Qua đó, tỉnh Quảng Trị đã tạo ra phong trào mới trong khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Từ hoạt động công tác khuyến công, nguyên liệu của bà con nông dân được thu mua nhiều hơn, hàng hoá ngày càng được làm ra nhiều hơn, chất lượng cao hơn và mẫu mã được quan tâm hơn. Thị trường ngày được rộng mở, một số sản phẩm đã vươn ra thị trường nước ngoài… điều này đều có dấu ấn của chương trình khuyến công các cấp.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công hiện nay chỉ tập trung vào một số ít nội dung hoạt động trong chương trình, số nội dung khác hầu như không triển khai hoặc rất hạn chế bởi không còn phù hợp với điều kiện hiện tại hay gặp ít nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thực trạng đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đã nêu giải pháp để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công.
Thứ nhất, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công thì đây là thời điểm phù hợp để triển khai đánh giá lại các nội dung, chương trình của hoạt động khuyến công.
Nếu nhìn cụ thể có thể thấy, theo thời gian một số nội dung hoạt động không phù hợp, khó thực hiện trong thực tế hoặc thiếu cơ sở để vận dụng. Ví dụ, hoạt động đào tạo nghề cho lao động gắn với nhu cầu tay nghề doanh nghiệp nhưng phải thực hiện theo quy định đào tạo nghề sơ cấp của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã giảm sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp; hoạt động khởi sự doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu chứng từ thanh toán; mức hỗ trợ cho bảo hộ thương hiệu, điểm trưng bày sản phẩm CNNT tiêu biểu không có sức hấp dẫn bằng một số chương trình của bộ, ngành khác; hỗ trợ lãi suất di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp khó có cơ sở tính toán hỗ trợ; xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường yêu cầu nhiều giấy tờ, thủ tục liên quan; áp dụng sản xuất sạch hơn vào công nghiệp đã được thay thế bằng chương trình mới, trong khi chưa có hướng dẫn; công tác đào tạo, tập huấn định mức thuê giảng viên thấp; hoạt động tư vấn không có hướng dẫn cụ thể…
Các hoạt động khuyến công hiện nay thường chỉ tập trung vào một số nội dung là xây dựng mô hình trình diễn; chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị; tổ chức, tham gia hội chợ; bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu…
Do đó, cần có sự đánh giá cụ thể để trình Chính phủ điều chỉnh một số nội dung của chương trình, trong đó nội dung nào không còn hiệu quả thì không thực hiện, nội dung nào thiết thực, gắn với nhu cầu thực sự của doanh nghiệp nhưng cần phải có sự điều chỉnh phù hợp thì cho cơ chế mới, những nội dung phù hợp với xu thế hiện nay thì bổ sung.
Song song với đó, cần rà soát những quy định pháp luật liên quan có điều chỉnh đến các nội dung, bước tiến hành thực hiện đề án khuyến công nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động khuyến công.
Thứ hai, việc xây dựng lại và hướng dẫn cụ thể từng nội dung hoạt động khuyến công.
Thông tư số 36/2013/TT-BCT Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia và Thông tư số 17/2018/TT-BCT ngày 10/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT để làm cơ sở triển khai các đề án.
Tuy nhiên, các nội dung hướng dẫn này cũng chưa đầy đủ, toàn diện trong điều kiện hiện nay. Ví dụ, nội dung đào tạo nghề chưa có hướng dẫn việc cấp chứng nhân tay nghề sau khi đào tạo như thế nào; di dời cơ sở gây ô nhiễm vào môi trường thì việc thẩm định, định giá chi phí đầu tư nhà máy, tài sản của doanh nghiệp thực hiện ra sao; những nội dung yêu cầu khác đối đề án ứng dụng máy móc thiết bị chưa được hướng dẫn (như vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy…); áp dụng sản xuất sạch hơn đã được thay thế bằng chương trình mới nhưng chưa được hướng dẫn chi tiết…
Bên cạnh đó, các địa phương chưa có sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện các đề án, thậm chí đôi khi một số đề án giống nhau về nội dung nhưng có các yêu cầu ràng buộc kèm theo khác nhau, điều này dễ dẫn đến việc vận dụng tại địa phương thường theo cảm tính, một số doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận được với sự hỗ trợ khuyến công còn nhiều khó khăn. Do đó, việc xây dựng, chuẩn hoá, hướng dẫn lại chi tiết từng nội dung của hoạt động khuyến công là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, việc nâng cao chất lượng bộ máy khuyến công cấp tỉnh và xây dựng các định mức, cơ chế thực hiện.
Các quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã gây nên áp lực tương đối lớn đối với một số đơn vị có quy mô biên chế nhỏ như Quảng Trị.
Việc tăng thêm biên chế hưởng lương ngân sách trong giai đoạn hiện nay là hầu như không thể. Do đó, để đảm bảo các yêu cầu thì việc thực thi các hoạt động có thu phí, lệ phí là một phần nhằm giải quyết các vấn đề về bộ máy cho giai đoạn tiếp theo. Để thực hiện được nhiệm vụ này trước hết cần có định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ khuyến công các cấp. Đây chính là cơ sở pháp lý cần thiết và quan trọng cho lộ trình đi đến tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động khuyến công.
Cho đến nay, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn và nhiều ý kiến khác nhau (được biết hầu hết các tỉnh, thành phố chưa triển khai nội dung này). Phía Bộ Công Thương đã có dự thảo nhưng nhìn chung nếu để được triển khai vào thực tế còn nhiều thời gian và hướng dẫn.
Đây là những công việc rất cần nhằm ổn định tổ chức bộ máy cho các địa phương, qua đó giúp nâng cao hơn chất lượng và phát huy được hiệu quả trong công tác khuyến công.