Quy hoạch phát triển điện giai đoạn 2006-2010

Quyết định số 3839/QĐ-BCN ngày 22-11-2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Giang giai đoạn 2006-2010, có xét đến năm 2015” đã chỉ rõ: Nhằm đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Giang, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 13%/năm (giai đoạn 2006-2010) và từ 12-13%/năm (giai đoạn 2011-2015), thì năm 2006, công suất cực đại Pmax=34 MW, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trong năm sẽ là 22,7%, theo đó, điện thương phẩm phải đạt 84,2 triệu kWh, điện năng bình quân đầu người là 108 kWh. Năm 2010, công suất cực đại Pmax=68,5 MW, điện thương phẩm phải đạt 190,6 triệu kWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2006-2010 ở mức 22,7%, trong đó điện phục vụ công nghiệp – xây dựng tăng 37,4%/năm; nông, lâm, thuỷ sản (46,4%); thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng (27,7%); còn lại là quản lý tiêu dùng, dân cư và các hoạt động khác…, điện năng bình quân đầu người là 260,4 kWh/năm. Năm 2015, dự báo công suất cực đại đạt 130 MW, điện thương phẩm đạt 450,6 triệu kWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm khoảng 18,7%/năm, điện năng bình quân đầu người sẽ là 577,2 kWh.

Căn cứ vào dự báo nhu cầu phụ tải trên, Bộ Công nghiệp đã chấp thuận hoạch định chiến lược phát triển lưới điện trên phạm vi Tỉnh. Trong đó, từ năm 2006, sẽ xây dựng mới trạm biến áp 110/35/22 kV Thanh Thuỷ (công suất 2x16.000 kVA); nâng công suất trạm 110/35/22 kV Bắc Quang từ 01 máy 16.000 kVA lên 02 máy 16.000 kVA. Để chuẩn bị đấu nối Nhà máy thuỷ điện Nho Quế (huyện Mèo Vạc) vào lưới 220 kV, tại khu vực này cũng sẽ triển khai xây dựng 5 đường dây 220 kV (2 mạch) gồm 150 km đoạn Nho Quế-Cao Bằng; 125 km đoạn Cao Bằng-Lạng Sơn; 160 km tuyến Cao Bằng - Thái Nguyên; 110 km đoạn Lạng Sơn - Bắc Giang. Trên địa bàn Tỉnh cũng sẽ xây dựng thêm một số đường dây 110 kV gồm: đường dây 110 kV Hà Giang - Bắc Quang -  Hàm Yên (01  mạch) dài 116 km để phục vụ mua điện của Trung Quốc; nâng tiếp diện tuyến đường dây 110 kV Bắc Quang - Khánh Hoà từ AC-150 lên AC-240 và nhiều nhánh rẽ 110 kV khác…

Theo Quyết định của Bộ Công nghiệp, giai đoạn 2010-2011, sẽ đầu tư để xây dựng tại Hà Giang 01 trạm biến áp 220 kV (02x125 MVA), trước mắt sẽ lắp 01 máy; xây dựng mới 01 trạm biến áp 110 kV (2x25.000 kVA) Yên Minh, trước mắt lắp một máy; nâng công suất trạm biến áp 110 kV Hà Giang từ 01 máy lên 02 máy x 25.000 kVA và trạm biến áp 110 kV Thanh Thuỷ từ 01 máy lên 02 máy x 16.000 kVA. Cũng trong giai đoạn này, sẽ xây dựng mới tuyến đường dây 110 kV (một mạch) dài 70 km từ Nho Quế đi Yên Minh về Thái An để cấp điện cho trạm Yên Minh và nhiều km đường dây 110 kV nhận điện từ các nhà máy thuỷ điện lên lưới điện quốc gia. Ngoài ra, lưới điện trung áp và hạ áp cũng được đầu tư, phát triển nhằm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống điện, trong đó có hàng ngàn km đường dây và hàng trăm trạm biến áp. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Giang cũng nhấn mạnh đến việc phát triển và khai thác các nhà máy thuỷ điện, dự kiến trong giai đoạn đến năm 2010 sẽ xây dựng xong 10 nhà máy thuỷ điện có tổng công suất là 150,6 MW (gồm các Thuỷ điện Thái An (44 MW), Sông Bạc (34 MW), Sông Chừng (bậc 1 khoảng 9 - 10 MW), Phương Độ (28 MW), cụm thuỷ điện Nậm An, Nậm Ngần 2 (20 MW)… Giai đoạn 2011 - 2015 sẽ xây dựng tiếp 15 trạm thuỷ điện với tổng công suất khoảng 290 MW. Tổng nguồn vốn cho xây dựng và phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện Quy hoạch là 1.320,1 tỷ đồng.

Những nỗ lực của tập thể CBCNV Điện lực Hà Giang trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong những năm qua, cũng như đề xuất chiến lược của lãnh đạo đơn vị, với sự ủng hộ tích cức của các cấp bộ, ngành về định hướng phát triển hệ thống lưới điện trên địa bàn Tỉnh đã cho thấy, ngành Điện không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, mà còn đóng vai trò quan trọng, đi trước, giúp Hà Giang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, sớm trở thành một trong những địa phương phát triển đồng đều trên tất cả mọi lĩnh vực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

  • Tags: