Nhưng hiểu chị rồi thì biết rõ, không phải ông trời đã trao cho chị Đỗ Thị Quyên từng ấy điều đặc biệt, mà là chính chị đã tự lựa chọn cho mình. Cách đây khá nhiều năm, khi chị thi tay nghề lên bậc 3, nhiều người đã khuyên chị chuyển sang ngành khác cho đỡ vất vả, nhưng chị đã từ chối. Chị yêu công việc nặng nhọc, thách thức cả những nam giới sức vóc mạnh mẽ hơn chị gấp nhiều lần.
Nếu ví quy trình khai thác ở mỏ là một dây chuyền thì phân xưởng Khoan nổ mìn là khâu đầu tiên của dây chuyền. Người ta dùng khoan để đưa thuốc nổ vào sâu lòng đất, từ đó mới có đất đá, mới tìm ra than. Vì vậy, những mũi khoan không được phép hỏng hóc, trục trặc, nếu có phải ngay lập tức sửa chữa, xử lý.
Những chiếc khoan, máy xúc, máy gạt của Mỏ than Phấn Mễ đều khá cũ kỹ nhưng được cái chất lượng vẫn tốt nên anh chị em trong Phân xưởng luôn khẩn trương, cố gắng khắc phục, sửa chữa để mang lại một “sức khỏe” tốt nhất cho khoan. Còn gì đúng hơn khi trao cho một người phụ nữ công việc mang tính chất khắc phục khó khăn, chân chỉ hạt bột kiểu "con nhà nghèo" như vậy?
Nhìn người phụ nữ bé nhỏ, nghĩ đến đống máy gạt máy khoan to tổ chảng, nặng trịch, lấm lem, lại tưởng tượng một khai trường ngổn ngang, mênh mang những đất đá, những bờ moong đầy thách thức, tôi chợt hiểu hơn những tâm sự của chị: “Do công viêc, có khi cả ngày phải nằm dưới gầm máy để sửa chữa, gần 20 năm nay tôi từ bỏ mái tóc dài của phụ nữ. Nếu cho đó là một thiệt thòi thì đơn giản quá, tôi chỉ nghĩ nếu không có những chiếc máy, không có công việc này, chắc tôi sẽ chẳng là tôi như bây giờ. Tôi tin đó là tình yêu”.
Vậy là gần 30 năm gắn bó, tình yêu này đã cùng Tổ trưởng “hoa đỗ quyên” đi đến rất nhiều thành tích. Mới đây nhất là đầu năm 2017 chị được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Mặc áo dài mầu đỏ thắm về Thủ đô nhận giải, bông hoa đỗ quyên lại nở bừng trong niềm hạnh phúc.