Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024

Ngày 30/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024 với chủ đề “Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam”.

Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 9/2024
Khung cảnh Hội nghị

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước/khu vực có hiệu lực, Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế có độ mở cao và ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế. Nhiều ngành sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh thời gian gần đây.

Cụ thể, tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài những lợi thế đặc thù của quốc gia đang phát triển, như giá nhân công rẻ, giá thành sản xuất thấp, thì việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế càng khiến hàng hóa Việt Nam trở thành mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu.

Do vậy, để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước của mình, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ, lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 9/2024
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trương Thùy Linh (bên phải) báo cáo tại Hội nghị

Tính đến hết năm 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 54 vụ việc. Nhưng, kể từ đó đến nay, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng thêm 207 vụ việc. Trong tổng số 261 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 142 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 38 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 28 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 53 vụ việc điều tra tự vệ.

Năm 2020 là năm Cục Phòng vệ thương mại phải xử lý nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất, với 39 vụ việc. Còn tính đến đầu năm tới nay, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang xử lý 14 vụ việc mới phát sinh.

Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết thêm, bên cạnh số lượng vụ việc ngày càng gia tăng, Cục cũng nhận thấy, công tác điều tra của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam có một số đặc điểm sau:

(i) Thị trường điều tra ngày càng mở rộng, ngoài việc hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra hàng hóa nước ta, thì số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng và một số quốc gia chưa từng điều tra hoặc ít điều tra nước ta, như Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra Việt Nam;

(ii) Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…, mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập. v.v…

(iii) Xu hướng điều tra khắt khe hơn. Cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).

(iv) Phạm vi điều tra ngày càng mở rộng: Bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

(v) Mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường: Do một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.

Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long

Trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam trước mỗi vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, kết quả kháng kiện phụ thuộc rất lớn vào chất lượng phối hợp giữa các bên liên quan. Trong đó, vai trò của các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng.

Cụ thể, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò nắm bắt thông tin các giai đoạn, diễn biến, kết quả của vụ việc và kịp thời thông báo về nhà. Trong nhiều vụ việc, ngay khi nhận được thông tin về việc cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ hợp lệ từ phía các doanh nghiệp trong nước, Thương vụ Việt Nam đã gửi thông tin cho Chính phủ Việt Nam, thông báo về khả năng nước bạn sẽ tiến hành điều tra đối với mặt hàng này. Nhờ cảnh báo sớm từ Thương vụ, Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc đã có thêm chuẩn bị tinh thần, và thêm thời gian lên phương án kháng kiện khi vụ việc xảy ra.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đã thay mặt Bộ Công Thương trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra.

Đến nay, Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ tích cực từ phía hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trước viễn cảnh các vụ kiện trong lĩnh vực phòng vệ thương mại sẽ ngày càng nhiều trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại mong muốn Thương vụ sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ nhiều hơn nữa thông qua các hoạt động sau:

(i) Tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại;

(ii) Cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại;

(iii) Hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu;

(iv) Hỗ trợ trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan điểm, kết luận của cơ quan điều tra;

(v) Hỗ trợ tham vấn hoặc khởi kiện ra WTO trong trường hợp cơ quan điều tra nước ngoài vi phạm các quy định của WTO mà nhà không thể bố trí tham gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại Hội nghị

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho biết, những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là các vụ điều tra chống trợ cấp với tính chất ngày càng phức tạp, phạm vi sản phẩm điều tra ngày càng đa dạng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam như bị áp thuế cao, nguy cơ giảm cạnh tranh, mất thị trường xuất khẩu,… mà còn gia tăng gánh nặng cho cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phải giải trình và theo đuổi các vụ việc.” - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.

Vì vậy, nhằm cung cấp thêm thông tin đa chiều về vấn đề này, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024 với chủ đề "Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam". 

Hội nghị gồm 2 phiên thảo luận chính:

Phiên 1: Thông tin về các vụ việc điều tra chống trợ cấp của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, đề xuất, kiến nghị từ phía cơ quan quản lý, ngành hàng.

Phiên 2: Vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong xử lý các vụ việc điều tra chống trợ cấp; Kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị đối với Việt Nam.

Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị...

An Chi