Khu vực miền Trung - Tây Nguyên (MT-TN) là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với các ngành công nghiệp chủ lực như: lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
Phát huy những lợi thế tiềm năng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực MT-TN đã không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp và thương mại đã đề ra, trong đó phải kể đến công tác triển khai các hoạt động khuyến công, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.
Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của công tác khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp tại khu vực nông thôn đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển sản xuất để thích nghi với bối cảnh mới. Các đề án triển khai trong năm 2022 phù hợp với mục tiêu Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025; tổ chức thực hiện sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả cao, giúp các doanh nghiệp, cơ sở tháo gỡ khó khăn, bắt nhịp với sự phát triển trong tình hình mới, tiếp tục góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phê duyệt 78,7 tỷ đồng kinh phí khuyến công
Bước sang năm 2023, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống khuyến công từ trung ương đến địa phương bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn để tập trung tổ chức thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công ngay sau khi được phê duyệt, giao kinh phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương (CTĐP), năm 2023, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là 78,7 tỷ đồng, cao hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2022 (72,5 tỷ đồng), trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) giao theo kế hoạch 28,4 tỷ đồng, chiếm 36,1% kinh phí khuyến công toàn vùng; Kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) giao theo kế hoạch 50,3 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng kinh phí KCĐP kế hoạch năm 2023 (205,7 tỷ đồng) và chiếm 63,9% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Kinh phí toàn vùng đã thực hiện trong 9 tháng năm 2023 đạt 45,9 tỷ đồng, đạt 58,3% kế hoạch năm, cao hơn 85,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh phí KCQG thực hiện 18,3 tỷ đồng đạt 64,4% kế hoạch năm; Kinh phí KCĐP thực hiện 27,6 tỷ đồng đạt 54,9% kế hoạch năm.
Kết quả 9 tháng năm 2023, kinh phí khuyến công đã thực hiện hỗ trợ được 02 mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 129 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 03 cơ sở CNNT được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Kinh phí thực hiện 22,9 tỷ đồng, đạt 51,1% kế hoạch năm. Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT được 312 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cho 151 lượt cơ sở CNNT; hỗ trợ đăng ký xây dựng đăng ký thương hiệu cho 09 cơ sở CNNT; 03 cơ sở CNNT được hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm ...; kinh phí thực hiện trên 10,7 tỷ đồng, đạt 72,3% kế hoạch năm.
Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp được phân bổ là 500 triệu đồng, chiếm 0,63% kinh phí khuyến công toàn vùng. Cùng với đó đã có 30 học viên được đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; tổ chức được 03 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 120 đại biểu; kinh phí thực hiện 0,7 tỷ đồng, đạt 58,3% kế hoạch.
Đồng thời, chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công đã giải ngân được 6,4 tỷ đồng, đạt 60,4% so với kế hoạch. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp đã tư vấn cho 80 dự án, với doanh thu đạt trên 08 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đại diện Cục Công Thương địa phương công tác khuyến công ở 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là khu vực sản xuất trong nước dần lấy lại đà tăng trưởng, trong đó các doanh nghiệp, cơ sở CNNT cũng không nằm ngoài dòng chảy chung. Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của chính sách khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển sản xuất, kinh doanh để thích nghi với tình hình mới.
Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với các hoạt động khuyến công được tăng cường, đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho chương trình khuyến công là thực hiện tốt việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Hoạt động khuyến công được triển khai đa dạng, trong đó các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm CNNT tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh, đã khuyến khích các cơ sở thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương.
Tuy nhiên, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch còn chậm so với quy định. Các địa phương nhìn chung còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa bố trí phương tiện làm việc cho đơn vị gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là ở các địa bàn rộng lớn. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tuy tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh xong hiệu quả chưa cao.
Nhiều giải pháp hoàn thành kế hoạch khuyến công
Từ kết quả thực hiện kế hoạch 9 tháng năm 2023, 3 tháng cuối năm 2023, tình hình kinh tế thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, với những thời cơ thuận lợi đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành kế hoạch khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực MT-TN năm 2023, trong các tháng còn lại Cục Công Thương địa phương đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chính sau:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021-2025; Công văn số 3384/BCT-CTĐP ngày 15/6/2022 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn.
Thứ hai, về năng lực tổ chức bộ máy: Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định về công tác khuyến công để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2023. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các đề án KCQG trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và nội dung hợp đồng đã ký.
Thứ ba, về kinh phí: Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án KCQG, tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí đối với các hợp đồng đã ký. Sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, đúng yêu cầu và đảm bảo các quy định hiện hành. Sở Công Thương tham mưu UBND cấp tỉnh tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn; có sự hài hòa giữa ngân sách địa phương và trung ương trong hỗ trợ khuyến khích phát triển CNNT. Chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển CNNT.
Thứ tư, về công tác phối hợp hoạt động: Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt các nội dung về khuyến công giữa Bộ Công Thương với các địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công.
Thứ năm, về triển khai các nội dung hoạt động khuyến công: Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công quy định tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg; trong đó tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, phát triển sản phẩm CNNT; các nội dung giúp cơ sở CNNT tiếp cận với chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nâng cao năng lực tư vấn phát triển CNNT của các tổ chức dịch vụ công, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn.
Thứ sáu, về công tác thông tin tuyên truyền: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế chính sách đối với hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp, thương mại. Tăng cường các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông.
Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên (MT-TN) gồm 15 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.