Hội nghị cấp cao APEC thúc đẩy tự do hóa thương mại & đầu tư

Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 diễn ra tại thủ đô Băngcốc của Thái Lan đã ra Tuyên bố Băng Cốc về quan hệ đối tác vì tương lai. Tuyên bố nêu rõ tron

     Tuyên bố khái quát ba nhóm đề tài lớn đã được các nhà lãnh đạo thảo luận. Thứ nhất, là thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư. Thứ hai, là tăng cường an ninh con người. Thứ ba, là giúp người dân và cộng đồng hưởng lợi từ toàn cầu hoá. Trong ba nhóm đề tài đó, vấn đề tự do hoá thương mại và đầu tư được chú ý nhiều nhất.

     Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định tính ưu việt của hệ thống thương mại đa phương và nhất trí cho rằng, Vòng đàm phán phát triển Đôha (DDA) có thể đem lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, mở cửa thị trường cho hàng hoá và dịch vụ, minh bạch hoá và cải tiến các quy định về thương mại. Đồng thời ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp tục thực hiện những công việc có giá trị đã được thực hiện tại Hội nghị Bộ trưởng tại Cancun (Mêhicô) để thúc đẩy tiến triển của Vòng đàm phán phát triển Đôha. Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí cho rằng, để có thể thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu, các thoả thuận tự do hoá thương mại khu vực và song phương cần tuân thủ các nguyên tắc của WTO, thúc đẩy các mục tiêu của WTO và đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu Bôgô, cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam và Liên bang Nga sớm gia nhập WTO.

     Các nước thành viên APEC đã lên tiếng ủng hộ hệ thống thương mại toàn cầu đa phương. Mặc dù APEC rất thất vọng với kết quả thất bại của WTO ở Cancun, nhưng tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực nối lại đàm phán. Nói chung, các nước đều đồng thuận tích cực tham gia hệ thống thương mại toàn cầu mang tính tự do công bằng trong khuôn khổ WTO.

     Tổng giám đốc WTO Supachai Panichpakdi cho rằng, nếu đàm phán thương mại hoàn toàn đổ vỡ, sẽ dẫn tới tình trạng suy thoái và xung đột trên khắp thế giới. Tuyên bố Băngcốc khẳng định lại tính ưu việt của hệ thống thương mại đa phương và quyết tâm thực hiện thành công chương trình nghị sự Đôha, lấy mục tiêu phát triển làm trung tâm. Các nhà lãnh đạo APEC đã tập trung thảo luận vấn đề tự do nông nghiệp, tiếp cận thị trường hàng hoá phi nông nghiệp, tự do thương mại dịch vụ và cải cách các quy định của WTO, bao gồm luật chống phá giá và ưu đãi thương mại.

     Các thành viên APEC chiếm gần một nửa các dòng chu chuyển thương mại thế giới, nên bất cứ tuyên bố nào của APEC đều có ảnh hưởng tới WTO. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, nguyên Thủ tướng Malaixia Mahathir Mohamed đã lên tiếng chỉ trích các nước giàu tìm cách bóc lột thế giới thứ ba thông qua các hiệp định thương mại không công bằng. Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của hội nghị Cancun là chương trình nghị sự chỉ quan tâm chủ yếu đến lợi ích của những nước giàu. Thảo luận với các nhà lãnh đạo kinh tế bên lề hội nghị APEC, ông nói: “Chúng ta sẵn sàng chấp nhận bị bóc lột, nhưng phải được bóc lột một cách công bằng”.

     Sinh ra và lớn lên dưới chế độ thuộc địa Anh, được coi là vị cha già dân tộc, ông Mahathir luôn lo sợ Malaixia sẽ lại trượt vào vết xe phụ thuộc về mặt kinh tế. Ông so sánh việc thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu giống như thời thuộc địa mà các nước giàu sử dụng vũ lực để bảo vệ quyền tự do buôn bán. Ngày nay, phương Tây không thể dùng tàu chiến để giành quyền tự do thương mại, vì thế, họ đẻ ra WTO và một chương trình nghị sự phục vụ cho chính các nước giàu.

     Lãnh đạo APEC đã đề ra các biện pháp cần thiết nhằm khởi động lại Vòng đàm phán Đôha. Một số thành viên APEC nằm trong hai nhóm nước giàu và nghèo đã đụng độ sứt đầu mẻ trán ở Cancun trong vấn đề dỡ bỏ hàng rào thương mại. Ông Mahathir nói: “Chúng ta - các nước đang phát triển, dần dần cảm thấy đuối sức trong cuộc đấu tranh với thế giới phát triển, nhưng dù sao cũng phải đấu tranh cho một cơ chế thương mại công bằng, chứ không chỉ tự do thương mại”.

     Phát biểu tại buổi đối thoại với Hội đồng tư vấn doanh nhân APEC nhân hội nghị, Thủ tướng nước ta Phan Văn Khải, đề nghị các doanh nghiệp các thành viên APEC phối hợp chặt chẽ hơn với Chính phủ để triển khai hữu hiệu các chương trình thuận lợi hoá trong APEC. Thủ tướng đánh giá cao chương trình “Thẻ đi lại của doanh nhân APEC” và tin tưởng rằng, đây sẽ là một công cụ tốt, nhằm tạo thuận lợi cho sự giao lưu giữa các doanh nhân và các nhà công nghiệp trong khu vực APEC, thúc đẩy thương mại và đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu Bôgo. Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để sớm tham gia chương trình này. Thủ tướng đề nghị Hội đồng tư vấn doanh nhân APEC đóng góp vào việc xây dựng khuôn khổ chung APEC về hợp tác đầu tư cũng như xây dựng một quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho số doanh nghiệp này tham gia tích cực hơn vào tiến trình thực hiện các mục tiêu kinh tế của APEC./.

  • Tags: