Tóm tắt:

Việc hạch toán chính xác, đầy đủ các chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ giá thành là điều kiện cần thiết để cung cấp những thông tin kịp thời, trung thực, nhanh chóng về nội bộ doanh nghiệp và các thông tin về chi phí sản xuất giá thành sản phẩm cho các nhà quản trị doanh nghiệp, giúp họ có thể đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời đối với hoạt động của doanh nghiệp. Điều này rất cần thiết đối với Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Thiên Phú, để tiết kiệm chi phí và hạ thấp giá thành,hướng tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Từ khóa: Kế toán chi phí sản xuất, tính giá thành, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Thiên Phú, doanh nghiệp, công ty, xưởng sản xuất…



I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Để đứng vững và phát triển trong nền kinh tế thị trường sôi động hiện nay, doanh nghiệp cần phải nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và tổng hợp giám sát được tất cả quá trình hoạt động kinh doanh, từ khâu sản xuất đến tập hợp chi phí để tính giá thành các loại sản phẩm tại phân xưởng và cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa để bảo toàn và tăng tốc độ luân chuyển vốn, giữ được uy tín với khách hàng, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và các chủ thể pháp lý khác.

Công tác tổ chức hạch toán kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu trong công tác quản lý doanh nghiệp. Qua việc hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm sẽ cung cấp thông tin kịp thời cho ban giám đốc doanh nghiệp về các khoản chi phí trong quá trình sản xuất để lập được bảng tính giá thành theo các khoản mục, từ đó ban giám đốc sẽ có cơ sở để so sánh giữa giá thành kế hoạch và giá thành thực hiện để các nhà quản lý sẽ đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời cho việc xác định các định mức chi phí cho sản xuất, từ đó có những biện pháp không ngừng giảm bớt các chi phí không cần thiết và phát hiện những tiềm năng về nguyên vật liệu, nhân công để sản xuất sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh.

II. THỰC TRẠNG VIỆC HOÀN THIỆN KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ TÍNH GIÁ THÀNH TẠI CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM HOA THIÊN PHÚ

Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Thiên Phú được thành lập tháng 3/2011, với ngành nghề kinh doanh chính ban đầu là lưu thông phân phối dược phẩm. Từ tháng 1/2013, Công ty lập dự án Xây dựng nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu, có công suất thiết kế 250 tấn dược liệu/năm với tổng vốn đầu tư ban đầu là 9 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm tiến hành thực hiện dự án, Công ty đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị, bao gồm các dây chuyền sản xuất đi từ công đoạn đầu tiên là chiết xuất dược liệu đến công đoạn bào chế sản phẩm và công đoạn đóng gói hoàn thiện sản phẩm… Đến nay, Công ty đã được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất và lưu hành trên toàn quốc cho 15 sản phẩm thuốc đông dược và 10 sản phẩm thực phẩm chức năng. Trong quá trình triển khai sản xuất kinh doanh, Công ty liên tục hoàn thiện và cải tiến hệ thống chất lượng theo quan điểm quản lý chất lượng toàn diện; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Sản lượng và doanh thu hàng năm của Công ty tăng mạnh cả về số lượng cũng như chủng loại mặt hàng. Đến nay, các sản phẩm của Công ty đã có chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh cả ở trong và ngoài nước.

1. Hạch toán chi phí sản xuất tại Công ty

Tại Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Thiên Phú, với quy trình công nghệ sản xuất giản đơn, theo kiểu chế biến liên tục, chu kỳ sản xuất ngắn, mỗi loại sản phẩm là đối tượng hạch toán chi phí ở một phân xưởng. Như vậy, đối tượng hạch toán chi phí sản xuất là theo từng phân xưởng và trong mỗi phân xưởng hạch toán chi phí cho từng loại sản phẩm. Việc xác định đối tượng tập hợp chi phí sản xuất là khâu đầu tiên và đặc biệt quan trọng trong công tác kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm. Mặt khác, sản phẩm sản xuất trong Công ty đa dạng, mỗi phân xưởng sản xuất nhiều mặt hàng, việc xác định chi phí sản xuất chung, chi phí nhân công trực tiếp là rất phức tạp. Riêng đối với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp thì kế toán hạch toán cho từng sản phẩm vì mỗi sản phẩm sử dụng một loại nguyên vật liệu khác nhau.

- Hạch toán chi phí NVL trực tiếp:

+ Tài khoản sử dụng: Dùng để tập hợp chi phí nguyên vật liệu trực tiếp kế toán sử dụng tài khoản 621 (TK) (Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp), TK này được dùng để theo dõi, tập hợp các chi phí nguyên vật liệu có liên quan trực tiếp đến từng đối tượng hạch toán chi phí phát sinh trong kỳ.

Công ty áp dụng hạch toán theo phương pháp kê khai thường xuyên cho hàng tồn kho. Căn cứ vào phiếu nhập, xuất kho tiến hành lập bảng phân bổ nguyên vật liệu cho từng phân xưởng sản xuất. Từ bảng phân bổ này, kế toán tiến hành lập bảng phân bổ nguyên vật liệu cho toàn Công ty.

- Hạch toán chi phí nhân công trực tiếp:

Hiện nay, Công ty đang sử dụng hai chế độ trả lương đó là lương theo sản phẩm và lương theo thời gian.

+ Tài khoản sử dụng: TK 622: Chi phí nhân công trực tiếp được hạch toán chi tiết cho từng phân xưởng sản xuất hoặc từng loại sản phẩm sản xuất.

+ Chứng từ sử dụng: Bảng chấm công; Bảng thanh toán lương; Các khoản trích theo lương; Bảng phân bổ tiền lương và các khoản trích theo lương; Chứng từ ghi số.

Hàng tháng, Công ty tính lương và xác định quỹ lương cho các phân xưởng sản xuất, khối cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ phụ trợ. Hình thức tính lương theo sản phẩm công việc đã hoàn thành, đảm bảo yêu cầu chất lượng.

- Hạch toán chi phí sản xuất chung: Chi phí sản xuất chung được hạch toán riêng biệt theo từng thời điểm phát sinh chi phí, sau đó mới tiến hành phân bổ các đối tượng chi phí liên quan.

+ Tài khoản sử dụng: TK 627: Chi phí sản xuất chung

TK 627 được hạch toán chi tiết cho từng phân xưởng sản xuất hoặc từng loại sản phẩm sản xuất.

Các TK cấp 2: 627.1; 627.4; 627.7; 627.8

+ Chứng từ sử dụng:

- Chứng từ phản ánh chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) là những bảng tính và bảng phân bổ khấu hao cho các đối tượng sử dụng.

- Chứng từ phản ánh dịch vụ mua ngoài như hóa đơn mua hàng, chứng từ ghi tiền mặt.

- Chứng từ phản ánh chi phí về thuế và lệ phí mà Công ty đã nộp.

- Chứng từ phản ánh chi phí khác bằng tiền.

2. Tính giá thành sản phẩm tại Công ty

Đối tượng tính giá là các sản phẩm, công việc, lao vụ đã hoàn thành do Công ty sản xuất ra cần phải được tính giá thành.

Do đặc điểm sản xuất của Công ty sản xuất theo lô sản phẩm, kế toán tiến hành tính giá thành sản phẩm theo từng tháng từ việc tính giá thành được tiến hành vào cuối mỗi tháng. Toàn bộ chi phí đều được Công ty tập hợp theo từng lô sản phẩm, không kể lô nhiều hay ít, việc tính giá thành chỉ được tiến hành khi lô hàng đó hoàn thành, khi có toàn bộ chi phí phát sinh đã được tập hợp và phân bổ cho từng lô sản phẩm đó chính là chi phí dở dang cuối kỳ.

Bảng tính giá thành sản phẩm giải độc gan dạng viên theo đơn đặt hàng

Khoản mục giá thành sản phẩm

Chi phí dở dang đầu kỳ

Chi phí phát sinh trong kỳ

Tổng giá thành

Giá thành đơn vị sản phẩm

1. Chi phí NVL trực tiếp

0

176.786.646

176.786.646

17.678

2. Chi phí nhân công trực tiếp

0

32.574.742

32.574.742

3.257

3. Chi phí sản xuất chung

0

25.442.919

25.442.919

2.544

Cộng

234.804.307

234.804.307

23.480

Bên cạnh những ưu điểm thể hiện trong quá trình hạch toán và quản lý chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, thì vẫn còn những hạn chế nhất định tại Công ty Hoa Thiên Phú.

Hiện nay, Công ty đang áp dụng hình thức kế toán chứng từ ghi sổ, hình thức kế toán này rất đơn giản thuận tiện cho ghi chép nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhưng chưa phản ánh được chi tiết các nội dung kinh tế cập nhật hàng ngày. Việc ghi chép sổ sách còn bị lặp đi lặp lại giữa sổ chi tiết với sổ cái, sổ đăng ký chứng từ, dẫn đến việc chậm trễ trong báo cáo.

Về phân bổ chi phí năng lượng, chi phí năng lượng được phân bổ cho 3 phân xưởng sản xuất chính theo một tỷ lệ bất biến và tỷ lệ này không dựa vào căn cứ khoa học. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự chính xác của công việc xác định giá thành sản phẩm đặc biệt trong trường hợp chi phí năng lượng phát sinh lớn.

III. ÁP DỤNG CHƯƠNG TRÌNH KẾ TOÁN PHÙ HỢP GIÚP ÍCH CHO CÁC QUYẾT ĐỊNH QUẢN LÝ, NHẰM TIẾT KIỆM CHI PHÍ VÀ HỢP LÝ HÓA GIÁ THÀNH TẠI DOANH NGHIỆP

Một là, đối với hạch toán nguyên vật liệu: Vì nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ lớn để cấu thành nên sản phẩm, nên chi phí về nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng cao trong phần tạo giá thành của sản phẩm. Do đó, Công ty phải có kế hoạch phân cấp và quản lý khoa học, sử dụng hợp lý chi phí nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất. Để giảm được mức tiêu hao nguyên vật liệu, Công ty cần phải có kế hoạch cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại, thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị để hạn chế sản phẩm hỏng trên dây chuyền sản xuất.

- Đối với vật liệu dùng không hết tại phân xưởng cuối kỳ: Giải pháp khắc phục theo đúng chế độ là ghi nhận chi phí vật liệu sau khi đã trừ đi giá trị vật liệu tồn ở phân xưởng cuối kỳ hoặc sau khi tập hợp chi phí vào bên nợ của tài khoản chi phí, kế toán ghi giảm chi phí nguyên vật liệu vào bên có đúng bằng giá trị vật tư tồn ở phân xưởng cuối kỳ, đầu kỳ sau mới ghi nhận khoản chi phí đó.

Hai là, đối với hạch toán chi phí nhân công trực tiếp: Hiện nay, Công ty trả lương theo hình thức lương thời gian và lương sản phẩm. Hình thức trả lương này tương đối hợp lý, tuy nhiên, Công ty nên áp dụng theo hình thức khoán sản phẩm để nâng cao năng suất lao động, từ đó số lượng sản phẩm hoàn thành cũng sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, khi áp dụng theo hình thức khoán sản phẩm cũng nên khuyến khích người lao động bằng các chế độ thưởng, phạt rõ ràng, để người lao động có tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng như đảm bảo được chất lượng sản phẩm của mình, từ đó tiết kiệm được thời gian quản thúc và giảm được chi phí tiêu hao nguyên vật liệu.

Ba là, đối với hạch toán chi phí sản xuất chung: Kế toán nên chi tiết TK 627 thành 6 TK cấp 2 như sau: TK 6271. Chi phí nhân viên phân xưởng; TK 6272. Chi phí vật liệu; TK 6273: Chi phí công cụ sản xuất; TK 6274: Chi phí khấu hao TSCĐ; TK 6277: Chi phí dịch vụ mua ngoài; TK 6278: Chi phí bằng tiền khác.

Tiếp theo chi tiết các TK theo từng phân xưởng. Ví dụ: Chi tiết cho TK 6271:TK 62711: Chi phí nhân viên phân xưởng thuốc niên; TK 62712: Chi phí nhân viên xưởng sản xuất thuốc nước; TK 62713: Chi phí nhân viên xưởng sản xuất thực phẩm chức năng.

Bốn là, hạch toán kinh doanh ở phân xưởng sản xuất phụ (Phân xưởng Cơ điện).

Công ty nên áp dụng phương pháp hạch toán tại Phân xưởng Cơ điện là vật liệu xuất dùng trực tiếp cho phân xưởng nào thì hạch toán luôn vào TK 627 của phân xưởng đó. Với chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung phát sinh của Phân xưởng Cơ điện sẽ phân bổ cho các phân xưởng theo giờ công.

Đối với chi phí năng lượng, doanh nghiệp nên đặt đồng hồ theo dõi tình hình sử dụng điện năng ở từng phân xưởng, bộ phận sản xuất kinh doanh và tính toán hạch toán chi phí điện năng cho từng bộ phận.

Năm là, hạ giá thành sản phẩm:

- Với các khoản chi phí nguyên vật liệu: Công ty thường xuyên điều chỉnh định mức tiêu hao nguyên vật liệu và tích cực thực hiện phân tích, kiểm tra định mức nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm của công nhân sản xuất, tìm ra những biện pháp nhằm tiết kiệm hơn nữa nguyên vật liệu trong sản xuất. Công ty cũng cần tìm được nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là vật liệu nhập ngoại.

- Với tiền lương của công nhân viên: Việc tính đúng và đủ chi phí nhân công kết hợp với việc không ngừng nâng cao điều kiện sống của người lao động là một trong những điều kiện cần thiết và quan trọng. Công ty cần quan tâm đến cách trả lương sao cho tiền lương phát huy được vai trò đòn bẩy kinh tế, kích thích sản xuất. Công ty nên áp dụng các mức thưởng khác nhau cho từng bộ phận, từng trường hợp để khuyến khích sự sáng tạo, ý thức tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm… của người lao động. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao năng suất lao động cũng là một cách tiết kiệm chi phí.

- Với khấu hao tài sản cố định: Nhằm tiết kiệm chi phí đối với khấu hao tài sản cố định chính là sử dụng một cách tối ưu nhất máy móc thiết bị đảm bảo theo công suất thiết kế và kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, thường xuyên nhằm kéo dài tuổi thọ của máy móc thiết bị. Đây là một biện pháp tiết kiệm chi phí trong cả hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, Công ty cũng nên huy động vốn bằng nhiều cách để đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại thay thế dần những máy móc thiết bị đã quá cũ hay hư hỏng bất thường gây ra gián đoạn trong sản xuất, tỷ lệ hư hao lớn sẽ làm tăng chi phí và năng suất lao động thấp.

- Hiện nay, Công ty đã tổ chức ứng dụng máy vi tính cho một số bộ phận và tất cả các nhân viên kế toán, nhưng cũng nên khai thác và ứng dụng phần mềm kế toán máy như Effect, Fast, Misa vào việc hạch toán kế toán cũng như công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm.

- Về định hướng phát triển lâu dài, Công ty cần nghiên cứu các chương trình kế toán hiện hành để chọn ra một chương trình phù hợp và hiệu quả nhất. Tùy thuộc vào phần mềm chương trình kế toán áp dụng mà thiết kế hệ thống sổ sách kế toán hợp lý, để vừa đảm bảo chức năng cung cấp thông tin kế toán một cách kịp thời, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý của Nhà nước. Việc áp dụng chương trình kế toán phù hợp sẽ giúp ích cho kế toán xây dựng được các mô hình chi phí và phân tích chi phí, giúp ích cho các quyết định quản lý nhằm tiết kiệm hơn nữa cho phí và dẫn đến hợp lý hóa giá thành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. GS.TS. Đặng Thị Loan “Kế toán tài chính trong các doanh nghiệp”, NXB Kinh tế quốc dân 2013.

2. Chế độ kế toán doanh nghiệp, NXB Tài chính 2006.

3. PGS.TS. Nguyễn Đình Đỗ, “Thông lệ và chuẩn mực Kế toán quốc tế”, NXB Xây dựng, 2002.

4. Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho” VAS 2 và IAS 2.

5. Các trang web: webketoan.vn; neu.edu.vn; tapchiketoan.com;niceaccounting.com

Ngày nhận bài: 03 /01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 22 /01/2016

Thông tin tác giả:

ThS. Cao Thị Thanh Hường

Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Enhancing production cost and manufacturing cost accounting of Hoa Thien Phu Pharma ceutical Limited Company

Master. Cao Thi Thanh Huong

Faculty of Accounting, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

Managers of Hoa Thien Phu Pharmaceutical Limited Company need accuracy and full accounting information of production cost as well as manufacturing cost as soon as possibile in order to make correct business decisions. The correct business decisions would help the company to lower manufacturing cost and improve the companys competitive in the market.

Keywords: Manufacturing cost accounting, production cost, Hoa Thien Phu Pharmaceutical Limited Company, enterprise, factory.