Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS phát biểu
Hội nghị AFF 2015 nhằm mục đích liên kết dệt may thời trang các quốc gia châu Á; quảng bá, xúc tiến thương mại và xuất khẩu Thời trang châu Á sang châu Âu và các nước khác. Đây là sân chơi chuyên nghiệp cho các nhà thiết kế trẻ, tài năng châu Á thử sức khơi nguồn sáng tạo qua các bộ sưu tập nhằm tôn vinh vẻ đẹp thời trang châu Á, cũng như ngành công nghiệp Dệt may. Hội nghị lần này có sự tham gia của các nhà thiết kế đến từ 6 quốc gia. Trong khuôn khổ Hội nghị AFF Hà Nội 2015 sẽ diễn ra Hội nghị Chủ tịch của 6 quốc gia thành viên nhằm rà soát lại kết quả hoạt động của AFF, đưa ra định hướng cụ thể các hoạt động AFF để thúc đẩy, phát triển các Nhà thiết kế tiềm năng và thời trang khu vực.
Song hành cùng AFF Hà Nội 2015 là Triển lãm quốc tế thời trang và thiết bị nguyên phụ liệu may mặc 2015, nhằm thúc đẩy giao thương dệt may trong khu vực. Tại triển lãm, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước sẽ giới thiệu các mặt hàng thời trang, thiết bị và nguyên phụ liệu.
Bên lề Hội nghị AFF 2015, Đại hội Hiệp hội Dệt May Việt Nam lần thứ V sẽ được tổ chức vào ngày 26/11/2015, tổng kết các hoạt động của Hiệp hội ở nhiệm kỳ trước, đồng thời đưa ra phương hướng hoạt động cho giai đoạn 2016 - 2020. Tại Đại hội này, VITAS vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang nhấn mạnh, 9 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 24,7 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014. Dự kiến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2014, tỷ lệ nội địa hóa đạt 51%. So với nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ IV, ngành Dệt may vượt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển dệt may trong giai đoạn 2010 - 2015 là 14 - 16 tỷ USD vào năm 2015, tốc độ bình quân 5 năm đạt 14,74%/năm, đưa dệt may trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Toàn cảnh buổi họp báoVới mục tiêu chiến lược phát triển dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn và xuất khẩu; thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc khu vực và quốc tế trước những cơ hội vô cùng lớn do FTA, TPP mang lại. Tuy nhiên, để có được những lợi ích từ TPP, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn thách thức, chính vì thế việc đổi mới phương thức hoạt động của Hiệp hội, phát triển hội viên, lấy mục tiêu vì lợi ích của các hội viên làm trọng tâm của các hoạt động văn phòng Hiệp hội cũng như việc tổ chức bộ máy thực hiện công tác tư vấn, nghiên cứu về các vấn đề phát triển chung của ngành nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp được hưởng lợi đang là vấn đề cần thiết. Cũng theo ông Vũ Đức Giang, Hiệp hội đang thành lập các phòng ban chức năng chuyên môn, như: Trung tâm tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp; Ban Thông tin truyền thông, nhằm tiếp nhận nội dung về chiến lược phát triển dệt may, chính sách phát triển của ngành, định hướng và nghị định của Chính phủ, từ đó có những phương án đổi mới cụ thể để đáp ứng được tiến trình hội nhập.
Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tích cực tham gia xây dựng Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành dệt may đến 2010, tầm nhìn 2030; ưu tiên phát triển ngành dệt may theo hướng đẩy nhanh hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững và hiệu quả.