Hình thành chuỗi cung ứng ở miền núi, vùng sâu vùng xa

Chính sách của cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động năng nổ của doanh nghiệp đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng và kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh… tại địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
chuỗi cung ứng

Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa doanh nghiệp thường dè dặt đầu tư vào sản xuất hay kinh doanh. Thế nhưng, miền núi cũng là nơi được đất trời ưu đãi sản sinh ra những cái sản phẩm xanh và sạch, với những kỹ năng, bí quyết truyền thống hàng trăm năm của các cư dân bản địa. Và quý báu hơn, sản phẩm ở đây không chỉ là sản phẩm mà còn gắn với các tích truyện, gắn với những truyền thống văn hóa tập tục - điều làm nên sự hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng hiện đại.

Có những doanh nghiệp và hộ nông dân miền núi khai thác tốt những lợi thế này. Như bánh tam giác mạch Hà Giang, mận Bắc Hà (Lào Cai), miến dong Na Rì (Bắc Cạn), bún đỏ Đắk Lắk, cà phê chồn Gia Lai, trà shanam Tà Xùa (Sơn La)…

Nhưng đó là những doanh nghiệp và hộ nông dân tiên phong, còn nhìn chung rất nhiều sản phẩm xanh và sạch, chứa đựng những bí quyết canh tác, chế biến có tuổi đời hàng trăm năm chưa được khai thác ở quy mô sản xuất hàng hoá.

Cái khó dễ thấy nhất là ở những địa bàn khó khăn, nguồn lao động tại chỗ trình độ thấp, hạ tầng cơ sở kém phát triển, địa hình chia cắt khiến chi phí vận chuyển cao. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp chính là quy mô thị trường nhỏ, sức mua thấp. Do đó, việc đầu tư vào một thị trường nhỏ bé để sinh lờì được cho mạo hiểm, có tính rủi ro cao.

Ở góc nhìn của quản lý nhà nước, Chính phủ nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Kết quả là năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020. Tiếp nối cho giai đoạn 2015-2020, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 là chương trình đặc thù, nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình đặt ra đến năm 2025: Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9% - 11% hàng năm; Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực; Khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8% - 10% trong giai đoạn 2021 -2025.

Mặc dù các chương trình hỗ trợ có tiền từ ngân sách nhà nước, nhưng nhà nước không làm thay mà thông qua doanh nghiệp để phát triển thương mại. Làm sao thuyết phục được doanh nghiệp kinh doanh ở 287 huyện có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn, hầu như không có lợi thế về quy mô thị trường? Nếu doanh nghiệp không bị hấp dẫn bởi lợi thế về quy mô thị trường, thì tiền của nhà nước vẫn tiêu, mà mục tiêu phát triển thương mại ở địa bàn khó khăn không đạt được.

Để thuyết phục dược doanh nghiệp, hộ nông dân, ngày 2 tháng 8 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT Phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Công Thương thuộc Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, đề án nhằm hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở địa bàn miền núi. Đó là các nhiệm vụ đề án: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới; xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi; phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi; phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, thương nhân làm công tác quản lý, phát triển thương mại miền núi, v.v…

Cái hấp dẫn doanh nghiệp ở đây, cái làm cho chính sách “Khuyến khích phát triển thương nhân, các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa” thành công chính là tạo ra sự kết nối để hình thành nên chuỗi cung ứng. Từ đó, tạo ra thị trường rộng lớn qua các hệ thống phân phối ở những đô thị lớn và thị trường xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng khuyến khích các công ty đang có đơn hàng xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính cần tìm kiếm những sản phẩm hữu cơ, organic nằm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều công ty đã thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm này ra thị trường EU các thị trường khó tính khác như Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đó là những sản phẩm được chế biến có nguồn gốc lâm sản hay là nông sản. Ví dụ như: DACE là công ty chuyên về gia vị và thảo dược của Việt Nam, được đánh giá là một trong những công ty hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm gia vị hữu cơ tại Việt Nam. Từ năm 2015 Công ty đã liên kết sản xuất nông sản hữu cơ từ năm 2015 và đến năm 2018, các sản phẩm của DACE đã đạt được chứng nhận hữu cơ quốc tế của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Sản phẩm sau khi thu hoạch được công ty bao tiêu và chế biến tại nhà máy của công ty nhằm đạt được các tiêu chuẩn cao nhất của thị trường và phần lớn hiện được xuất khẩu. Mô hình hoạt động của DACE bao gồm việc hợp tác phát triển với người dân tộc thiểu số tại Cao Bằng, hiện nay đã và đang phát triển được 3.300 ha các loại gia vị tại Cao Bằng, với hơn 4.000 hộ dân tộc thiểu số. Hiện sản lượng hàng năm của DACE khoảng 10.000 tấn nông sản tươi.

Cũng có những hệ thống khác đỡ đầu cho những sản phẩm về thủ công mỹ nghệ như là thổ cẩm, những cái sản phẩm mà làm bằng tay mà được xuất khẩu rất tốt, hệ thống Craft Link đã có nhiều năm hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số tiêu thụ được những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, Craft Link đang hỗ trợ các dự án của đồng bào các dân tộc sử dụng các hoa văn họa tiết truyền thống của họ để áp dụng vào các sản phẩm mới, có chức năng sử dụng cao. Cán bộ dự án của Craft Link đến tận làng bản người dân tộc sinh sống, làm việc với người dân tại bản, để  hỗ trợ được nhiều người hơn. Thông qua việc nghiên cứu hoa văn, họa tiết truyền thống của các nhóm được hỗ trợ trong dự án, cán bộ của Craft Link sẽ thiết kế sao cho sản phẩm mới vừa kế thừa và phát huy được bản sắc, ý nghĩa văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với các xu hướng đương đại.

Bên cạnh đó, để ghi nhận những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực phát triển tiểu thủ công nghiệp, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ cho phép tổ chức xét, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” cho các nghệ nhân. Ngành Công Thương luôn đồng hành cùng các nghệ nhân, góp phần bảo tồn, quảng bá, kết nối giao thương, đưa ngành thủ công mỹ nghệ ngày càng phát triển và lớn mạnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú mà do Bộ Công thương đề xuất Chính phủ tôn vinh đã chung tay để sản xuất những cái sản phẩm, hàng hóa mà mang đậm cái bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể đến những hệ thống các doanh nghiệp nằm trong Hiệp hội thủ công mỹ nghệ đã đi cấy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số về đan lát những sản phẩm mà từ mây tre đan.

Những hoạt động trên đã góp phần tạo ra lợi thế về quy mô thị trường từ việc hình thành chuỗi cung ứng đã kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh… tại địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Chính lực lượng này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân địa phương khu vực khó khăn.

Cũng chính lực lượng này đã góp phần quan trọng vào hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong rừng Sơn Động, Chè Shan tuyết Mộc Châu, Cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn, Bưởi Đoan Hùng…

Giải quyết bài toán lợi thế về quy mô thị trường thông qua hình thành chuỗi cung ứng cũng phản ánh quan điểm về xây dựng thể chế. Theo đó, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai, trong khi nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi.

 

Vũ Hà Phương