Theo hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT), Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) phù hợp với “đặc điểm chuỗi cung” của Việt Nam và “quy định” của EU.
Hệ thống này được xây dựng nhằm xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng, làm cơ sở để cơ quan quản lý của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Hiệp định giúp các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp khi xuất khẩu vào EU.
VPA/FLEGT, sau 6 năm đàm phán và có hiệu lực ngày hôm nay, giúp ngành gỗ nội địa mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu.
Tại hội thảo gần đây về thương mại gỗ, bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, theo cam kết trong VPA, doanh nghiệp trong ngành gỗ sẽ được phân làm hai nhóm: Nhóm 1 là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và nhóm 2 là doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật.
Doanh nghiệp nhóm 1 được chủ động trong hoạt động kinh doanh không phải trình cơ quan kiểm lâm xác nhận hồ sơ xuất khẩu.
Trong khi đó, doanh nghiệp nhóm 2 khi xuất khẩu sẽ phải trình bảng kê lâm sản cho cơ quan kiểm lâm kiểm tra, xác nhận. Đồng thời, cơ quan kiểm lâm sẽ kiểm tra thực tế 20% lô hàng trước khi xuất khẩu và cấp phép FLEGT.
FLEGT, được coi là “giấy thông hành đặc biệt”, chỉ được cơ quan quản lý của Việt Nam cấp cho những lô gỗ xuất khẩu sang các nước thành viên EU. Một khi có giấy phép này, các lô hàng gỗ của doanh nghiệp sẽ được tự do vào thị trường EU mà không phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Quy trình cấp phép FLEGT sẽ được thể chế hóa bằng Nghị định, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019 nhằm hướng dẫn thực hiện hiệp định VPA/FLEGT.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, phải mất một thời gian để giấy phép FLEGT được cấp, trong đó phải có nghị định về hệ thống kiểm soát gỗ của Việt Nam; quy định về quy trình cấp giấy phép, tổ chức cấp giấy phép.
“Hy vọng khoảng tháng 6-2020, sẽ có lô hàng đầu tiên được cấp giấy phép FLEGT và xuất khẩu sang EU”, ông Tuấn nói.
Theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, EU nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 785 triệu đô la Mỹ, chiếm 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng nhẹ (3%) so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này năm 2017. Trong đó, khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này là nhóm các mặt hàng gỗ chế biến, có giá trị gia tăng cao, phần nhỏ còn lại là gỗ nguyên liệu.