“Hình ảnh người cha luôn nhắc nhở tôi phấn đấu cho dòng điện quê hương”

Tháng 8/1984, Huỳnh Ngọc Việt tốt nghiệp kỹ sư điện tại Đại học Bách khoa Đà Nẳng về nhận công tác tại Phân xưởng Phát điện thuộc Sở Quản lý và phân phối điện Nghĩa Bình. 28 năm sau, trải qua nhiều lĩ

Nhìn lại đoạn đường đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đã qua, Huỳnh Ngọc Việt tâm sự: “Truyền thống gia đình, nhất là hình ảnh người cha hy sinh năm 1972 tại Nhà máy sửa chữa thiết bị điện Đông Anh luôn nhắc nhở tôi tiếp tục phấn đấu vì dòng điện quê hương”.

Đêm 18/12/1972 lịch sử Hà Nội rực lửa “Điện Biên Phủ trên không” ấy, đã in đậm trong tuổi thơ của cậu bé 11 tuổi Huỳnh Ngọc Việt, khi nghe tin cha là ông Huỳnh Hoành cùng đồng đội bị trúng bom B52 trên công trường xây dựng Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh - Hà Nội. Sững sờ vì mới đây thôi, cha về nhà sau ca làm việc, ăn vội bữa cơm với gia đình. Vừa bố trí xong việc nhà thì tiếng còi báo động vang lên, không kịp chia tay vợ con, ông Huỳnh Hoành chạy vội về phía công trường. Đúng lúc đó, loạt bom đầu tiên đã bắt đầu nổ trong khu vực nhà máy, ông và một số cán bộ khác đã bị thương.

Tại trạm cứu thương dã chiến gần đó, ông Huỳnh Hoành trong cơn nguy kịch vì vết thương quá nặng, biết không qua khỏi nên Nhà máy đã liên lạc với gia đình. Huỳnh Ngọc Việt được người mẹ đưa đến gặp cha lần cuối với lời dặn dò - như một định mệnh đi suốt cuộc đời anh: -“Con cố gắng học để sau ngày giải phóng miền Nam về đóng góp xây dựng cho …dòng điện quê hương…nghe con”.

Năm 1954, sau khi tham gia quân đội chống Pháp từ năm “Toàn quốc kháng chiến” -1946, chiến sĩ Huỳnh Hoành cùng vợ là Trần Thị Xuân tạm biệt làng biển xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tinh Bình Định lên tàu tập kết. Tình yêu và lý tưởng cách mạng đã đưa cặp vợ chồng này đến với những công trình xây dựng các nhà máy điện trên toàn miền Bắc. Từ nhà máy điện Vinh, Lào Cai đến Việt Trì, Vĩnh Phú… và cuối cùng là Nhà máy điện sửa chữa thiết bị điện Đông Anh - Hà Nội.

Sau ngày 30/4/1975 - thống nhất đất nước, gia đình của Huỳnh Ngọc Việt trở về quê hương Bình Định. Thực hiện di chúc miệng của người cha với những lời nói cuối cùng trước khi nhắm mắt, Huỳnh Ngọc Việt tiếp tục đèn sách và đi đúng con đường người cha đã dặn với một ý chí cháy bỏng vì dòng điện của quê hương.

Hồi ức lại những ngày đầu mới về nhận công tác kỹ thuật viên tại Phân xưởng Phát điện, Huỳnh Ngọc Việt tâm sự -“Thật không ngờ giữa lý thuyết nhà trường và thực tế nguồn điện địa phương lại xa nhau đến thế. Toàn tỉnh Bình Định chỉ trông chờ vào 14 tổ máy phát điện bằng diezel với công suất phát được 15MW. Tình trạng cấp điện “4 có -3 không” diễn ra đến tháng 8/1993 - khi Bình Định đón được nguồn điện quốc gia”.

Thực vậy, để có được nguồn điện quý giá phục vụ cho địa phương thời kỳ đầu sau ngày giải phóng… đầu vào cho các máy phát điện diesel cái gì cũng quý: Từ giọt dầu, cân nhớt cho đến các thiết bị phụ tùng máy đều… hiếm hoi. Chính trong bối cảnh khó khăn ấy, kỹ sư Huỳnh Ngọc Việt đã ứng dụng bài học đầu tiên về máy phát điện và các lý thuyết về mạch nhị thứ, bảo vệ rơ le và các hệ thống tự động hóa anh cùng đồng nghiệp tìm tòi, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, gia công thay thế các thiết bị không có trên thị trường, Huỳnh Ngọc Việt đã vận dụng và khai thác vận hành, duy trì tốt chế độ vận hành, góp phần đưa các tổ máy diezel thế hệ cũ vận hành ổn định, phát huy tối đa công suất .

Trước khi về nhận công tác tại Phân xưởng lưới điện từ năm 1990 đến 2004, Huỳnh Ngọc Việt lại được trải qua công tác Trưởng ca Điều độ Sở Điện lực Bình Định. Có thể nói, từ quản lý, vận hành nguồn điện đến quản lý vận hành lưới điện là một bước ngoặt lớn đối với người kỹ sư trẻ này. Anh có thuận lợi được đi thực tập Điều độ hệ thống điện 4 tháng tại Liên Xô (cũ) và về phát huy tốt kiến thức thực tế trên hệ thống điện Bình Định - lưới điện toàn tỉnh lúc ấy đã vươn dài trải rộng về 11 huyện, thành phố trong tỉnh với phong trào làm điện nông thôn đón đầu nguồn điện quốc gia.

Từ thực tế quản lý lưới điện với vai trò là Trưởng ca Điều độ, Huỳnh Ngọc Việt đã ghi dấu ấn đậm nét trong thời gian là “thủ lĩnh” của Phân xưởng Lưới điện, Điện lực Bình Định. Điều hành đơn vị Phân xưởng lưới điện với trên 60 CBCNV, quản lý trên 1.200km đường dây trung, hạ thế với hàng trăm trạm biến áp lúc bấy giờ - Huỳnh Ngọc Việt đã đảm nhận trọng trách với khách hàng dùng điện rằng: Lưới điện luôn phải ở trong tình trạng cấp điện liên tục, ổn định và an toàn.

Quyết tâm là vậy nhưng trên thực tế hiện trạng lưới điện địa phương đã xuống cấp trầm trọng và cũ nát, nhất là lưới điện thành phố Quy Nhơn sau ngày giải phóng, tổn thất điện năng lên đến 2 con số trên dưới 20% - một con số không thể chấp nhận trong sản xuất kinh doanh điện năng.

Phân xưởng lưới điện do Huỳnh Ngọc Việt làm Phó Quản đốc (1990)… rồi Quản đốc (1992) được cơ hội nâng cấp với các Dự án cải tạo lưới điện thành phố Quy Nhơn và thị xã An Nhơn do Quỹ phát triển quốc tế của Thụy Điển tài trợ (SiDa1, Si Da2 và SiDa 3). Có thể nói đây là cuộc cách mạng cơ bản về lưới điện tại Bình Định. Lưới điện được cải tạo cả về lượng và chất, tăng độ mỹ quan và chiếu sáng đô thị. Nó được đánh đổi bằng kinh phí, vật tư thiết bị và sự vất vả nhọc nhằn của đội quân thiện chiến - Phân xưởng lưới điện do Huỳnh Ngọc Việt chỉ huy. Thời điểm này, Huỳnh Ngọc Việt có mặt trên từng cây số để chỉ đạo và động viên đội ngũ lính thợ của mình: trồng trụ, kéo dây, xây dựng TBA, đưa điện tỏa nhanh về các địa bàn vùng ven thành phố Quy Nhơn qua nhiều địa hình phức tạp nhất từ núi Vũng Chua với độ cao 800m đến xã bán đảo Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội.

Để đáp ứng nhiệm vụ thi công lưới điện với các tiêu chí: đúng thiết kế kỹ thuật, đảm bảo an toàn lao động và hoàn thành đạt tiến độ, Huỳnh Ngọc Việt cho biết: “Chỉ có con đường cải tiến kỹ thuật trong thi công, tăng năng suất lao động”. Anh đã cùng đồng đôi ngày đêm bám công trường, cải tiến thiết bị, đưa ra được giải pháp tối ưu nhất qua các đề xuất sáng kiến trong CBCNV. Vinh dự đã thuộc về Phân xưởng lưới điện khi đưa các dự án, công trình cải tạo lưới điện về đích đúng tiến độ, đạt các tiêu chí về kỹ thuật và mỹ quan. Chính trong giai đoạn lăn lộn trên công trường này, Huỳnh Ngọc Việt vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 11/1993.

Khi nguồn điện quốc gia về Bình Định, hòa ổn định vào hệ thống lưới điện vừa được cải tạo nâng cấp - năm 2004, cũng là thời điểm Huỳnh Ngọc Việt tiếp tục được thử thách với nhiệm vụ lãnh đạo mới: Trưởng Chi nhánh điện Quy Nhơn.

Bốn năm trở về với công tác quản lý tổng hợp, kinh doanh điện năng trên địa bàn thành phố Quy Nhơn với hơn 36.000 khách hàng, chiếm 45% sản lượng điện của Điện lực Bình Định lúc bấy giờ; Huỳnh Ngọc Việt lại chứng tỏ năng lực vững vàng trên cương vị lãnh đạo, điều hành sản xuất kinh doanh ở một Điện lực Trung tâm.

Những trải nghiệm trong thời kỳ là kỹ thuật viên nguồn phát diesel; Kinh nghiệm trên công trường thi công lưới điện, từng trải trong quản lý hệ thống lưới với vai trò trưởng ca đối với Huỳnh Ngọc Việt là…chưa đủ. Đó là lý do Huỳnh Ngọc Việt tiếp tục tranh thủ thời gian học tập, nâng cao trình độ quản lý, ý thức tìm tòi sáng tạo đã gắn kết anh với đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong phong trào sáng kiến toàn công ty. Đề tài “Khai thác và ứng dụng phần mềm DMS 600 vào vận hành hệ thống lưới điện Bình Định” đã được đánh giá xuất sắc trong luận án bảo vệ tốt nghiệp thạc sĩ của Huỳnh Ngọc Việt.

Không dừng lại ở đó, trên cương vị Lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Định, anh đã tạo được bước đột phá trong quản lý với đề tài: “Cải tiến chế độ tiền lương để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh điện năng”. Hiệu ứng của đề tài được cấp EVNCPC công nhận danh hiệu CSTĐ năm 2012 và được áp dụng chi trả lương toàn công ty với sự tác động tích cực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh. Vì thế, 6 tháng đầu năm 2013 Công ty đứng tốp đầu thi đua về hoạt động SXKD trong toàn Tổng Công ty Điện lực miền Trung.

Gần 30 năm đi theo con đường truyền thống của người cha liệt sĩ ngành Điện, thành tích của Huỳnh Ngọc Việt không chỉ là các hình thức khen thưởng từ cấp Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương và các danh hiệu chiến sĩ thi đua nhiều năm; mà đó là cả một sự nghiệp vận hành ổn định, tiên tiến, văn hóa và hiệu quả của Công ty Điện lực Bình Định. Trong đó có đóng góp tích cực của bản thân anh và CBCNV trong đơn vị. Từ “tâm phục khẩu phục” những sáng kiến trong quản lý, Giám đốc Huỳnh Ngọc Việt đề xuất như: “Khoán quỹ tiền lương”, “Khoán Văn phòng phẩm”, “Hạch toán tiền điện tiêu thụ trong từng đơn vị”… Công ty Điện lực đang khởi sắc đi vào năm “Kinh doanh - dịch vụ khách hàng” với những chuyển biến tích cực, sâu sắc. Sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh trong năm 2013 sẽ đạt trên 1,3 tỷ kWh, chỉ tiêu điện dùng để truyền tải và phân phối hạ xuống dưới 6%. Có 99,7% hộ nông thôn các vùng sâu vùng xa trong toàn tỉnh Bình Định đã dùng điện với giá bình đẳng, thống nhất.Với những thành tích nổi trội trong các năm qua, PC Bình Định đang hướng đến Huân chương Độc lập hạng Ba của Nhà nước trao tặng.

Ngày truyền thống ngành Điện 21/12 hằng năm cũng đến ngày gia đình Huỳnh Ngọc Việt tưởng nhớ đến ngày mất của người cha liệt sĩ năm xưa tại nhà máy sửa chữa thiết bị điện Đông Anh - Hà Nội. Trong truyền thống vinh quang đó, Huỳnh Ngọc Việt luôn tự hào hình ảnh của người cha với lời dặn dò lần cuối:-“Con cố gắng học để sau ngày giải phóng góp phần xây dựng nguồn điện cho quê hương… nghe con”.