Nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương, ngày 28/6, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung.
Hội nghị thu hút khoảng 250 đại biểu tham dự, gồm lãnh đạo Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, các hiệp hội ngành hàng, Đại sứ quán, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, khu vực miền Trung (hay còn gọi Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn; có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, với các nước bạn Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Mianmar, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thời gian vừa qua, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của vùng đạt đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%).
Đáng chú ý, quy mô kinh tế đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,06% GDP cả nước) và có xu hướng tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người tăng 8,7% so với năm 2022 (đạt 75,62 triệu đồng/người). Trong đó, một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên (9,16%), Bình Thuận (8,1%). Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành của vùng đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng qua các năm. Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,51%, cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước; thu hút FDI năm 2023 tăng cao nhất trong 5 năm qua với tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 1,5 lần so năm 2022…
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 22 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so năm 2022. Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa…
Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, công nghiệp ven biển, du lịch biển, kinh tế hàng hải; chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo gió ven bờ, gió ngoài khơi. Lĩnh vực thương mại đẩy mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Đồng thời tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so mục tiêu đặt ra. "Kinh tế biển chưa có tính đột phá. Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển. Ngoài ra, tăng trưởng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc. Thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để bảo đảm hiệu lực thực thi. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp. Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, còn nhiều khó khăn", Thứ trưởng thông tin.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.
"Tại hội nghị hôm nay, tôi rất mong đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan cùng tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia", Thứ trưởng lưu ý và cũng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu trong khu vực và các giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Trong khuôn khổ chương trình sẽ có khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của 16 địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cùng một số tỉnh khu vực miền Bắc và miền Nam với sự tham gia trưng bày của hơn 200 nhà cung cấp, hợp tác xã, doanh nghiệp gồm: Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế, tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng từ đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh thích ứng với xu hướng thị trường.
Khu trưng bày dự kiến sẽ thu hút hơn 25.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan và giao dịch trong 4 ngày diễn ra tại Đà Nẵng.