Tóm tắt:
Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với ngân sách Nhà nước không chỉ là trách nhiệm của tất cả các thành phần trong nền kinh tế mà nó còn là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước. Tuy nhiên trong thực tế, các tổ chức lại luôn tìm cách để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thông qua hành vi gian lận, trốn thuế. Chính vì vậy, hoạt động kiểm toán ngày nay đang phát huy vai trò quan trọng của mình là làm trong sạch hóa bộ máy kinh tế của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.
Từ khóa: Thuế giá trị gia tăng, công ty CPA, kiểm toán, kiểm toán viên, ngân sách nhà nước…
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuất hiện trên thế giới cách đây hơn 50 năm, nhưng đối với Việt Nam thì đây là loại thuế mới, xuất hiện năm 1999 thay thế cho thuế doanh thu. Thuế GTGT có đặc điểm nổi bật là phản ánh một cách rõ ràng, trung thực, minh bạch, đã loại bỏ được tình trạng đánh thuế trùng lên thuế của thuế doanh thu. Ở thuế doanh thu thì cứ mỗi lần bán hàng là một lần nộp thuế, trong khi thuế GTGT chỉ đánh vào phần giá trị tăng thêm chứ không đánh vào phần giá trị đó chịu thuế ở các khâu trước. Sau khi có hiệu lực, thì đã có rất nhiều văn bản thuế GTGT ra đời nhằm không ngừng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho những hoạt động của các doanh nghiệp. Luật thuế GTGT số 02/1997, Nghị định 158/2003, Luật Sửa đổi một số điều về Thuế GTGT có hiệu lực từ 01/01/2004. Từ đó cho đến nay, Chính phủ đã có những quy định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (như Nghị định 148/2004/NĐ-CP về thuế GTGT). Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chi tiết sửa đổi, bổ sung kể cả các quy định trong chính sách có liên quan cũng như cách kê khai, quản lý và xử lý một số vấn đề cụ thể. Việc thực hiện thuế GTGT cơ bản cũng đã có hiệu quả và đổi mới hơn, tuy nhiên trong thực tế vẫn gặp phải những vướng mắc cần tháo gỡ.
Việc kiểm toán thuế GTGT nhằm mục đích kiểm tra:
- Tính tuân thủ: Việc ghi chép, tính toán, trình bày và thanh toán thuế GTGT phải trả phải tuân theo pháp luật hiện hành.
- Tính đầy đủ: Mọi giao dịch liên quan đến thuế GTGT phát sinh trong kỳ phải được ghi chép một cách đầy đủ và chính xác trên sổ sách kế toán.
- Tính hiện hữu: Tất cả các giao dịch liên quan đến thuế GTGT được ghi chép trong sổ kế toán phải thực sự có thật và có các chứng từ xác minh cho sự tồn tại của chúng.
- Tính chính xác: Việc tính toán thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế GTGT đầu ra phải nộp phải đảm bảo chính xác, tránh gian lận và sai sót.
- Tính toán: Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế GTGT đầu ra phải nộp phải được tính toán đúng thuế suất và giá tính thuế.
- Quyền sở hữu: Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế GTGT đầu ra phải nộp phải được phân chia rõ ràng, tránh nhầm lẫn giữa các tài sản và nợ. Khi mua tài sản thì phát sinh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Khi nhận nợ mới thì phát sinh thuế GTGT đầu ra phải nộp.
II. THỰC TRẠNG
CPA là một trong số những Công ty kiểm toán hàng đầu và lớn nhất Việt Nam. Cùng với đội ngũ nhân viên được đào tạo có bài bản, giàu kinh nghiệm thực tế, CPA Việt Nam đã xây dựng và thực hiện một quy trình kiểm toán chặt chẽ, hợp lý và hiệu quả và đặc biệt mang tính đặc trưng riêng của CPA Việt Nam. Việc kiểm toán khoản mục thuế GTGT cũng thực hiện và tuân thủ theo quy trình chung đó. Nhìn chung, CPA VIETNAM thường chia khách hàng thành hai đối tượng khách hàng chính, đó là khách hàng truyền thống và khách hàng mới để dễ dàng hơn trong việc thu thập các thông tin. Nếu khách hàng là khách hàng truyền thống, thì thông tin về khách hàng hầu như đã có hết trong hồ sơ kiểm toán chung và hồ sơ kiểm toán năm trước lưu ở Công ty, kiểm toán viên (KTV) chỉ cần tìm hiểu thêm một số thông tin mới hoặc những thay đổi có ảnh hướng đến báo cáo kiểm toán (BCKT) như: Sự thay đổi về loại hình kinh doanh, về chế độ kế toán và loại hình DN,… Còn đối với khách hàng mới thì việc thu thập thông tin ban đầu sẽ rất phức tạp và kỹ càng hơn rất nhiều. KTV thường tìm hiểu qua các tạp chí, các giấy phép đăng ký kinh doanh, internet, hay phỏng vấn ban giám đốc của đơn vị khách hàng,…
Để có những hiểu biết về thực tiễn kiểm toán khoản mục thuế GTGT, có thể lấy ví dụ chi tiết các công việc mà KTV CPA Việt Nam đã thực hiện khi kiểm toán khoản mục thuế tại khách hàng là BCD.
Khách hàng BCD thuộc đối tượng khách hàng lâu năm của CPA VIETNAM, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị, dụng cụ y tế, hóa chất. CPA VIETNAM đã tham gia kiểm toán Công ty BCD trong suốt 9 năm liên tục kể từ năm 2006. Qua thư mời kiểm toán, hai công ty đã ký HĐKT với Công ty cho niên độ kế toán 01/01/2015 đến 31/12/2015. Đối với khách hàng BCD, đây là năm thứ 9 CPA VIETNAM tiến hành cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC). Nên nhóm thực hiện kiểm toán tại Công ty BCD là những nhân viên đã thực hiện kiểm toán của những năm trước, bao gồm: Một chủ nhiệm kiểm toán chịu trách nhiệm tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và soát xét công việc kiểm toán của cả nhóm kiểm toán; Nhóm kiểm toán thực hiện sẽ bao gồm 4 thành viên (Một KTV là trưởng nhóm kiểm toán, một KTV và hai trợ lý kiểm toán). Vì đây là năm thứ 9 kiểm toán tại BCD, do có sự thay đổi trong thành phần kiểm toán nên các thành viên trong nhóm kiểm toán sẽ nghiên cứu lại hồ sơ kiểm toán của các năm trước để hiểu rõ hơn về khách hàng và nhóm kiểm toán phải kiểm tra lại những thay đổi từ phía khách hàng có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc kiểm toán năm nay.
Bước 1: Lập kế hoạch kiểm toán và thiết kế chương trình kiểm toán
- Thu thập thông tin cơ sở về khách hàng: Sau khi ký hợp đồng kiểm toán, KTV sẽ tiến hành thu thập và tìm hiểu các thông tin ban đầu về khách hàng kiểm toán, tìm hiểu hệ thống kế toán, hệ thống KSNB đối với khoản mục thuế GTGT của khách hàng và các bên có liên quan để giúp KTV có được cái nhìn cơ bản về khách hàng kiểm toán, nhận diện được các vấn đề liên quan đến khoản mục cần được kiểm toán và nắm bắt được những đặc điểm cần lưu ý trong suốt quá trình thực hiện của cuộc kiểm toán.
VD: Công ty BCD
- Giấy phép thành lập: Công ty BCD là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 1955/QĐ - UB ngày 23/7/1992 của Ủy ban Kế hoạch và Đầu tư Phát triển Thanh Hóa.
- Vốn pháp định: 154,334,593,650 VND.
- Tổng số nhân viên: 455 người trong đó 35 cán bộ quản lý.
- Lĩnh vực hoạt động chính: Công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị, dụng cụ y tế và hóa chất.
- Công ty áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam ban hành theo QĐ số 15 ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính.
- Hình thức sổ kế toán: Nhật ký chung.
- Niên độ kế toán: 1/1 đến hết ngày 31/12 hàng năm.
- Đơn vị tiền tệ: đồng VN
- Nguyên tắc chuyển đổi ngoại tệ: Đối với các giao dịch sử dụng ngoại tệ, doanh nghiệp phải chuyển đổi theo tỷ giá liên ngân hàng hoặc tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh giao dịch.
- Hàng tồn kho được đánh giá theo giá thực tế đích danh.
- Phương pháp hạch toán hàng tồn kho là phương pháp kê khai thường xuyên.
- Nguyên tắc hạch toán doanh thu: Doanh thu của Công ty được ghi nhận khi xuất hóa đơn cho khách hàng và được khách hàng chấp nhận thanh toán không phụ thuộc vào việc khách hàng đã thanh toán hay chưa thanh toán.
- Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước:
+ Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp: 28%
+ Thuế GTGT được áp dụng theo phương pháp khấu trừ thuế. Thuế suất GTGT các loại được áp dụng: 0%, 5%, 10%.
Các hoạt động đăng ký, kê khai, khấu trừ, nộp thuế tuân theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Thu thập các thông tin về nghĩa vụ pháp lý của khách hàng: Việc thu thập các thông tin về nghĩa vụ pháp lý nhằm giúp KTV nắm bắt được các quy trình pháp lý có ảnh hưởng tới các mặt hoạt động kinh doanh này. Những thông tin này có trong các tài liệu sau: Điều lệ Công ty; Danh sách thành viên Hội đồng quản trị; Các quyết định bổ nhiệm; Các hợp đồng, cam kết cần thiết khác.
VD: Công ty BCD. Đây là khách hàng thường xuyên của CPA VIETNAM, các tài liệu liên quan tới nghĩa vụ pháp lý đã được thu thập và lưu trong hồ sơ kiểm toán chung năm trước. Trong năm 2015 hầu như không có sự thay đổi.
- Tìm hiểu hệ thống KSNB và đánh giá rủi ro kiểm soát với khoản mục thuế GTGT
VD: Công ty BCD. Vì Công ty BCD là khách hàng thường xuyên của CPA VIETNAM cho nên các hồ sơ liên quan đến hệ thống KSNB của Công ty đã được lưu trong hồ sơ kiểm toán các năm trước. Trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán, ở mỗi bước phân tích và kiểm tra cụ thể thì nhóm kiểm toán phải đưa ra được các bằng chứng chứng minh mức rủi ro kiểm toán đã đánh giá ở trên là hợp lý. Khi tiến hành kiểm toán năm nay, KTV chủ yếu tìm hiểu xem trong năm 2015, Công ty có thay đổi gì lớn trong việc thiết kế hệ thống KSNB về mặt quy chế, tổ chức và các hoạt động kiểm soát cũng như các chính sách về thuế GTGT mà công ty áp dụng. Thông qua kỹ thuật phỏng vấn, quan sát và tìm hiểu thực tế, KTV nhận thấy hệ thống KSNB của Công ty không có sự thay đổi gì lớn và được đánh giá ở mức trung bình.
- Đánh giá rủi ro, trọng yếu và phân bổ mức trọng yếu cho khoản mục thuế GTGT. Để đảm bảo tính thận trọng và chính xác thì CPA VIETNAM đã xây dựng một hệ thống căn cứ để xác định được mức độ trọng yếu thống nhất cho mọi cuộc kiểm toán BCTC.
VD: Công ty BCD. Đối với Công ty BCD thì KTV sẽ căn cứ vào chỉ đạo về trọng yếu của công ty kiểm toán, hiểu biết về hệ thống KSNB và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để ước lượng ra mức độ trọng yếu ban đầu cho BCTC. Phân bổ về ước lượng ban đầu của mức trọng yếu cho thuế: Trong bước này thì KTV dựa vào mức độ trọng yếu đã ước tính ở bước đầu và hệ số phân bổ để phân bổ mức trọng yếu cho chỉ tiêu thuế.
Mức trọng yếu ước lượng ban đầu
742,822,687.5
8,918,857.5
8,918,857.5
Bước 2: Thực hiện kiểm toán
- Thực hiện thử nghiệm kiểm soát.
VD: Công ty BCD. KTV đưa ra nhận định ban đầu là hệ thống KSNB của khách hàng BCD hoạt động ở mức trung bình. Vì thế, KTV thực hiện thử nghiệm kiểm soát nhằm đánh giá lại tính hiệu quả của hệ thống KSNB từ đó đánh giá lại rủi ro kiểm soát.
Mục tiêu: Đảm bảo thủ tục kiểm soát đối chiếu thuế GTGT trên tờ khai thuế và sổ cái được thiết kế đầy đủ, thực hiện liên tục, có hiệu quả và định kì hàng tháng.
Công việc:
- Kiểm tra biên bản đối chiếu thuế hàng tháng để kiểm tra việc đối chiếu có được thực hiện đầy đủ không.
- Xem xét chữ kí của kế toán trưởng trên mỗi biên bản đối chiếu.
- Chọn 2 mẫu đối chiếu để thực hiện đối chiếu giữa tờ khai thuế GTGT với sổ cái. Điều tra nguyên nhân khi phát hiện bất kì sai lệch nào đáng kể.
Nội dung
VAT đầu vào được khấu trừ
VAT đầu ra
Sổ sách
Tờ khai thuế
Chênh lệch
Sổ sách
Tờ khai thuế
Chênh lệch
Tháng 3
75,383,097
84,383,097
9,000,000
279.592.940
279.592.940
-
Tháng 11
178,713,876
178,713,876
-
323.454.205
323.454.205
-
Phát hiện:
- Qua phỏng vấn, kế toán thuế cho biết nguyên nhân chênh lệch là do hóa đơn mua lô nguyên vật liệu cát vàng, hạch toán tháng 10/2014 nhưng đến tháng 3/2015 lại tiến hành kê khai thuế khi hóa đơn về. Số thuế GTGT đầu vào đã được tạm kê khai trong năm 2014, do đó năm 2015 phải trừ số thuế 9.000.000 đã khấu trừ năm 2014.
- Không có phát sinh chênh lệch đối với VAT đầu ra.
Kết luận: KTV đánh giá hệ thống KSNB của BCD hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, có thể tin tưởng vào hệ thống KSNB để giảm bớt thủ tục kiểm tra chi tiết.
- Thực hiện thủ tục kiểm tra chi tiết. KTV căn cứ vào kết quả đối chiếu số liệu tổng hợp ở trên để chọn mẫu để kiểm tra. KTV sẽ kiểm tra lại việc tính toán và hạch toán các loại thuế đầu vào, tính đầy đủ, chính xác và đúng thời hạn của các khoản thuế đầu vào được kê khai về: thuế suất, giá tính thuế, các mặt hàng được khấu trừ thuế. Đối với số phát sinh có, KTV đối chiếu số thuế đã được khấu trừ trong kỳ trên sổ kế toán với số liệu trong phần III của Báo cáo kết quả kinh doanh, đối chiếu với biên bản quyết toán và xác nhận thuế của cơ quan thuế trong kỳ (nếu có). Đối với các khoản thuế không được khấu trừ, không được miễn giảm, kiểm tra việc tính toán, cơ sở tính toán và hạch toán trên sổ kế toán.
VD: Công ty BCD. KTV tiến hành kiểm tra chi tiết các hóa đơn thuế GTGT đầu vào có số phát sinh lớn hơn mức trọng yếu đã được phân bổ cho khoản mục thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, mức trọng yếu phân bổ lại là 0 nên theo kinh nghiệm của KTV, sau khi xem xét sổ kế toán chi tiết KTV tiến hành chọn mẫu kiểm tra chi tiết tại Công ty BCD các nghiệp vụ có số phát sinh thuế GTGT đầu vào lớn hơn 1.500.000 VNĐ, sẽ được ưu tiên vào mẫu chọn cùng với các nghiệp vụ có nghi ngờ bất thường theo kinh nghiệm nghề nghiệp của KTV. Việc chọn mẫu tuy là vẫn mang nặng tính chủ quan, song do KTV thực hiện phần hành là những người có kinh nghiệm trong kiểm toán khoản mục Thuế GTGT nên phần nào có thể đảm bảo được các sai sót tồn tại là không trọng yếu, mẫu chọn mang phần lớn đặc trưng của tổng thể, phát hiện được các sai phạm còn tồn tại và tư vấn cho đơn vị sửa chữa.
Bước 3: Xem xét và xử lý các phát hiện trong kiểm toán.
Chẳng hạn đối với thuế GTGT đầu vào, KTV chuyển sang kết luận kiểm toán đối với khoản mục thuế GTGT đầu vào thể hiện trên trang kết luận kiểm toán.
VD: Công ty BCD
Tên khách hàng: Công ty BCD
Niên độ kế toán: 2015
Tham chiếu: E336
Khoản mục: TK 133
Người thực hiện: LMD
Bước công việc: Kết luận kiểm toán
Ngày thực hiện: 12/01/2016
Kết luận kiểm toán
Công việc đã tiến hành
Công việc thực hiện đối với phần thuế GTGT đầu vào đã tiến hành theo đúng chương trình kiểm toán.
Các vấn đề phát sinh
1. Nhìn chung thuế GTGT đầu vào kê khai đảm bảo các quy định của cơ quan Thuế.
2. Tuy nhiên có một hóa đơn không kê khai nhưng đã hạch toán khấu trừ. Do hóa đơn đã hết hạn kê khai khấu trừ nên bút toán điều chỉnh là:
Nợ TK642: 12.900.000
Có TK 1331:12.900.000
3. Một số hóa đơn mua hàng tẩy xóa, thiếu hoặc không ghi mã số thuế của Công ty, thiếu dấu của nhà cung cấp.
Kết luận:
Dựa vào công việc đã thực hiện theo ý kiến chúng tôi, ngoại trừ những phần nêu trên, các dữ liệu làm cơ sở cho khoản mục thuế GTGT đầu vào là thích hợp xét trên mọi khía cạnh trọng yếu.
Tóm lại, với trình độ chuyên môn vững vàng, khả năng sáng tạo cao trong công việc, qui trình kiểm toán khoản mục thuế được xây dựng và thực hiện cho từng đơn vị cụ thể luôn đạt chất lượng cao và có những ưu điểm nổi bật sau:
Thứ nhất: Qui trình kiểm toán khoản mục thuế do CPA VIETNAM thực hiện được tiến hành theo đúng trình tự kiểm toán mà kế hoạch đã xây đựng dựa trên thực tế Việt Nam, qui trình kiểm toán mẫu của Công ty kiểm toán lớn trên thế giới và được áp dụng linh hoạt đối với từng loại khách hàng.
Thứ hai: Có sự kết hợp hiệu quả kết quả kiểm toán giữa các phần hành. Trong quy trình kiểm toán thuế GTGT, CPA VIETNAM chú trọng tới sự phối hợp giữa các KTV thực hiện các phần hành với nhau để giảm bớt và tránh trùng lặp các thủ tục kiểm tra chi tiết. KTV phụ trách phần hành này vừa phải đảm bảo được sự phân tách độc lập của khoản mục thuế và vừa kết hợp với các KTV khác trong nhóm trong việc phân tách mối quan hệ chặt chẽ giữa thuế GTGT và các khoản mục liên quan như chi phí, doanh thu, tài sản để kiểm tra được xu hướng và tính toán lại sự biến động của thuế GTGT.
Thứ ba: Soát xét chất lượng cuộc kiểm toán nói chung và khoản mục thuế GTGT nói riêng được thực hiện nghiêm túc bởi các KTV có trình độ cao. Chất lượng kiểm toán luôn là mục tiêu hàng đầu của CPA VIETNAM. KTV cao cấp của nhóm kiểm toán sẽ soát xét chi tiết từng GTLV. Việc kiểm soát này sẽ là cơ sở cho những lần soát xét tiếp theo để đảm bảo tất cả các GTLV chứa đựng các thông tin đầy đủ, rõ ràng về các thủ tục kiểm toán và các kết luận đạt được.
Thứ tư: KTV luôn phải cập nhật các kiến thức mới về kế toán, kiểm toán và về thuế trong các kỳ kiểm tra thường xuyên tại CPA VIETNAM. Do vậy, chương trình kiểm toán các khoản mục nói chung và khoản mục thuế GTGT nói riêng luôn được cập nhật và sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện kiểm toán các khoản mục thuế GTGT tại CPA VIETNAM bên cạnh những ưu điểm vẫn còn tồn tại những nhược điểm sau đây cần khắc phục:
Việc xác định số lượng mẫu chọn và lựa chọn các phần tử vào mẫu thường được tiến hành theo phương pháp chọn mẫu phi xác suất, dựa trên sự phán đoán của KTV và thường chọn theo nguyên tắc số lớn, nghĩa là khoản nào có số dư lớn thì sẽ có cơ hội được chọn vào mẫu. Nếu qua kiểm tra thấy cần tăng quy mô mẫu thì KTV sẽ chọn theo nguyên tắc số lớn còn không thì giữ nguyên. Phương pháp chọn mẫu này có ưu điểm là chi phí kiểm toán thấp do không phải tiến hành nhiều bước song, tuy nhiên nó có rất nhiều hạn chế. Trước hết là việc sử dụng phương pháp chọn mẫu này rất dễ xảy ra rủi ro kiểm toán vì chưa chắc những sai sót và gian lận đã xảy ra với những số lớn mà nó có thể xảy ra với những khoản nhỏ của một tài khoản, bởi khi tập hợp những khoản nhỏ này lại thì chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính trung thực của các thông tin trên BCTC. Mặt khác thì phương pháp chọn mẫu này gây nhiều khó khăn cho người thực hiện việc soát xét các công việc kiểm toán. Vì vậy nên phương pháp này có nguy cơ làm giảm hiệu quả kiểm toán và ảnh hưởng đến uy tín của KTV cũng như Công ty kiểm toán.
Khó khăn cũng xuất phát từ phía khách hàng như năng lực của kế toán và nhận thức về tầm quan trọng của kiểm toán đối với doanh nghiệp. Do không hiểu được mục đích và tầm quan trọng của công việc kiểm toán nên có nhiều doanh nghiệp thiếu sự hợp tác giữa kế toán công ty và KTV. Đồng thời thì KSNB của khách hàng kém cũng làm hạn chế sự tiếp cận của kiểm toán và thông tin từ khách hàng đó cũng thiếu sự tin cậy trong khi kiểm toán. KTV chỉ có thể phát hiện được rủi ro và hạn chế trong việc phát hiện ra những gian lận của khách hàng.
III. GIẢI PHÁP
Một là, để vừa có thể đảm bảo được tính đại diện của mẫu lại vừa tránh được rủi ro kiểm toán khi tiến hành kiểm toán khoản mục thuế GTGT, KTV có thể áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tổ tổng thể để tính toán cỡ mẫu cần thiết và lựa chọn các phần tử của mẫu. Đây là phương pháp phân chia tổng thể thành các phân nhóm tương đối đồng nhất với nhau gọi là tổ. Phương pháp này sẽ cho phép các phần tử có giá trị rất lớn hoặc rất nhỏ, các phần tử có đặc trưng bất thường tách ra thành các tổng thể con riêng biệt. Khi đó, KTV sẽ dễ dàng lấy được các mẫu đại diện cho tổng thể lớn từ các tổng thể con riêng biệt này.
Hai là, Công ty kiểm toán CPA VIETNAM cần nâng cao hơn nữa trình độ của các KTV, tổ chức những cuộc tập huấn nhằm phổ biến những kỹ thuật kiểm toán mới của Việt Nam cũng như thế giới cho KTV.
Ba là, các Công ty kiểm toán nên cập nhật thường xuyên các luật, nghị định, thông tư, mới của Chính phủ liên quan đến kế toán, kiểm toán, thuế để đảm bảo rằng cuộc kiểm toán luôn được tuân thủ theo những luật định mới nhất trong giai đoạn kiểm toán đó.
Bốn là, đối với các khách hàng kiểm toán cần nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của một cuộc kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, kế toán của công ty cần hợp tác với KTV để quá trình kiểm toán diễn ra nhanh hơn, tốt hơn và đạt chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, khách hàng kiểm toán cũng cần cập nhật các nghị định, thông tư, chính sách thường xuyên để đảm bảo không có sự khác nhau trong quá trình đánh giá, ghi nhận số liệu so với bên kiểm toán để tránh những điều chỉnh không cần thiết.
Năm là, nâng cao chất lượng của kế toán trong công ty. Hiểu rõ vai trò của kiểm soát nội bộ nhằm đảm bảo hiệu quả công việc, nâng cao uy tín của công ty, các thông tin về công ty có mức tin cậy cao hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam - NXB Tài chính.
2. Lý thuyết kiểm toán (NXB Tài chính 2010).
3. Kiểm toán tài chính trong các doanh nghiệp (Chủ biên: GS.TS. Đặng Thị Loan, tái bản lần thứ nhất, NXB Kinh tế Quốc dân năm 2012).
4. Tài liệu nội bộ của Công ty kiểm toán CPA VIETNAM.
5. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.
6. Các trang web: http://cpavietnam.vn/; www.mof.gov.vn; www.kiemtoan.com.vn; www.vacpa.org.vn
Ngày nhận bài: 5/01/2016
Ngày chấp nhận đăng bài: 25/01/2016
Thông tin tác giả:
ThS. Phạm Thị Mỵ
Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Enhancing audit of value added tax in financial statement audit of CPA company
Master. Pham Thi My
Faculty of Accounting, University of Economics and Technology Industry
Abstract:
Paying tax to the State is responsible of enterprises and it is considered as a tool of the State to manage the economy at macro level. However, many enterprises usually find ways to reduce their taxes through tax fraud and evasion. Therefore, audit plays an important role in checking tax compliance of enterprises in Vietnam.
Keywords: Value added tax, CPA company, audit, auditor, State budge.