Hoa Kỳ hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ Việt Nam

Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu Việt Nam.
Hoa Kỳ hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ Việt Nam
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, DOC giữ nguyên kết luận sơ bộ điều chỉnh vào tháng 9 năm 2023. Theo đó, 03 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc bị xác định thuộc phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc, gồm:

(i) Sản phẩm có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam;

(ii) Sản phẩm có cửa, mặt hộc và khung gỗ là bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam;

(iii) Sản phẩm có các chi tiết bán thành phẩm của cửa, mặt hộc và khung gỗ (bao gồm đai, trụ, ván) được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.

DOC sẽ gửi thông báo cho Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) hướng dẫn áp dụng Cơ chế tự xác nhận (Certificate Regime) với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ của Việt Nam không thuộc 03 trường hợp nêu trên được loại trừ, không phải nộp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần hoàn thành mẫu tờ khai tự xác nhận dành cho nhà xuất khẩu và cung cấp một bản sao cùng các tài liệu chứng minh (hóa đơn, đơn đặt hàng, biên bản sản xuất…) cho nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, đồng thời nhà nhập khẩu phải hoàn thành mẫu tờ khai tự xác nhận dành cho nhà nhập khẩu trước ngày vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh việc có đơn tự xác nhận, các doanh nghiệp cần lưu giữ các hồ sơ, chứng từ làm căn cứ chứng minh cho xác nhận đó trong vòng 5 năm kể từ khi lô hàng được xuất khẩu để cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ thực hiện việc thẩm tra, xác minh nếu cần thiết.

Về điều tra chống lẩn tránh, DOC đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan: (i) tìm hiểu và tuân thủ đầy đủ quy định về Cơ chế tự xác nhận của Hoa Kỳ; (ii) tiếp tục theo dõi thông tin cảnh báo sớm của Cục Phòng vệ thương mại để xây dựng phương án kinh doanh, xuất khẩu phù hợp; (iii) thông báo cho Cục Phòng vệ thương mại trong trường hợp có vấn đề phát sinh để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh bị DOC lần lượt khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6 năm 2022. Trước đó, từ tháng 4 năm 2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%.

Hoa Kỳ hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ Việt
Chiều 17/7, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có buổi tiếp Thượng nghị sỹ Tammy Duckworth, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quốc phòng, Ủy ban Thượng viện về Doanh nghiệp nhỏ và Doanh nhân, Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải của Thượng viện Hoa Kỳ

Mới đây, tại buổi tiếp và làm việc với Thượng nghị sỹ Tammy Duckworth, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quốc phòng, Ủy ban Thượng viện về Doanh nghiệp nhỏ và Doanh nhân, Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải của Thượng viện Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hoàng Long đã bày tỏ quan ngại của Việt Nam liên quan đến những hạn chế tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và tần suất các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng đề nghị Thượng nghị sỹ Tammy Duckworth có ý kiến tới các Cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để có đánh giá khách quan, công bằng và phù hợp với thực tiễn sản xuất trong quá trình xem xét vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu, quan hệ kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ mang tính chất bổ trợ lợi thế cạnh tranh cho nhau. Chính sách nhất quán của Việt Nam là duy trì ổn định chính trị, kinh tế và xã hội. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhất quán các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cải cách nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ, tích cực hội nhập và đa dạng hóa thị trường.

Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của cả hai nước, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Huyền My