Cục Công Thương địa phương: 20 năm không ngừng phát huy vai trò cầu nối

Chiều 3/7/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Cục. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, lãnh đạo các đơn vị Bộ Công Thương, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương qua các thời kỳ cùng tham dự.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao tặng Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho tập thể Cục Công Thương địa phương

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao tặng bằng khen cho tập thể Cục Công Thương địa phương
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao tặng Cờ thi đua của Bộ Công Thương và bằng khen của Bộ trưởng cho tập thể Cục Công Thương địa phương

Nhiều kết quả ấn tượng trên hành trình 20 năm phát triển

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho rằng, trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Cục Cục Công Thương địa phương đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng, hoà chung dòng chảy của toàn ngành Công Thương, góp phần mang lại những giá trị phát triển mới cho đất nước. 

Từ những ngày đầu thành lập, trong điều kiện khó khăn thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến nguồn lực con người, từ phương tiện làm việc đến công cụ chính sách, Cục Công nghiệp địa phương khi đó chỉ với 6 công chức, đã cùng nhau bước những bước đầu tiên trong tiến trình phát triển công nghiệp địa phương bằng tinh thần đoàn kết, thống nhất, nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng nền tảng quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tại các địa phương.

công thương địa phương
Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại buổi Lễ

Với phương châm hành động “Bắc cầu đi tới thành công” thể hiện sự nhất quán, kiên định trong đường lối phát triển công nghiệp của Đảng và Nhà nước; Cục xác định rõ vai trò cầu nối giữa Bộ với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ chung của Ngành và chung tay vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 20 năm qua, hòa cùng dòng chảy của lịch sử, đáp ứng từng giai đoạn phát triển của ngành Công Thương và đất nước, Cục Công Thương địa phương đã trải qua các lần điều chỉnh chức năng nhiệm vụ và tổ chức lại bộ máy.

Tuy nhiên, dù ở bất cứ giai đoạn nào, với tên gọi có thể không giống nhau, Cục Công Thương địa phương vẫn là cơ quan tham mưu, khẳng định vị trí quan trọng trong việc kết nối hiệu quả những nhịp cầu phát triển giữa Bộ Công Thương và các địa phương.

Với nhiệm vụ của một đơn vị đầu mối theo dõi hoạt động quản lý nhà nước về công nghiệp - thương mại của các địa phương, Cục đã tham mưu các giải pháp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Công Thương, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển công nghiệp, thương mại của Bộ, của khu vực và từng địa phương thông qua các hoạt động: thu thập thông tin, số liệu về tình hình phát triển công thương địa phương, nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị; Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; có ý kiến đối với văn kiện đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố qua các nhiệm kỳ…

Cũng theo ông Ngô Quang Trung, 20 năm qua, có thể khẳng định, công tác khuyến công đã xác lập những bước đi quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại khu vực nông thôn; góp phần giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2004-2023, chương trình khuyến công quốc gia đã đào tạo nghề cho hơn 100.000 lao động nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 500 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 1.750 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; gần 6.000 cơ sở tham gia các hội chợ triển lãm; tư vấn cho hàng trăm cơ sở đưa ra giải pháp nâng cao năng lực sản xuất; lập quy hoạch chi tiết cho 37 cụm công nghiệp tại các địa bàn khó khăn để thu hút đầu tư; đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp cho hơn 21.000 học viên; tổ chức nhiều đoàn công tác học tập, nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp tại nước ngoài...

Việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện trong cả nước từ quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, hoạt động trong cụm công nghiệp, đồng thời, chấn chỉnh việc phát triển cụm công nghiệp tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp.

Tính đến hết năm 2022, cả nước đã thành lập 1.084 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 39.000 ha; trong đó có 734 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 23.300 ha đi vào hoạt động; thu hút hơn 13.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 64,8%, tạo việc làm cho trên 776.000 lao động.

Phát triển tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp được quan tâm triển khai mạnh mẽ. Cục đã tập trung phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm những biện pháp, hướng đi phù hợp, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và từng bước xây dựng cơ chế, chính sách; tham mưu Bộ Công Thương công nhận nhiều tổ chức và cá nhân vào mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương.

Đối với việc tham mưu Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách của các chương trình. Đặc biệt, qua hơn 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Cục phối hợp tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành các văn bản quan trọng để thực hiện các tiêu chí được phân công theo dõi, như: Tiêu chí số 4 tiêu chí số 7 và chỉ tiêu về cụm công nghiệp trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tặng Bằng khen, kỷ niệm chương cho các cá nhân

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tặng Bằng khen, kỷ niệm chương cho các cá nhân
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tặng Bằng khen, kỷ niệm chương cho các cá nhân

Cầu nối giữa Bộ Công Thương với địa phương

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, với sức trẻ của tuổi 20, Cục Công Thương địa phương có vai trò hết sức quan trọng, đã giúp Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phát triển các cụm công nghiệp đến với các địa phương, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn đạt hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm.

Đồng thời, khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, góp phần to lớn vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Cục cũng thể hiện được vai trò cầu nối Sở Công Thương các tỉnh, thành phố với Bộ Công Thương trong những năm qua.

công thương địa phương
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

 

Theo ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, sự ra đời và từng bước phát triển của Chương trình khuyến công quốc gia, chính sách phát triển cụm công nghiệp… định hình cơ chế, chính sách phù hợp, rất cần thiết cho phát triển công nghiệp.

Đây là dấu ấn đậm nét nhất, đóng góp quan trọng cho công nghiệp, thương mại của Kiên Giang nói riêng và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung trong suốt 20 năm qua.

"Đó cũng chính là nguồn động viên, khuyến khích quý báu, giúp cho cùng địa phương phấn khởi, tự tin trên con đường trưởng thành và phát triển", ông Trương Văn Minh chia sẻ.

công thương địa phương
Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang

Năm nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn mới

Ghi nhận những kết quả của Cục Công Thương địa phương trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, 20 năm chưa phải là dài đối với sự phát triển của một đơn vị chức năng thuộc Bộ, song Cục Công Thương địa phương đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước khẳng định vị trí quan trọng và trở thành cầu nối, liên kết chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các địa phương trong cả nước.

Các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Cục đã luôn đoàn kết, sáng tạo, tích cực, nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nổi bật là, đã làm khá tốt công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực được giao, nhất là trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp, tạo hành lang pháp lý thống nhất trong cả nước từ khâu quy hoạch, quyết định thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và quản lý hoạt động sản xuất trong Cụm, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn.

Chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình và kịp thời tham mưu, đề xuất các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại ở các vùng, miền, địa phương; đồng thời, là lực lượng thường trực, đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về khuyến công, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia, tạo đòn bẩy huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương.

Tích cực phối hợp tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tập thể và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Ngành cũng như góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong cả nước.

công thương địa phương
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi lễ

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới nhằm đưa nước ta trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, tạo tiền đề quan trọng để đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Cục Công Thương địa phương chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ; nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan đến phát triển công nghiệp, thương mại địa phương. Chú trọng nâng cao chất lượng và tính chủ động trong tham mưu xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, nhất là tham mưu sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại địa phương.

Hai là, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ; chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình quốc tế, trong nước và hoạt động công nghiệp, thương mại ở từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, chủ động, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong công tác hoạch định các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển công nghiệp, thương mại ở địa phương, bảo đảm phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý và Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ba là, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khuyến công quốc gia theo chuỗi ngành hàng và chuyển đổi số; chủ động tham mưu kết hợp hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước với động viên, huy động các nguồn lực xã hội, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ, khuyến khích phát triển những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Bốn là, chú trọng hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý, phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các DN, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ; tập trung xây dựng, phát triển mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Chính phủ và Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân.

Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy vai trò của cấp ủy, các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Thăng Long