4,33 tỷ đồng.
Đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử, thực hiện yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các sàn thương mại điện tử đã thường xuyên kiểm tra, rà soát nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và thông báo tới người bán về việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá gây mất ổn định thị trường.
Tính đến 24/4/2020, các sàn thương mại điện tử đã xử lý gỡ bỏ tổng cộng khoảng 17.310 gian hàng và khoảng 34.480 sản phẩm vi phạm.
Công tác bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang chống giọt bắn cho nhu cầu sử dụng của người dân trong thời gian qua cũng được thực hiện tốt.
Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp để cập nhật năng lực sản xuất và hướng dẫn tiếp cận với các quy định mới. Đồng thời, tìm kiếm, kết nối nguồn nguyên liệu, phụ liệu để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất khẩu trang nhanh nhất và kết nối doanh nghiệp sản xuất với người mua, tăng lượng đơn đặt hàng, hỗ trợ thị trường tiêu thụ.
Cho đến nay, qua tổng hợp tình hình sản xuất khẩu trang vải của hơn 20 doanh nghiệp dệt may, năng lực cung ứng khẩu trang vải đã lên tới trên 11 triệu chiếc/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh và phục vụ xuất khẩu.
Về khơi thông xuất khẩu, Bộ Công Thương liên tục bám sát tình hình từ những ngày cuối tháng 1/2020 và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc ở cửa khẩu phù hợp với diễn biến tình hình ở phía Việt Nam cũng như phía các nước bạn, đặc biệt là với Trung Quốc.
Về thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước để giải phóng một lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là nông sản vào vụ thu hoạch, giảm áp lực cho xuất khẩu trong giai đoạn gặp khó khăn.
Theo đó, hầu hết các hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam đều tham gia hoạt động kết nối, tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân. Đồng thời phối hợp tốt với các địa phương để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ phòng chống dịch và hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.
Duy trì và triển khai tích cực công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại áp dụng ngay các phương thức xúc tiến thương mại hiệu quả trong mùa dịch thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử,...
Đồng thời, đã thiết lập cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt trên các ứng dụng internet cũng như thiết lập đầu mối tiếp nhận, phản hồi các nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và các nước thông qua địa chỉ email, nhóm tương tác trên các ứng dụng Viber, Zalo.
Nhờ việc triển khai tích cực các giải pháp ứng phó, hoạt động sản xuất công nghiệp thương mại 3 tháng đầu năm dù có sụt giảm so với cùng kỳ những năm trước đây, song vẫn đạt mức rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm tăng 5,8%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2020 đạt 63,24 tỷ USD, tăng 7,5%, tương ứng tăng 4,43 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,2%). Nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 59,49 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,7%).
Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu 3,74 tỷ USD, cao hơn so với mức xuất siêu 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
Xây dựng kế hoạch tăng tốc phát triển hậu Covid-19
Đến nay, mặc dù yêu cầu phòng chống dịch bệnh vẫn đặt ra hết sức quyết liệt, không được chủ quan, lơi là; song cần có sự chủ động tính toán để xây dựng kế hoạch tăng tốc phát triển kinh tế trong thời gian tới, đặc biệt là ngay sau khi kết thúc dịch bệnh.
Bước sang giai đoạn mới, Bộ Công Thương cho rằng cần xác định tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh là yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm trước hết, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và các Kế hoạch triển khai công tác của Bộ Công Thương đã ban hành. Tuyệt đối không chủ quan, lơi là.
Tuy nhiên, cùng với đó, phải khẩn trương có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tranh thủ thời gian sau khi kết thúc dịch bệnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần vào thực hiện mục tiêu kế hoạch không chỉ của năm 2020 mà còn những năm tiếp theo.
Đối với sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành trọng điểm như dệt may, da giày, điện tử, ô tô, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất... để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu khi tình hình dịch bệnh ở các nước được kiểm soát tốt hơn.
Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng cần tập trung trọng tâm vào xử lý khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí. Bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, đặc biệt là cho giai đoạn sau dịch bệnh và cho những năm tiếp theo.
Riêng đối với diễn biến đặc biệt phức tạp của giá dầu thế giới, Bộ Công Thương cho biết vừa qua đã có Báo cáo đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp với Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần tiếp tục có đánh giá tác động của việc giá dầu giảm sâu và đề xuất các giải pháp cần thiết ở trong nước.
Đối với xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay cần có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường để khai thác ngay trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn hậu dịch bệnh.
Với thị trường châu Âu, trọng tâm là chuẩn bị tốt nội dung để trình Quốc hội thông qua EVFTA tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tới đây.
Với thị trường Trung Quốc, một mặt, tiếp tục bám sát tình hình để khơi thông xuất khẩu qua tuyến biến giới đường bộ. Mặt khác, cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch để triển khai các nội dung thống nhất giữa Bộ trưởng Công Thương với Bộ trưởng Thương mại và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm đưa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hai nước vào thực hiện để thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.
Với các thị trường khác, trước mắt tập trung theo hướng khai thác các sản phẩm mà họ đang cần để phòng chống dịch bệnh và phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đồng thời, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo hệ thống Thương vụ để lên phương án thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định tinh thần chung là thị trường trong nước phải là bệ đỡ cho tăng trưởng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường ngoài nước gặp khó khăn. Do vậy, cần phải có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thúc đẩy thương mại trong nước, đặc biệt là trong giai đoạn hậu dịch bệnh Covid-19. Coi đây là động lực quan trọng để phục vụ tăng trưởng của năm 2020 và những năm tiếp theo, khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ. Thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Bên cạnh đó, cần có chương trình thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, đặc biệt là gắn với việc triển khai Mobile Money mà Chính phủ đã có chủ trương cho phép thí điểm. Cần tạo được đột phá trong lĩnh vực này thời gian tới.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị trong Bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch công việc cụ thể để thực hiện cho giai đoạn tới đây, đặc biệt là sau khi dịch bệnh kết thúc, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, bảo đảm yêu cầu về tăng trưởng cho năm 2020 và những năm tiếp theo.
Tiếp tục tăng cường theo dõi sát tình hình, duy trì quan hệ làm việc chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để cập nhật kịp thời những diễn biến mới tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội, từ đó có biện pháp đề xuất, hoàn thiện và đảm bảo hiệu quả chung trong chính sách điều hành của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương.