Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) được nhắc tới với nhiều hứa hẹn cho nền sản xuất công nghiệp hiện đại hơn, sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa hơn với chi phí giảm, con người được giải phóng khỏi những công việc nguy hiểm, khó khăn do người máy có thể thay thế một ngày không xa. Hoạt động dịch vụ và quản lý cũng thay đổi theo hướng kết hợp giữa tương tác thực và ảo, quy trình sẽ linh hoạt và chính xác hơn.
Chắc hẳn các doanh nghiệp, nhà quản lý, các chuyên gia và các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp đều đang nỗ lực tìm hiểu CMCN 4.0 có thể mang tới cơ hội gì để có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và năng suất lao động quốc gia nói chung.
Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và các mô hình chia sẻ kinh nghiệm
Mô hình Trung tâm xuất sắc (COE - Center of Excellence) được APO khởi xướng từ năm 2009 nhằm chia sẻ các kinh nghiệm và thực hành tốt nhất của Tổ chức Năng suất Quốc gia (NPO) trong hoạt động thúc đẩy năng suất, từ đó các NPO khác có thể áp dụng và thực hiện tại quốc gia/vùng lãnh thổ của mình. Đây là một mô hình mang tính linh hoạt, được một NPO đề xuất và được lựa chọn trên cơ sở đồng thuận của thành viên APO. NPO thực hiện vai trò là Trung tâm xuất sắc - COE trong lĩnh vực cụ thể nào đó có trách nhiệm xây dựng chương trình, kết nối các chuyên gia và cơ quan/doanh nghiệp liên quan, tổ chức các Hội thảo trong nước và quốc tế, tổ chức các chuyến tham quan khảo sát giúp doanh nghiệp có cơ hội được câp nhật và học hỏi kinh nghiệm thực tế.
Để đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh CMCN 4.0, APO đã khởi xướng Trung tâm xuất sắc về Ứng dụng IT do Tổ chức Năng suất Ấn Độ thực hiện (năm 2017) và Trung tâm xuất sắc về Sản xuất thông minh do Trung tâm Năng suất Đài Loan thực hiện vừa được chính thức khai trương vào tháng 9/2019. Bên cạnh đó, các nước phát triển khác, đồng thời là thành viên của APO như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore … đã và đang tích cực đi theo hướng chuyển đổi công nghệ tiên tiến, định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, xây dựng các nền tảng về quản lý, tinh gọn các quá trình sản xuất, kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp để các doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển, tận dụng cơ hội để nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi, nhiều rủi ro và đòi hỏi khả năng thích ứng nhanh.
Trong khuôn khổ bài báo này, Đài Loan và Hàn Quốc được lựa chọn để chia sẻ kinh nghiệm thông qua chuyến khảo sát học tập của các cán bộ, chuyên gia tư vấn về năng suất chất lượng của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Chính sách hỗ trợ thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng tại Hàn Quốc
Là quốc gia phát triển công nghiệp hóa và lựa chọn chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ thành công, Hàn Quốc đã thành công trong việc đưa đất nước từ thu nhập thấp sau chiến tranh trở thành nước có tổng thu nhập GDP đứng thứ 11 năm 2018 và GDP/đầu người đạt xấp xỉ 30.000 USD. Chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng suất được chính phủ đưa ra theo kế hoạch 10 năm, từ đó cơ quan đầu mối thúc đẩy năng suất quốc gia - Trung tâm Năng suất Hàn Quốc (KPC) xây dựng các chương trình hành động phù hợp với chính sách chung nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu và định hướng của chính phủ Hàn quốc trong việc tạo động lực tăng trưởng mới, với chủ đề “Năng suất là một chương trình nghị sự quan trọng trong kỷ nguyên CMCN 4.0, KPC đã đưa ra các nội dung hoạt động mới bao gồm: (1) Xây dựng và phổ biến Hệ thống quản lý sản xuất Hàn quốc (KPS); (2) Phát triển và cung cấp dịch vụ hỗ trợ đánh giá thực trạng và tư vấn cho các công ty áp dụng sản xuất thông minh; (3) Cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty start - up; (4) Cung cấp dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in 3D, (5) Tổ chức giải thưởng năng suất khuyến khích việc doanh nghiệp gắn áp dụng các hệ thống/công cụ nâng cao năng suất và đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, KPC đồng thời là cơ quan cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn chuyên nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiện đang nỗ lực thực hiện các chương trình hỗ trợ, kết nối nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận với nguồn hỗ trợ của chính phủ, các nguồn thông tin, kiến thức các hoạt động hợp tác mở rộng thị trường ngoài nước với mục tiêu gắn hoạt động với mô hình năng suất mới đáp ứng nhu cầu thay đổi trong bối cảnh cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc được đánh giá mức độ tiếp cận với I 4.0 dựa trên 02 nhóm tiêu chí chính: Một là Mức độ chuyển đổi số và hệ thống ICT; hai là mức độ tự động hóa. Từ đó các chuyên gia/nhà quản lý có các chương trình hỗ trợ phù hợp. Trong thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn. Vì vậy trước khi quyết định đầu tư máy móc, chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xác định các cơ hội cải tiến và đổi mới, tinh gọn, từ đó xác định các khu vực/quá trình cần chuyển đổi.
Đài Loan với mô hình Trung tâm xuất sắc về sản xuất thông minh
Trung tâm Năng suất Đài Loan - CPC được thành lập năm 1955, là một trong những thành viên sáng lập của Tổ chức Năng suất Châu Á. CPC được giao làm đầu mối điều phối và thực hiện các chương trình/dự án APO tại Đài Loan. CPC tiền thân là tổ chức do Hiệp hội Công nghiệp Đài Loan lập nên, hoạt động tự chủ theo luật doanh nghiệp. CPC hiện có khoảng 550 cán bộ nhân viên, trong đó có khoảng 200 cán bộ chuyên môn, chuyên gia tư vấn, với các chi nhánh hoạt động tại các tỉnh Đài Trung, Đài Nam, Cao Hùng và một số khu công nghiệp quan trọng tại Đài Loan.
Là tổ chức năng suất có bề dày lịch sử hơn 60 năm kể từ khi thành lập, các kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ nâng cao năng suất của CPC trở thành các mô hình thực hành tốt (Best Practices) để các tổ chức/doanh nghiệp tại Đài Loan học hỏi kinh nghiệm. CPC được Chính phủ giao thực hiện các dự án nghiên cứu áp dụng các mô hình nâng cao năng suất tiên tiến hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đi theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất, áp dụng các phương pháp quản lý, công cụ nâng cao năng suất phù hợp với trình độ phát triển công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh Đài Loan đã phê duyệt định hướng phát triển Công nghiệp tự động hóa và kết nối sản xuất thông minh theo CMCN 4.0.
CPC đăng cai chương trình Trung tâm Chia sẻ tri thức của APO về Năng suất xanh (APO Center of Excellence on Green Productivity) và từ năm 2018, được sự nhất trí của các quốc gia/vùng lãnh thổ thành viên APO, CPC tiếp tục trở thành Trung tâm Chia sẻ tri thức của APO về Sản xuất thông minh (APO Center of Excellence on Smart Manufacturing).
Nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp Đài Loan trong việc hỗ trợ đánh giá, đối sánh kết quả kinh doanh, nhận thức về nâng cao khả năng thích ứng của hoạt động quản lý phù hợp với nhu cầu chuyển đổi sản xuất/kinh doanh theo hướng của CMCN 4.0, CPC đã nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng lộ trình chuyển đổi cách thức hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động:
- Cử các đoàn học tập nghiên cứu kinh nghiệm về xu hướng phát triển theo hướng của cuộc cách mạng công nghiệp - I 4.0 tại Đức, nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Nắm bắt định hướng của Chính phủ trong việc phát triển Công nghiệp hóa theo lộ trình: Công nghiệp máy móc (Machinery Industry) à Máy móc thông minh (Smart Machinery) à Sản xuất thông minh (Smart Manufacturing) dựa trên thế mạnh Đài Loan đã phát triển công nghiệp và tự động hóa. Theo đó xu hướng chính của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh theo hướng từ “sản xuất hàng loạt” - Mass Production chuyển dần sang sản xuất đơn chiếc theo yêu cầu của khách hàng - Mass Customization;
- Nghiên cứu và xây dựng phương pháp chuẩn đối sánh trực tuyến (E-bench) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá mức độ đáp ứng của hệ thống quản lý/nhân sự/thiết kế và xây dựng các hệ thống thông minh so với chuẩn mực của một doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí CMCN 4.0. Hệ thống chuẩn đối sánh E-Bench được xây dựng nhằm mục đích xây dựng môi trường mở, trực tuyến giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có môi trường để tự đánh giá mức độ sẵn sàng với CMCN 4.0, nâng cao khả năng áp dụng hệ thống quản lý, giải pháp nâng cao năng suất phù hợp với yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi công nghệ; tiếp cận xu hướng mới nhất trong chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ thông tin, kết nối IT có hiệu quả và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp;
- Thực hiện các dự án điểm về Smart Manufacturing nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xác định phương án áp dụng sản xuất thông minh phù hợp với mức độ phát triển và nhu cầu của doanh nghiệp và xây dựng hệ thống quản lý/công cụ nâng cao năng suất/đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với công nghệ sản xuất thông minh; Hỗ trợ các doanh nghiệp Đài Loan nâng cao nhận thức về thách thức trong cạnh trạnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp và xây dựng các yêu cầu cơ bản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc kiểm soát hoạt động có hiệu quả sẵn sàng cho giai đoạn đổi mới công nghệ, tự động hóa sản xuất/cung cấp dịch vụ trong tương lai.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ mới diễn ra hết sức nhanh chóng trên thế giới như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc vì lý do thị trường và khách hàng không thể chờ đợi bất kỳ ai. Cuộc cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà cho thấy chỉ có câu trả lời cho những doanh nghiệp thành công là: hàng hóa/dịch vụ rẻ hơn, chất lượng đảm bảo hơn với hệ thống chăm sóc khách hàng tốt hơn nhờ áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, đi cùng với sự nỗ lực cải tiến không ngừng dựa trên đầu tư có hiệu quả về nguồn nhân lực và công nghệ mới.
Các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng lớn hiện nay chủ yếu còn khó khăn về khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ do thiếu vốn. Một số doanh nghiệp đã có khả năng đầu tư nhưng hạn chế về thông tin và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành và hệ thống quản lý, điều hành chưa tương thức. Để giải được bài toán này, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy trong tiếp cận giải pháp nâng cao năng suất một cách toàn diện trước khi quyết định đầu tư công nghệ. Thực tế đã được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan chia sẻ: Việc tự động hóa, máy móc thay thế trong sản xuất chỉ có thể phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp đã có hệ thống quản trị tốt, tinh gọn và người vận hành được đào tạo đáp ứng yêu cầu.
Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất trong thời gian cần được xem xét và phối hợp đồng bộ, trong đó:
- Các doanh nghiệp được tham gia, đóng góp ý kiến vào xây dựng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó việc chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiêp đã được tham gia các chương trình, bài học thành công là rất cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp;
- Các cơ quan Bộ, ngành địa phương thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên định hướng thống nhất của Chính phủ nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực trên cơ sở thông tin tới doanh nghiệp được rõ ràng và hiệu quả. Việt Nam là nước đi sau trong phát triển công nghệ vì vậy doanh nghiệp trong nước có lợi thế được tiếp cận với những thiết bị và máy móc với thế hệ công nghệ khác nhau trong đó có những thế hệ mới nhất từ những nước phát triển. Việc hỗ trợ từ các cơ quan quản lý giúp tăng cường hợp tác quốc tế, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cần thiết để các doanh nghiệp đánh giá được đúng nhu cầu đầu tư, tránh lãng phí;
- Quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp cần sự hỗ trợ phương pháp, sử dụng công cụ thích hợp từ các chuyên gia, giảng viên có kiến thức, kỹ năng đến từ các Viện, trường đại học cũng như các tổ chức tư vấn, đào tạo chuyên nghiệp. Chính vì vậy việc nâng cao năng lực cho những tổ chức này cùng với xây dựng mạng lưới chuyên gia cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới./.
ThS. Nguyễn Thu Hiền
Phó Viện trưởng, Viện Năng suất Việt Nam