Phát biểu tại Hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hoá chất cho biết, Việt Nam ký Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học vào năm 1993 và phê chuẩn Công ước vào năm 1998.
Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (VNA) được thành lập theo Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
Nghị định số 38/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 5 năm 2014 đến nay đã được gần 10 năm và đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Việc nội luật hóa Công ước Cấm vũ khí hóa học thông qua Nghị định số 38/2014/NĐ-CP cũng là công cụ pháp lý để Việt Nam thực thi Công ước Cấm vũ khí hóa học, giúp Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ quốc gia, quản lý và khai báo việc xuất nhập khẩu hóa chất Bảng và tình hình sản xuất hóa chất hữu cơ riêng biệt DOC, DOC-PSF, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của Công ước.
Qua 10 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả đạt được, Nghị định số 38/2014/NĐ-CP có một số tồn tại, hạn chế do sự thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội và cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất.
Nhận thấy sự cần thiết phải sửa đổi, thay thế các quy định tại Nghị định số 38/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2024, hiệu lực bắt đầu từ ngày 19/5/2024.
“Nghị định mới có nhiều điều thay đổi đòi hỏi các nhà quản lý hoá chất, Sở Công Thương và những người thực hiện công việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh hoá chất cũng như doanh nghiệp phải nắm bắt và tiếp cận một cách nhanh chóng, vì vậy, Cục Hoá chất đã khẩn trương triển khai công việc, phổ biến đến các đơn vị liên quan những thay đổi này để có thể thực hiện tốt Nghị định số 33/2024/NĐ-CP trong thời gian tới.” - Cục trưởng Phùng Mạnh Ngọc nhấn mạnh.
Nghị định số 33/2024/NĐ-CP được ban hành nhằm nội luật hoá Công ước Cấm vũ khí hoá học, đảm bảo sự phù hợp giữa các quy định của Công ước với hệ thống pháp luật hiện hành tại Việt Nam; vừa đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, vừa đạt được mục tiêu đã cam kết. Đồng thời thực thi đầy đủ trách nhiệm của Quốc gia thành viên mà Việt Nam đã cam kết khi ký và phê chuẩn Công ước Cấm vũ khí hoá học. Mặt khác, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 38/2014/NĐ-CP nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị định số 39/2014/NĐ-CP hiện hành.
Nghị định gồm 6 Chương, 41 Điều, trong đó, các điều khoản của Nghị định là nội luật hoá việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, Nghị định không chỉ quy định các biện pháp kiểm soát hoá chất Bảng, hoá chất DOC, DOC - PSF mà còn đưa ra các nguyên tắc, chính sách, biện pháp, thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Công ước.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà quản lý hoá chất, Sở Công Thương và những người thực hiện công việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh hoá chất cũng như doanh nghiệp đã tham gia thảo luận, hỏi đáp với đại diện Cục Hoá chất nhằm tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi trong Nghị định số 33/2024/NĐ-CP.
Kết luận tại Hội nghị, ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hoá chất bày tỏ, Cục Hoá chất rất mong nhận được phản hồi từ các doanh nghiệp lĩnh vực hoá chất trong công tác thực hiện Nghị định, đồng thời cho biết, Cục rất tạo điều kiện và mong muốn được hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và làm rõ những thắc mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 33/2024/NĐ-CP.