Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá, Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc nhìn nhận, tổng kết tình hình xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm, đồng thời, đề xuất một số phương hướng chính trong 6 tháng cuối năm 2024 trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, mở rộng giao thương.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu ước của liên Bộ Tài chính - Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
Về xuất khẩu hàng hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng, cụ thể xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt kim ngạch tăng trưởng ở mức cao ước đạt 19,9%; các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD tăng 22,2%; hàng dệt may ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3,1%; giày dép ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 10%, sắt thép các loại ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,8%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 33 tỷ USD, tăng 28,6%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 11,3%; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,14 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 44,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 22,6 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường EU đạt 20,3 tỷ USD, tăng 14,1% ; Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%; Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 3,2%.
Về nhập khẩu hàng hóa, chiếm 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu, với kim ngạch ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao.
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương cần phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn - trung và dài hạn, đồng thời phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.
Ngoài ra, cần phải phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các Chiến lược, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về tình hình xúc tiến thương mại 6 tháng đầu năm 2024, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, bối cảnh nền kinh tế, thương mại toàn cầu đã có nhiều dấu hiệu phục hồi hết sức tích cực sau một thời gian khó khăn, tuy nhiên khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu, sụt giảm thương mại, bất ổn địa chính trị, lạm phát tài chính dường như vẫn diễn ra trên diện rộng tại nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia đánh giá tiếp tục là điểm sáng với kinh tế vĩ mô dần được ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam đạt nhiều kết quả đáng kể cả thị trường nội địa và ngoại thương. Hoạt động thương mại đạt nhiều kết quả khởi sắc, xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước, duy trì cán cân thương mại xuất siêu. Sản xuất nông nghiệp ổn định, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh, trở thành điểm sáng của thương mại.
6 tháng cuối năm 2024, thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lại gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic, có yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững… Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xúc tiến thương mại
"Chính vì vậy, để bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương đối với các nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, ứng phó với những diễn biến phát sinh, đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, việc hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển thị trường, cải thiện tình hình xuất nhập khẩu hiệu quả trong thời gian tới là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Công Thương." - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã cập nhật tình hình xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 và đề xuất kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm; đồng thời, đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm cũng đã có những trao đổi, cập nhật thông tin về chính sách, khuyến nghị đối với hoạt động xúc tiến thương mại 6 tháng cuối năm 2024.