Sóc Trăng: 6 giải pháp nâng cao chất lượng công tác khuyến công

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch khuyến công 2023 trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện 18 đề án.

Trong đó, chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 02 đề án với số tiền hỗ trợ 2.620 triệu đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp là 3.422,2 triệu đồng; Chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 16 đề án với số tiền hỗ trợ 2.250 triệu đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp 1.978,092 triệu đồng.

khuyến công

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, Hộ kinh doanh cơ sở Hiệp Phong đã đầu tư máy móc vào chế biến thực phẩm. Qua đó đáp ứng tốt công suất sản xuất 240 tấn/năm (tăng gấp 02 lần so với hiện trạng)

Tính đến 09 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng (Trung tâm) đã hoàn thành nghiệm thu 03 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia thực hiện đề án nhóm, gồm: 

- Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến thực phẩm” từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 2.014,9 triệu đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 900 triệu đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng là 1.114,9 triệu đồng.

- Đề án Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với tổng kinh phí 2.100 triệu đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1.120 triệu đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị là 980 triệu đồng;

Trung tâm cũng hoàn thành nghiệm thu 06 đề án Khuyến công địa phương với tổng kinh phí 1.961,56 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 869,9 triệu đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng là 1.091,7 triệu đồng.

Các hoạt động khuyến công đã thực hiện tốt mục tiêu huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, Trung tâm cũng nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhằm củng cố thị trường trong nước và phát triển thị trường ngoài nước. Hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy đạt được một số thành tích đáng khích lệ nhưng nhìn chung hoạt động khuyến công vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kinh phí thực hiện kế hoạch khuyến công năm được duyệt chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các đề án khuyến công; kế hoạch khuyến công thực hiện các năm đều có điều chỉnh.

Cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định, quản lý năng lực tài chính và quản trị còn hạn chế nên gặp khó khăn trong tiếp cận chính sách khuyến công.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động khuyến công tuy đã được tăng cường nhưng ở một số địa phương còn chưa quan tâm đầy đủ. Công tác tuyên truyền về khuyến công tại một số địa phương chưa được chú trọng.

Việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tại Hộ kinh doanh Công Thành Tâm đã giúp tăng tăng gấp đôi công suất sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời tăng giá sản xuất công nghiệp tại địa phương
Việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tại Hộ kinh doanh Công Thành Tâm đã giúp tăng tăng gấp đôi công suất sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời tăng giá sản xuất công nghiệp tại địa phương

Để đạt được mục tiêu hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2023 và nâng cao chất lượng công tác khuyến công những năm tiếp theo, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đề ra 6 giải pháp trọng tâm cần thực hiện:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công cho các cơ sở công nghiệp nông thôn và các sở, ngành, địa phương nhằm nâng cao nhận thức về hiệu quả từ hoạt động khuyến công.

Thứ hai, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố và các đơn vị thụ hưởng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án khuyến công năm 2023.

Thứ tư, Tăng cường khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu và có giải pháp hỗ trợ thích hợp; Khuyến khích các cơ sở CNNT nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực làm công tác khuyến công cho cán bộ tại các xã, phường, thị trấn.

Thứ sáu, tăng cường rà soát, nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản thực hiện chính sách khuyến công phù hợp với tình hình mới, điều kiện thực tế của địa phương.

Hoàng Dương