Xúc tiến thương mại đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng

Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Xúc tiến thương mại đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú

Tạp chí Công Thương đã có buổi phỏng vấn ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) về vấn đề này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa ông, thời gian qua, công tác xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và ngoài nước đã được Cục Xúc tiến thương mại triển khai như thế nào? Sau 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông nhận thấy có điểm gì đột phá và thành công nhất tại Cuộc vận động này trong việc xúc tiến tiêu thụ hàng Việt?

Ông Vũ Bá Phú: Có thể nói, trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng xuất khẩu của địa phương, vùng miền, quốc gia.

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu: thông tin về chính sách thương mại của các nước, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường mục tiêu và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam thông qua các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức định kỳ hàng tháng.

Thứ hai, tăng cường, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước thông qua việc tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở nước ngoài; tổ chức đoàn giao thương ở nước ngoài; tổ chức hội nghị quốc tế ngành xuất khẩu; tổ chức hội chợ vùng cho sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP; tăng cường kết nối giao thương theo nhóm sản phẩm và nhóm thị trường kết hợp với đẩy mạnh quảng bá; tổ chức và vận động các địa phương tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng/miền, quy mô lớn để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng hơn, sâu hơn;…

Xúc tiến thương mại đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng
Xúc tiến thương mại đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng

Các hoạt động nêu trên đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vừa tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng được các lợi thế từ các FTA, qua đó giúp tăng cường kết nối và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Xúc tiến thương mại đã ngày càng khẳng định là hoạt động không thể thiếu trong thúc đẩy thương mại thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, tạo cơ hội gặp gỡ giao thương giữa các đối tượng trong nền kinh tế. Đối với doanh nghiệp, xúc tiến thương mại là phương thức hữu hiệu để tìm kiếm khách hàng, quảng bá thương hiệu, góp phần phát triển hoạt động kinh doanh và gây dựng tài sản vô hình cho doanh nghiệp là thương hiệu.

Với những ưu thế như vậy, trong thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu được thực hiện ở các cấp độ quốc gia, ngành hàng và doanh nghiệp đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của đa số người tiêu dùng trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Thói quen mua sắm và tần xuất tiêu dùng hàng Việt ngày càng gia tăng là minh chứng hết sức rõ ràng.

Qua đó, tạo động lực cho doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã, giá thành phù hợp với người tiêu dùng. Hàng hóa sản xuất trong nước được cải thiện cả về chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng, lợi ích của người tiêu dùng cũng được quan tâm, đảm bảo hơn để đáp ứng được yêu cầu cao hơn đó là “Hàng Việt vì người Việt”. Có như vậy, hàng hóa “made in Việt Nam” mới được ngày càng ưa thích và tin dùng ở trong nước cũng như chinh phục các thị trường xuất khẩu.

PV: Với rất nhiều hoạt động, chương trình đã được triển khai trong thời gian vừa qua, đâu là điểm thuận lợi cũng như khó khăn trong việc xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam, thưa ông?

Ông Vũ Bá Phú: Về thuận lợi, công tác xúc tiến thương mại luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương, sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là sự ủng hộ, tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước.

Hoạt động xúc tiến thương mại đã được đổi mới, đa dạng hóa trong phương thức, hình thức triển khai theo hướng tổ chức có quy mô và tính liên kết vùng miền, ngành hàng, có kế hoạch, lộ trình theo chuỗi, có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng thị trường, nhóm mặt hàng; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại trong bối cảnh mới.

Xúc tiến thương mại đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng
Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 12/4/2024

Về khó khăn, trước hết phải nói về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam. Số lượng, chất lượng, dịch vụ cung ứng và thương hiệu của hàng hóa không đồng đều, ổn định. Nhiều mặt hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, gây ảnh hưởng đến thương hiệu Việt Nam, từ đó giảm hiệu quả thâm nhập vào các chuỗi phân phối, giảm khả năng cạnh tranh.

Đồng thời, tại thị trường nội địa, do chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, mẫu mã, nhiều mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam luôn phải cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng nhập khẩu cùng loại.

Bên cạnh đó, xu thế hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực lớn như EU, Hoa Kỳ đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, môi trường, xã hội đối với sản phẩm nhập khẩu. Thực tế này đòi hỏi các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư không chỉ chi phí sản xuất mà còn các chi phí khác liên quan đến quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa thật sự quan tâm tìm hiểu, đáp ứng yêu cầu này. Các sản phẩm đạt chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế vẫn còn hạn chế.

Nguồn ngân sách nhà nước phân bổ cho các hoạt động như Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia…do Bộ Công Thương chủ trì triển khai còn hết sức khiêm tốn và hạn chế so với nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu.

Thêm nữa, chưa tương xứng với sự đóng góp của hoạt động xúc tiến thương mại vào thành tích tăng trưởng xuất nhập khẩu chung của cả nước. Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã được khẳng định với mức tăng hàng năm là khoảng 10% tại các văn kiện của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ nhưng kinh phí đối với hoạt động xúc tiến thương mại không tăng, thậm chí giữ nguyên hoặc giảm qua các năm.

Xúc tiến thương mại đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng
Tại thị trường nội địa, do chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, mẫu mã, nhiều mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam luôn phải cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng nhập khẩu cùng loại

Hiện nay, hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng còn nhiều khó khăn do nhiều địa phương thiếu cơ sở hạ tầng, năng lực để tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn cấp vùng, cấp quốc gia còn hạn chế. Hơn nữa, tại nhiều vùng, cũng chưa hình thành các chuỗi giá trị và các vùng sản xuất tập trung. Tính liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong mạng lưới xúc tiến thương mại còn chưa chặt chẽ và hiệu quả, dẫn đến nguồn lực bị dàn trải, chồng chéo.

PV: Vậy trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại đã xây dựng kế hoạch gì để xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như mở rộng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài?

Ông Vũ Bá Phú: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương - Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xúc tiến thương mại như sau:

Thứ nhất, thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước thông qua xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu, tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ các hoạt động xúc tiến và từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch,...

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đầu tư triển khai xúc tiến thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Duy trì phát triển các thị trường truyền thống, mặt hàng truyền thống; tăng cường phát triển các thị trường gần, thị trường tiềm năng mới, mặt hàng mới. Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Xúc tiến thương mại đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng
Thời gian tới, Bộ Công Thương - Cục Xúc tiến thương mại sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đầu tư triển khai xúc tiến thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu

Thứ ba, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao mức độ nhận diện, hình ảnh và thương hiệu ngành hàng Việt Nam; đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài và trên môi trường số như các hội chợ triển lãm đa ngành, hội chợ triển lãm chuyên ngành nông sản, thủy sản quốc tế, các chương trình giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, các chương trình kết nối giữa nhà cung ứng các địa phương với các nhà mua hàng trong nước,…

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững qua đó thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu xanh, bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Huyền My thực hiện