6 tháng đầu năm 2023, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 53,2 tỷ đồng, đạt 30,02% kế hoạch năm, cao hơn 131,1% so với cùng kỳ. Từ nay tới cuối năm, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công trong khu vực nỗ lực tìm giải pháp phù hợp trong triển khai thực hiện.
Tỷ lệ giải ngân các đề án còn thấp
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, nguyên nhân để việc hoàn thành kế hoạch thực hiện đề án khuyến công còn thấp là do công tác xây dựng kế hoạch, chất lượng đề án khuyến công của một số địa phương còn hạn chế. Còn ít các đề án quy mô, có tính lan tỏa, tương xứng với tiềm năng của khu vực phía Bắc với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước và có nhiều lợi thế cho phát triển công nghiệp.
Mặt khác, tiến độ phân bổ ngân sách còn chậm ảnh hưởng đến tính kịp thời và hiệu quả hỗ trợ đối với các đối tượng thụ hưởng. Việc triển khai đề án khuyến công ở một số địa phương chưa thực sự bám sát cơ sở, dẫn đến có đề án không kịp điều chỉnh, phải ngừng thực hiện, kinh phí trả lại ngân sách nhà nước. 6 tháng năm 2023, tỷ lệ giải ngân các đề án còn thấp.
Cơ sở vật chất, đặc biệt một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công chưa được quan tâm bố trí phương tiện hoạt động tiếp tục là điểm hạn chế trong triển khai nhiệm vụ trên các địa bàn rộng lớn. Lực lượng cán bộ, cộng tác viên khuyến công ở cấp huyện, xã còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Sau khi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành với kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trong đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian qua, các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của một số địa phương được quan tâm đẩy mạnh, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh nhiều địa phương đã quan tâm bố trí tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến công, vẫn còn một số tỉnh, thành phố có mức kinh phí khuyến công địa phương rất thấp, khó tạo được “cú huých” từ chính sách để lôi cuốn các nguồn lực cho phát triển công nghiệp nông thôn.
7 nhiệm vụ để hoàn thành kế hoạch khuyến công
Để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2023, Cục Công Thương địa phương đã chỉ rõ những nhiệm vụ để các địa phương thực hiện.
Một là, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương; tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021 - 2025; Thực hiện Văn bản số 3384/BCT-CTĐP về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn...
Hai là, đánh giá tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ở quy mô toàn quốc, dự kiến vào tháng 12/2023, các Sở Công Thương, UBND cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn cần tập trung rà soát, nhận diện đầy đủ những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai các nội dung hoạt động khuyến công thời gian qua; nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho Bộ Công Thương hướng đi, nội dung mới trong Nghị định mới quy định về hoạt động khuyến công.
Ba là, Sở Công Thương tiếp tục xác định rõ vai trò là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; phối hợp chặt chẽ các Sở ngành liên quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công. Kiện toàn tổ chức theo hướng giữ nguyên đơn vị sự nghiệp thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ về khuyến công để đảm bảo thực hiện hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành Công Thương theo quy định của pháp luật. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả: đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.
Bốn là, tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2024; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án.
Năm là, thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2024, tiếp tục đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Sáu là, triển khai các nhiệm vụ khuyến công theo mục tiêu phát triển công nghiệp vùng được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho các vùng trong khu vực phía Bắc. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công; tăng mạnh số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia chương trình. Chú trọng tăng cường các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương.