Nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sau ảnh hưởng của dịch, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng (Trung tâm) thông qua nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ đặc biệt là tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư trang thiết bị khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, năm 2022, hỗ trợ 16 cơ sở CNNT thực hiện 15 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, trong đó thực hiện 02 đề án khuyến công quốc gia, 13 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí thực hiện là 5.839,093 triệu đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 900 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 1.755 triệu đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp 3.184,093 triệu đồng.
Bên cạnh công tác hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị để phục hồi sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng còn thực hiện một số nội dung: Vận động, hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các kỳ hội chợ triển lãm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT.
Tuy nhiên, đến nay Trung tâm vẫn chưa được giao tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 do chưa thể xây dựng được định mức - kinh tế kỹ thuật. Một số đơn vị gặp khó khăn về tài chính do tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đầu tư mua sắm máy móc thiết bị.
Từ thực tế trên, Trung tâm kiến nghị Cục Công Thương địa phương đề xuất Bộ Công Thương ban hành quy định cụ thể đối với việc hỗ trợ hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, từng bước hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện.
Kiến nghị Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực khuyến công để các địa phương có cơ sở xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực khuyến công.
Đặc biệt, nhằm hoàn thành tốt kế hoạch khuyến công năm 2022 và nâng cao chất lượng công tác khuyến công những năm tiếp theo, Trung tâm đề ra một số giải pháp như: Tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nhằm kịp thời nắm bắt nhu cầu hỗ trợ và tư vấn cho các cơ sở CNNT thuận lợi tiếp cận các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất công nghiệp.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công bằng nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ phát triển công nghiệp đến các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài ra, Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng cạnh tranh thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhằm củng cố thị trường trong nước; đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường nước ngoài; Hỗ trợ cho các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ phù hợp để nâng cao năng lực sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực sẵn có.
Cùng với đó, tăng cường khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu và có giải pháp hỗ trợ thích hợp. Khuyến khích các cơ sở CNNT nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Thường xuyên rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và các sản phẩm OCOP phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ động đề xuất điều chỉnh khi xây dựng Kế hoạch khuyến công hằng năm phù hợp với thực tế để nângcao hiệu quả của Chương trình, trong đó tập trung vào các nội dung mới có sức lan tỏa và tác động lớn đến phát triển CNNT.
Đồng thời, đảm bảo cân đối bố trí kinh phí khuyến công hằng năm đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu hoạt động khuyến công để triển khai thực hiện Chương trình một cách có hiệu quả nhất. Chủ động, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan tham gia vào chương trình khuyến công để hỗ trợ cho các cơ sở CNNT.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT giúp cho các cơ sở CNNT cập nhật, bổ sung những kiến thức sản xuất, kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị, chất lượng cao.
Trung tâm sẽ tiếp tục tranh thủ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để xây dựng các đề án nhóm, đề án điểm hỗ trợ cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính thẩm mỹ về bao bì nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, kịp thời hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm hoàn thành các đề án theo đúng nội dung, mục tiêu và thời gian quy định.