Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, bối cảnh nền kinh tế, thương mại toàn cầu đã có nhiều dấu hiệu phục hồi hết sức tích cực sau một thời gian khó khăn, tuy nhiên khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu, sụt giảm thương mại, bất ổn địa chính trị, lạm phát tài chính dường như vẫn diễn ra trên diện rộng tại nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia đánh giá tiếp tục là điểm sáng với kinh tế vĩ mô dần được ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam đạt nhiều kết quả đáng kể cả thị trường nội địa và ngoại thương. Hoạt động thương mại đạt nhiều kết quả khởi sắc, xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước, duy trì cán cân thương mại xuất siêu. Sản xuất nông nghiệp ổn định, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh, trở thành điểm sáng của thương mại.
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đồng bộ
6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương chủ trì/phối hợp với các cơ quan bộ ngành, địa phương, hiệp hội trên cả nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:
Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đa dạng hoá thị trường xuất khẩu
Năm 2024, hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường xuất khẩu mà nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại chú trọng vào khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ,... song song với các thị trường trọng điểm; tăng cường tận dụng và khai thác cơ hội từ các thị trường có FTA nhằm mang tính bền vững, cân bằng hơn, đảm bảo thị trường ổn định, lâu dài cho hoạt động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại, các đơn vị trong Bộ, các địa phương, hiệp hội ngành hàng ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp kết nối khách hàng phát triển thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, da giày, phần mềm,...
Thông qua việc duy trì sự hiện diện của các doanh nghiệp, ngành hàng, thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại các hội chợ triển lãm quốc tế lớn; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại các thị trường có FTA, thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, UAE, Bulgaria, Kazakhstan, Úc và New Zealand.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu được thực hiện ngay tại Việt Nam cũng ngày càng khẳng định tính hiệu quả, đặc biệt là hiệu quả hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã với nguồn lực xúc tiến thương mại còn hạn chế.
Các hội chợ, triển lãm đa ngành cũng như chuyên ngành có quy mô lớn như Hội chợ Thương mại quốc tế - Vietnam Expo 2024, Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam 2024 - VIATT 2024, các Hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu thế mạnh như điều, hồ tiêu và gia vị, chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024)... đã góp phần thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều tổ chức thương mại quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn phân phối lớn, các nhà nhập khẩu, mua hàng quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Đồng thời, đây là cơ hội để Việt Nam từng bước khẳng định vị thế một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.
Các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương trên đã hỗ trợ khoảng 2.000 đơn vị là các tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, trong đó nhiều doanh nghiệp đạt được các thỏa thuận ban đầu với đối tác nhập khẩu, ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, các biên bản ghi nhớ có giá trị thông qua việc tham gia Hội chợ, kết nối B2B quốc tế.
Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu của các Vùng kinh tế
Từ đầu năm 2024, với mục tiêu tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm địa phương của các Vùng kinh tế; hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại đã tham mưu Bộ Công Thương phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng chủ trì tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc (tại Lào Cai), vùng Tây Nguyên (tại Đắk Lắk), vùng Đồng bằng sông Hồng (tại Hà Nội), vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (tại Đà Nẵng) thuộc chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu theo 6 vùng kinh tế.
Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, đây là hoạt động đầu tiên Bộ Công Thương trực tiếp tham gia đồng hành cùng địa phương trên mỗi vùng kinh tế trao đổi, thảo luận về hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vùng cũng như các Hiệp hội, ngành hàng đang gặp vướng mắc đối với các sản phẩm thuộc vùng kinh tế.
Bên lề Hội nghị đã diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm quy mô lớn của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài các Vùng kinh tế với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại cùng hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp với các nhà nhập khẩu từ các thị trường xuất khẩu nước ngoài như Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông,…
Xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo
Xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới là hoạt động quan trọng góp phần hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhập khẩu dây truyền công nghệ nhất là công nghệ nguồn của các nước phát triển như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tiêu biểu là:
Tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm cung cấp các thông tin cho các doanh nghiệp nước ngoài về môi trường đầu tư tại Việt Nam như: Tọa đàm đối thoại chính sách với các doanh nghiệp Hàn Quốc về Khởi nghiệp tại Việt Nam, Hội thảo trực tuyến Kết nối Đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, các buổi Tọa đàm và giao thương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại các tỉnh/thành phố của Trung Quốc vào Việt Nam,...
Cập nhật hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Việt Nam trên Trang thông tin Xúc tiến đầu tư vào Công nghiệp Việt Nam (investvietnam.gov.vn) nhằm giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh tại các địa phương; hướng tới kết nối cơ sở dữ liệu gắn với vùng sản xuất, vùng nguyên liệu để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp, hình thành vùng liên kết sản xuất công nghiệp, chuỗi cung ứng hiệu quả tại Việt Nam.
Tổ chức Hội thảo tập huấn nghiệp vụ xúc tiến đầu tư cho các địa phương và khu công nghiệp Việt Nam; phối hợp với KOTRA, Ban Korean Desk và chuyên gia Hàn Quốc tổ chức chương trình tập huấn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các địa phương (Bắc Kạn, Hưng Yên, Gia Lai, Bình Định) và tư vấn trực tiếp cho chính quyền địa phương về công tác xúc tiến đầu tư.
Cung cấp thông tin thị trường cho địa phương, doanh nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2024, 06 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được thực hiện theo chuyên đề tổng hợp hoặc chuyên sâu theo nhóm thị trường và nhóm ngành hàng xuất khẩu.
Các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mai tại Việt Nam đã cung cấp chi tiết gần 180 báo cáo về cập nhật thông tin sở tại, cung cấp hơn 25 nội dung tham luận đánh giá thuận lợi, cơ hội, nhận định về những thách thức, rủi ro đối với hoạt động xuất-nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, cập nhật thông tin về những quy định, tình hình cung ứng, biến động thị trường, định hướng xuất khẩu, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, hữu ích góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam.
Đến nay, sự tham gia chủ động, tích cực của địa phương, hiệp hội ngành hàng, đông đảo doanh nghiệp đã giúp Hội nghị trở thành cầu nối trao đổi, thông tin hiệu quả, tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, hiệp hội ngành hàng đại diện cộng đồng doanh nghiệp ở trong nước với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu nhằm tận dụng tối đa cơ hội mới từ các thị trường, thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững và nhập khẩu hiệu quả.
Linh hoạt, đổi mới công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước
Cục Xúc tiến thương mại cho biết, 6 tháng đầu năm, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, công tác xúc tiến thương mại đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp với các thị trường trong và ngoài nước để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lại gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic, có yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững… Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xúc tiến thương mại.
“Chính vì vậy, để bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương đối với các nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, ứng phó với những diễn biến phát sinh, đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, việc hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển thị trường, cải thiện tình hình xuất nhập khẩu hiệu quả trong thời gian tới là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Công Thương.” - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian tới, Cục sẽ linh hoạt, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số nhằm đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, trong đó chú trọng vào các hạot động xúc tiến thương mại số đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường có FTA với Việt Nam cùng các thị trường tiềm năng; Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Đồng thời, tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng xuất khẩu, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, tại các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư và các sự kiện ngoại giao, văn hóa lớn ở trong nước và nước ngoài. Thực hiện tốt kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024, tổ chức Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024 dự kiến vào Quý IV/2024.
Ngoài ra, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại kiến nghị, đề xuất Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện bổ sung nguồn lực cho Cục Xúc tiến thương mại để đảm bảo triển khai hiệu quả những nhiệm vụ được phân giao ngày càng gia tăng về khối lượng và quy mô, đa dạng về địa bàn triển khai và gấp về tiến độ để đáp ứng nhu cầu, tình hình thị trường thay đổi nhanh chóng.
Đồng thời đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt các Vụ thị trường ngoài nước, Vụ thị trường trong nước (về phối hợp chặt chẽ để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại bên lề các phiên họp Ủy ban liên Chính phủ hoặc Ủy ban hỗn hợp để tăng cường hiệu quả); Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số... phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong việc đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường trong nước, Chiến lược xuất nhập khẩu, kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu từng khu vực...
Bên cạnh đó, đề nghị hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp hiệu quả với Cục Xúc tiến thương mại duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng để thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng cường hỗ trợ Cục Xúc tiến thương mại, các hiệp hội, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, giới thiệu các cơ hội xúc tiến thương mại, các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế uy tín, chất lượng và phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn.
Kỳ vọng tăng trưởng thương mại 6% trong năm 2024
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao các hoạt động xúc tiến thương mại trong 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương các địa phương cùng hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu, mang lại những tín hiệu tích cực.
Qua công tác giao ban, có thể thấy, các đơn vị thuộc Bộ (Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ,…) cùng hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các địa phương đã chủ động vào cuộc, xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng chủ động trong các vấn đề thương mại, điều này được coi mang tính quyết định, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho rằng, 6 tháng cuối năm 2024 cần chú trọng các điểm mới để thúc đẩy thương mại. Trong đó, cần thông tin đến doanh nghiệp, địa phương nội dung quan trọng nhất của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt đối với các thị trường trọng tâm. Các hoạt động xúc tiến thương mại phải có kế hoạch cụ thể, không chỉ đối với thị trường nước ngoài mà còn tại các địa phương, đặc biệt là liên kết vùng, liên kết khu vực và liên kết ngành nghề.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để hỗ trợ công tác hội nhập quốc tế nói chung, xúc tiến thương mại nói riêng. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long bày tỏ kỳ vọng, năm 2024 thương mại của Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng 6% như đã đề ra.