Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung. Về phía tỉnh Đắk Nông có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến; Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bá Út và đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành đến từ 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 nhằm tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2022, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2023 của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên; qua đó định hướng mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành Công Thương để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 3 tháng cuối năm 2023. Đây là điều kiện tốt để các địa phương tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần phát triển ngành Công Thương trong thời gian tới.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Với những đặc điểm, lợi thế cơ bản tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ IX, năm 2023 được tổ chức nhằm mục đích: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 và 09 tháng năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2023;
Thảo luận kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực;
Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực; Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cho biết: Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố, và là khu vực có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để giao thương nội vùng và với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma thông qua trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong đó ngành Công Thương đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ và đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy liên kết, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh nội vùng và liên vùng.
Bên cạnh những chia sẻ về công việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông mong rằng các cơ quan của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực cùng nhau thảo luận, mạnh dạn đề xuất kiến nghị, giải pháp để Lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo giải quyết chung, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh hiện nay của mỗi địa phương và xa hơn góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW định hướng phát triển vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ của Bộ Chính trị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết thêm: Tỉnh Đắk Nông là cửa ngõ, đầu mối giao thương giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp khai thác bô xít và luyện nhôm của cả nước (hiện tỉnh đóng góp khoảng 51% và Lâm Đồng đóng góp khoảng 49% sản lượng alumin của cả nước). Do đó, tỉnh đứng trước nhiều thời cơ cũng như thách thức để hiện thực hóa chiến lược phát triển của tỉnh, trong đó giải pháp thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Theo báo cáo tóm tắt của Ban tổ chức Hội nghị thì kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho thấy: Hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2023 của một số doanh nghiệp có quy mô tương đối, đóng góp chính vào ngành công nghiệp trong khu vực nhìn chung đều giảm sản lượng sản xuất, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm sâu, tác động đến chỉ số chung, bên cạnh đó một số tỉnh vấn giữ được đà tăng trưởng.
Tính đến tháng 9/2023, khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã có 11 Khu Kinh tế với tổng diện tích trên 304.383 ha; với 726 dự án đăng ký đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện 1.715.030 tỷ đồng, tạo việc làm cho 99.962 lao động. Các tỉnh trong khu vực đã quy hoạch phát triển 75 Khu Công nghiệp. Đến nay, có 240 CCN được thành lập với tổng diện tích 7.167 ha; có 193 CCN với tổng diện tích 5.779 ha đi vào hoạt động, thu hút 2.147 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký của các dự án là 51.791 tỷ đồng, tạo việc làm trên 90 nghìn lao động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực miền Trung - Tây Nguyên 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769.455 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ và đạt 73,9% kế hoạch năm 2023, hầu hết các tỉnh đều có tăng trưởng; Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11.609 triệu USD giảm 3,4% so với cùng kỳ và đạt 67% kế hoạch năm 2023. Trong đó, có 7/15 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8.064 triệu USD giảm 17,9% so với cùng kỳ và đạt 65,3% kế hoạch năm 2023.
Tính phát triển hạ tầng thương mại đến tháng 9/2023, đã thực hiện đầu tư: 1.710 chợ; 211 siêu thị; 42 Trung tâm thương mại; 3.481 cửa hàng xăng dầu; 4.942 cửa hàng LPG; 5 tổng kho hàng hoá; 05 trung tâm Logistic; 01 Trung tâm hội chợ triển lãm và 01 Kho ngoại quan.
Đặc biệt, kết quả thực hiện Tiêu chí số 4 về Điện và Tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới cho thấy: Tiêu chí số 4: Toàn vùng có 1.567/1.595 xã đạt chuẩn Tiêu chí số 4 về điện, chiếm 98,24% tổng số xã của vùng, cao hơn bình quân chung cả nước (94,7%); Tiêu chí số 7: Toàn vùng có 1.444/1.595 xã đạt chuẩn Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chiếm 90,53% tổng số xã của vùng, thấp hơn bình quân chung cả nước (95,7%).
Tại Hội nghị các đại biểu đã lắng nghe ý kiến phát biểu, tham luận của các địa phương, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị , Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, và Đắk Lắk về một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và đề xuất một số kiến nghị trong thẩm quyền của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững ngành Công Thương tại các địa phương; báo cáo Chính phủ các nội dung, giải pháp vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương.
Các kiến nghị đã được lãnh đạo Bộ lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cung cấp thêm thông tin về chính sách và đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; một số kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2017-2022 đã có nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Đại diện Cục Công Thương địa phương - Bà Tăng Thị Hòa, Chánh Văn phòng Cục Công Thương địa phương đã Công bố Quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Công Thương và trao bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2017-2022.
Cũng tại Hội nghị, toàn thể đại biểu thống nhất đề nghị trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương Khu vực miền Trung - Tây nguyên lần thứ X, năm 2024 cho Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị.
Vẫn còn một số hạn chế
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Năm 2022 và 9 tháng năm 2023, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị, biến động kinh tế khó dự báo, nhưng ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt được một số thành tựu nổi bật. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như:
Sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố trong khu vực chậm phục hồi, tăng trưởng còn thấp, thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Quy mô sản xuất và trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trong khu vực còn hạn chế, chưa có nhiều dự án lớn được đầu tư với công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao tạo động lực phát triển của vùng. Sản phẩm chế biến thô và gia công còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của vùng.
Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, ở trong nước, do nền kinh tế có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế và vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 đã tác động đến sức mua, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại thị trường trong nước, đòi hỏi trong thời gian tới cần tiếp tục có các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Công tác xây dựng quy hoạch ngành (quy hoạch điện VIII, quy hoạch năng lượng quốc gia, quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch hạ tầng xăng dầu và khí đốt) kéo dài do phát sinh những yếu tố mới cần phải tuân thủ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình; các quy hoạch có nội dung đan xen, phụ thuộc lẫn nhau khiến quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành bị chậm.
Bên cạnh đó, hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương còn hạn chế, chưa có sự phối hợp đồng bộ, hợp tác liên kết liên doanh giữa các doanh nghiệp trong khu vực để hình thành các trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển của toàn vùng, chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù riêng đối với vùng nên chưa khuyến khích, phát huy được tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại.
Và để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: