Sáng 21/2/2025, Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV (bế mạc ngày 19/2/2025). Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ USD.
Trước đó, tại Hội nghị diễn ra ngày 23-24/1/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cơ bản đồng tình nội dung Đề án về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện do Ban cán sự đảng Chính phủ trình.
Chính phủ tổ chức Hội nghị với tất cả các địa phương nhằm rà soát và thúc đẩy các nhiệm vụ giải pháp để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.
Cần duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại (135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân); đồng thời tiếp tục tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; hoàn thành các mục tiêu Đại hội XIII đề ra, phấn đấu đạt 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao).
Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu nói trên, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.

"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất với Trung ương, Quốc hội phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 ngày 24/1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ngày 19/2 và Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các địa phương, bộ ngành.
"Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi. Vấn đề là làm thế nào?", Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, kinh nghiệm quốc tế và công bố mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hơn 30 năm qua, chỉ có 34 nền kinh tế thành công trong thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, còn 108 quốc gia chưa vượt qua được.
Nhìn chung, các nền kinh tế trở thành nước có thu nhập cao đều duy trì tăng trưởng cao trong khoảng trên dưới 30 năm, như Nhật Bản tăng trưởng trung bình 11,5%/năm giai đoạn 1951-1973, Hàn Quốc đạt 9,6%/năm trong giai đoạn 1963-1996, Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10%/năm giai đoạn 1978-2011, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,9%/năm từ 1952-1989; Singapore tăng 8,5%/năm từ 1961-1997.
Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 đến nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD, nếu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 7% mỗi năm thì rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm. Như vậy, trong 2 thập kỷ tới cần tăng tốc bứt phá mới có thể đạt mục tiêu chiến lược đề ra. Chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao, Thủ tướng nêu rõ.
Do đó, trong năm 2025, chúng ta phải làm rất nhiều việc, trong đó phải tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% để tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, chứ không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó.
Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
"Mục tiêu như thế, không làm không được. Do đó, có rất nhiều việc phải làm; phải quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đầu tư công, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, về đích, tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay cao vươn xa. Tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, phải tranh thủ thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành động lực, càng khó khăn, thách thức càng phải nỗ lực hơn", Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng được thì phải làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…, khai thác các không gian phát triển mới như không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ. Muốn vậy phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu suy nghĩ, tập trung thảo luận, phân tích thêm hoàn cảnh thế giới, khu vực và đất nước, góp ý, hiến kế, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp mang tính "đòn bẩy – điểm tựa" để làm có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả tốt; coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công.
8 động lực cho tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương năm 2025
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bối cảnh, tình hình năm 2025 dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhưng cũng có các cơ hội, thời cơ mới từ sự thay đổi của cục diện kinh tế, chính trị thế giới, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư toàn cầu và các xu thế lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế xanh... có thể tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế nước ta.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có 8 động lực tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương năm 2025.
Thứ nhất, những thành tựu của đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm Đổi mới, tạo vị thế, uy tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Thứ hai, áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kết, rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024.
Thứ ba, tư duy mới, cách làm mới, thể chế mới, đột phá và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương được áp dụng cơ chế thí điểm, đặc thù.
Thứ tư, hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Thứ sáu, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu lạm phát, bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài... , tạo điều kiện để đẩy mạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ bảy, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; các nguồn lực bị ách tắc, lãng phí được đưa ngay vào nền kinh tế.
Thứ tám, chính sách, quy định mới, đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Báo cáo tình hình giải ngân, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 31/01/2025 là 635,6 nghìn tỷ đồng, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 93,12%). Đến ngày 31/01/2025, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 84,8 nghìn tỷ đồng.

Giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, gỡ khó cho các doanh nghiệp, dự án
Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cần tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án.
Xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp, dân doanh; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, quy định "luồng xanh" cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tiếp tục triển khai hiệu quả, đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào cuộc sống; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các chính sách mới, đột phá đã được Quốc hội cho phép thí điểm về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát, cơ chế quỹ, đầu tư mạo hiểm, quỹ khoa học công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp... để tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tập trung rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó ở cấp nào thì cấp đó chu động thực hiện theo thẩm quyần hoặc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện.
Tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành.
Xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên.
Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị...