Học cách dựa trên vai người khổng lồ

Câu chuyện thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới không còn là xa vời đối với doanh nghiệp và các hộ sản xuất khi các sàn thương mại điện tử, các nền tảng cùng vào cuộc hỗ trợ hàng Việt khai thác thị trường.
ông nguyễn thế anh

Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST):

Thay đổi mô hình tiêu thụ nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử 

Về vấn đề tiêu thụ nông sản, Bưu điện Việt Nam với vai trò là doanh nghiệp bưu chính quốc gia thấy rằng trách nhiệm của mình rất lớn. Chúng tôi đã xây dựng một số nền tảng, trong đó có nền tảng thương mại điện tử Postmart.vn - chúng tôi gọi đó là Sàn Nông sản Việt.

Trên các sàn thương mại điện tử, việc tiêu thụ theo mô hình B2C đối với sản phẩm tươi là một thách thức rất lớn. Giải pháp thứ nhất, chúng tôi đã thay đổi mô hình sang B2B2C. Sàn thương mại điện tử là nơi giới thiệu các sản phẩm, nhưng toàn bộ hoạt động giao dịch là trực tiếp. Chúng tôi giúp thu mua và bán sản phẩm của bà con trên 63 tỉnh, thành phố thông qua hơn 13.000 điểm phục vụ, đồng thời ấn định trong tuần những ngày nào là ngày trả hàng. Điều này khác với phương thức vận hành B2C là đến thẳng tay người tiêu dùng. Nhưng B2B2C sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm được chi phí.

Giải pháp thứ hai, chúng tôi tiến hành chuẩn hóa lại khâu đóng gói, sàng lọc. Mỗi loại sản phẩm có kiểu cách đóng gói khác nhau. Thách thức ở đây là phải hướng dẫn cho bà con nông dân, hộ sản xuất đóng gói theo quy định để khi vào hệ thống sẽ được nhận diện và phân luồng.

Hiện Postmart.vn có khoảng 5 triệu người thường xuyên truy cập và khoảng 20.000 bà con nông dân hiện diện trên đó. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đặt vấn đề và hơn 10.000 hợp tác xã sẵn sàng đưa tất cả các sản phẩm nông sản lên sàn Postmart.vn. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các địa phương rà soát, cập nhật toàn bộ hơn 10.000 sản phẩm OCOP trên toàn quốc. Ngành Công Thương cũng có hơn 2.700 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là những sản phẩm chất lượng tốt, sản lượng lớn, chúng tôi định hướng thông qua sàn để xuất khẩu các sản phẩm này.

ông trịnh khắc toàn

Ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc Khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam:

Sản phẩm Việt Nam có thể tiếp cận 300 triệu khách hàng trên toàn cầu

Amazon Global Selling là một chương trình do Tập đoàn Amazon thành lập ở Việt Nam vào năm 2019. Đội ngũ Amazon Global Selling luôn sát cánh cùng với rất nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà bán hàng cá nhân ở Việt Nam trong hành trình đưa những sản phẩm “Made in Việt Nam” ra quốc tế.

Thông qua quá trình làm việc này, tôi có rút ra hai điều: Thứ nhất, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm có sự khác biệt, thân thiện với môi trường. Đó là chất liệu để xây dựng những câu chuyện liên quan đến thương hiệu, để chia sẻ. Và đó là một điểm mạnh. Bởi vì xu hướng của những người tiêu dùng trên toàn cầu, đặc biệt thị trường lớn như là Mỹ, châu Âu, châu Úc người tiêu dùng đang hướng đến những sản phẩm có giá trị thân thiện môi trường, thân thiện với sức khỏe, những sản phẩm không biến đổi gen, những sản phẩm đến từ những đất nước đem lại trải nghiệm mới cho họ.

Thứ hai, đôi khi trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam chính là vấn đề liên quan đến tâm lý cũng như kiến thức. Chúng ta cảm thấy thiếu những kiến thức liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới. Chúng ta lo ngại không biết những sản phẩm của chúng ta có cạnh tranh được không, cần phải cải tiến những gì để có thể thành công được?...

Đội ngũ Amazon Global Selling ở Việt Nam chính là để đem đến cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng như những người bán hàng tại Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu với 3 yếu tố chính:

Thứ nhất, mở ra cơ hội cho sản phẩm Việt Nam có thể vươn đến hơn 300 triệu khách hàng trên toàn cầu và tiếp cận trên 200  quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua nền tảng Amazon.

Thứ hai, Amazon đưa ra một giải pháp về hậu cần và hoàn thiện đơn hàng quốc tế với tên gọi FBA - Dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (Fulfillment by Amazon). Thay vì chúng ta phải vận chuyển hoàn thiện đơn hàng để bán, chúng ta có thể đưa hàng hóa vào kho Amazon và toàn bộ những khâu từ đóng gói, giao hàng, chăm sóc khách hàng và thu tiền, thu đổi sản phẩm do Amazon hỗ trợ. Hiện tại, Amazon có một hệ thống hoàn thiện đơn hàng lên đến 400 trung tâm, với khả năng có thể tiếp cận đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thứ ba, đây là điểm cũng rất quan trọng, chúng tôi có thể hỗ trợ kiến thức để các nhà bán hàng, những doanh nghiệp Việt Nam có thể trực tiếp xây dựng được thương hiệu và vận hành những hoạt động bán hàng của mình thành công thông qua chính nền tảng của Amazon.

 

Việt Hằng (ghi)