Cục Công Thương địa phương: 7 nhiệm vụ trọng tâm bám sát yêu cầu thực tế

Cục Công Thương địa phương được định hình là tổ chức thuộc Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (bao gồm làng nghề tiểu thủ công nghiệp); khuyến công; cụm công nghiệp; doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa; tổng hợp chung tình hình phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương trong cả nước.

Ngày 04/7/2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 115/2003/QĐ-BCN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghiệp địa phương, nay là Cục Công Thương địa phương. Đây được xem là thời điểm Cục Công Thương địa phương ra đời, thống nhất lấy ngày 04 tháng 7 năm 2003 là ngày thành lập Cục.

Luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao

Liên tục trong các năm, Cục đã xây dựng nhiều loại văn bản quan trọng; tính từ năm 2004 đến nay, Cục Công Thương địa phương đã chủ trì xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành 31 văn bản, bao gồm: 04 Nghị định của Chính phủ; 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 04 Thông tư liên tịch của Bộ Công Thương và các bộ, ngành; 03 Chỉ thị của Bộ Công nghiệp và Bộ Công Thương; 13 Thông tư của Bộ Công nghiệp và Bộ Công Thương; 06 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong đó có: 21 văn bản về hoạt động khuyến công; 08 văn bản về quản lý cụm công nghiệp và 03 văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tiêu chuẩn lãnh đạo Trung tâm Khuyến công cấp tỉnh, quy định công nhận tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương.

Công tác xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng kịp thời với chủ trương, đường lối và nhu cầu của xã hội; đảm bảo tính hợp hiến hợp pháp, tính khả thi trong quá trình thực hiện; sát với yêu cầu thực tế, phù hợp với nhiều đối tượng; đáp ứng kịp thời với yêu cầu công tác quản lý nhà nước…

cục công thương địa phương
20 năm qua, Cục Công Thương địa phương đã đồng hành với các đơn vị trong và ngoài ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố

Đến nay, trên các lĩnh vực công tác theo dõi tình hình phát triển công nghiệp, thương mại, quản lý và triển khai hoạt động khuyến công, công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, công tác theo dõi, quản lý phát triển cụm công nghiệp, công tác phát triển tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp, giúp Ban Chỉ đạo của Bộ triển khai các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… luôn đảm bảo.

20 năm qua, Cục Công Thương địa phương đã đồng hành với các đơn vị trong và ngoài ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cùng sự thống nhất, đoàn kết, nỗ lực cao của tập thể công chức, viên chức, người lao động, Cục CTĐP đã đạt được những thành công nhất định, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Cùng với thời gian, Cục Công Thương địa phương ngày càng tạo dựng được niềm tin, khẳng định vai trò, vị trí và sự tin tưởng của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ về tất cả các nhiệm vụ Cục Công Thương địa phương được giao góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của Ngành Công Thương.

Cục Công Thương địa phương đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba, Thủ tướng chính phủ tặng cờ thi đua các năm 2005, 2020, cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nhiều năm và các phần thưởng khác; nhiều cá nhân đã được Chủ tịch tặng Huân chương lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương Bằng khen do có nhiều thành tích đóng góp vào quá trình phát triển của Cục. Đây là niềm vinh dự và tự hào của toàn thể công chức, viên chức, người lao động Cục.

Triển khai 7 nhiệm vụ nội dung bám sát yêu cầu thực tế

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đặt ra những yêu cầu mới, nặng nề hơn cho ngành Công Thương nói chung và Cục Công Thương địa phương nói riêng. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, cán bộ của Cục Công Thương địa phương nỗ lực hơn nữa, tập trung triển khai nội dung bám sát yêu cầu thực tế. Theo đó, Cục Công Thương địa phương tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục về: Khuyến công, cụm công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa …; trước mắt là việc xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và tiến hành việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 45/2012/NĐ-CP.

Hai là, tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, phát triển công nghiệp, thương mại. Đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Cục CTĐP.

Tiếp tục phối hợp với các Sở Công Thương chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện “Hội nghị ngành Công Thương, Hội nghị công tác Khuyến công, Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của ngành Công Thương, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các công trình, dự án ngành công nghiệp có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền.

Tiếp tục phối hợp với các Sở Công Thương triển khai các Nghị quyết về phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất công nghiệp; xây dựng các chương trình làm việc để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác phối hợp, chỉ đạo đối với các địa phương.

Phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các Sở Công Thương và doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh các sản phẩm có lợi thế. Chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thông báo kết luận của Lãnh đạo Bộ tại các buổi làm việc với các tỉnh, thành phố nhằm kịp thời giải quyết vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

cục công thương địa phương
Đổi mới công tác khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số

Ba là, phát huy những kết quả đạt được của hoạt động khuyến công trong những năm qua, tập trung nghiên cứu hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên cơ sở những yêu cầu, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đổi mới công tác khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số”.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; qua đó ghi nhận, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, phối hợp UBND cấp tỉnh chỉ đạo quản lý chặt chẽ, đúng quy định về quản lý, phát triển CCN; có ý kiến đối với Phương án phát triển CCN và Quy hoạch tỉnh của các địa phương đảm bảo chất lượng, đúng quy định; tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp, chính sách, pháp luật, hiệu quả quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hàng năm xây dựng kế hoạch hoạt động phát triển cụm công nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, phát triển cụm công nghiệp cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức có liên quan.

Năm là, tập trung xây dựng đề án giải pháp phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở, cho việc  đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CN-TTCN;  thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung xây dựng, phát triển mạng lưới tư vấn viên ngành Công Thương hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi  Nghị quyết số số 45/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tiêu chí số 4 và số 7 tại các địa phương để hướng dẫn, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, tìm biện pháp giải quyết trong triển khai thực hiện. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện tiêu chí số 4 về điện, tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, một số chỉ tiêu thuộc tiêu chí số 6 về kinh tế và tham gia triển khai thực hiện tiêu chí có liên quan khác trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ biên soạn tài liệu và tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới.

Bảy là, đẩy mạnh công tác truyền thông cho các hoạt động: Khuyến công, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp và các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ; không ngừng xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ, phối hợp công tác chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hữu quan trong và ngoài Bộ; đặc biệt là các địa phương nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thăng Long