“Heo ăn chay” BaF Việt Nam (BAF) lấn sân sang trồng cao su

Đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF) bất ngờ công bố kế hoạch mua lại 40% vốn điều lệ của một doanh nghiệp cao su.
Heo ăn chay BaF Việt Nam
Các sản phẩm thịt heo của BaF Việt Nam được nhiều người tiêu dùng biết đến với thương hiệu “Heo ăn chay”

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF - sàn HoSE) vừa có thông báo về việc sẽ nhận chuyển nhượng 2,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 40% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Sản xuất Rừng Xanh.

Đồng thời, BaF Việt Nam giao cho bà Bùi Hương Giang - Tổng giám đốc công ty thực hiện các thủ tục, cũng như đại diện phần vốn góp của công ty tại Công ty Cổ phần Sản xuất Rừng Xanh.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Sản xuất Rừng Xanh được thành lập vào tháng 8/2009, địa chỉ tại huyện Ea E’leo, tỉnh Đắk Lắk, hoạt động trong lĩnh vực trồng cây cao su. Người đại diện công ty là ông Nguyễn Tiến Khởi (sinh năm 1980).

Trong khi đó, BaF Việt Nam được thành lập vào năm 2017, là doanh nghiệp chăn nuôi heo - sản xuất thức ăn chăn nuôi theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food) khép kín và kinh doanh nông sản. Công ty hiện đang dần tập trung nguồn lực cho mảng 3F và giảm dần tỷ trọng mảng kinh doanh nông sản.

Cổ đông lớn nhất của BaF Việt Nam hiện nay là nhóm cổ đông liên quan tới Tập đoàn Tân Long. Đây là tập đoàn đa ngành, có các hoạt động kinh doanh liên quan tới cung ứng - sản xuất - thương mại thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, gạo, hạt, khoáng sản, cơ khí công nghệ cao.

Tập đoàn Tân Long chi phối gián tiếp 40,48% vốn cổ phần BaF Việt Nam thông qua Công ty Cổ phần Siba Holdings. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của BaF Việt Nam cũng là những nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Tân Long, gồm ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT của cả BaF Việt Nam và Tập đoàn Tân Long, bà Bùi Hương Giang giữ chức Tổng Giám Đốc tại BaF Việt Nam và Phó Tổng Giám Đốc tại Tập đoàn Tân Long.

BaF Việt Nam đang sở hữu 21 công ty con; các công ty con này được tạo ra để sở hữu các trang trại và cụm trang trại. Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, với việc nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Tân Long, BaF Việt Nam hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu TACN giả rẻ từ Tân Long Group, và khoảng 15-20% lượng heo đầu ra được phân phối qua hệ thống Siba Food của công ty thành viên của Tập đoàn Tân Long Group và cổ đông lớn là Siba Holdings.

Giá cổ phiếu BAF BaF Việt Nam
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BAF của BaF Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Điều gì khiến lãi ròng năm nay của BaF Việt Nam (BAF) có thể tăng gấp 19 lần?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo đó, giá vốn mảng chăn nuôi heo hiện nay của BaF Việt Nam chỉ ở mức 40.000 đồng/kg - mức khá thấp so với trung bình ngành, tạo dư địa cho doanh nghiệp này mở rộng biên lợi nhuận gộp.

Các sản phẩm thịt heo của BaF Việt Nam được nhiều người tiêu dùng biết đến với thương hiệu “Heo ăn chay” ra mắt vào năm 2022 với đặc điểm heo được chăn nuôi với cám thuần chay, có nguồn gốc từ thực vật (ngô, đậu nành…).

Trong một diễn biến có liên quan, vào ngày 30/9 tới đây, BaF Việt Nam sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng bằng văn về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2024. Nội dung chi tiết của phương án này hiện chưa được công bố. Thời gian lấy ý kiến là trong tháng 10/2024.

Điểm đáng lưu ý, mặc dù mới chào sàn chưa đầy 3 năm nhưng BaF Việt Nam đã liên tục phát hành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ tăng gấp 3 lần, từ 780 tỷ đồng lên 2.390 tỷ đồng.

Gần đây, BaF Việt Nam đã phát hành 7,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công chỉ đạt 36%, tương đương 2,6 triệu cổ phiếu được phân phối. Như vậy, công ty đang còn tới 4,6 triệu cổ phiếu ESOP chưa phân phối hết.

Duy Quang