Trong năm 2021, Trung tâm khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương lập đề án khuyến công đúng đối tượng, đúng mục đích hoạt động khuyến công. Kết quả trình UBND tỉnh phê duyệt và giải ngân kinh phí với 15 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh trên 3,237 tỷ đồng (Trong đó hỗ trợ các cơ sở CNNT, cơ sở tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, Chương trình OCOP ứng dụng thay đổi máy móc thiết bị thuộc các nhóm ngành nghề như: Chế biến thực phẩm 10 cơ sở, thủ công mỹ nghệ 04 cơ sở, sản xuất phân bón 01 cơ sở).
Trong năm 2022 (đợt 1) với tổng kinh phí đề nghị xem xét hỗ trợ trên 1,9 tỷ đồng (với các ngành nghề sản xuất rượu 02 cơ sở, chế biến thực phẩm 05 cơ sở, sản xuất công cụ cơ khí phục vụ nông thôn 01 cơ sở) thuộc các địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Hiệu quả của đề án đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất góp phần làm tăng doanh thu của cơ sở, hoạt động sản xuất ổn định, bền vững, thời gian thu hồi vốn nhanh. Sản phẩm được đa dạng hoá, nâng cao năng suất, giảm chi phí, rút ngắn thời gian sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, tính thẩm mỹ cao, thời gian bảo quản sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, việc ứng dụng máy móc, thiết bị mới làm giảm hao phí năng lượng, giảm phát thải môi trường,…
Ngoài ra, thông qua việc hỗ trợ từ chính sách khuyến công, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng ổn định, hiệu quả. Sản phẩm mới đạt uy tín chất lượng, mở rộng thị trường, đa dạng các kênh phân phối. Cùng với đó, các cơ sở luôn tuân thủ các quy định liên quan về sản xuất kinh doanh là điều kiện để phát triển bền vững, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ, Ngành Công Thương luôn chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương thông qua website, sàn thương mại điện tử, các Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; Kết nối cơ sở,doanh nghiệp ở các tỉnh trong khu vực tham quan học tập những mô hình triển khai chính sách khuyến công đạt hiệu quả cao ở các địa phương ... Chính những hoạt động đó, đã góp phần tạo động lực, hỗ trợ cơ sở phát triển mở rộng thị trường, đa dạng kênh phân phối, kích thích thị hiếu người tiêu dung thông qua ứng dụng công nghệ số.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế của cơ sở, doanh nghiệp cũng như sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm OCOP ngày càng đi vào lòng người tiêu dùng từ kiểu dáng, thương hiệu đến chất lượng sản phẩm, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các Ngành chức năng về công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chủ động hơn trong việc cạnh tranh phát triển, quảng bá sản phẩm, đấy mạnh ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử,… Tham gia 03 cuộc Hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm CNNT, sản phẩm OCOP tại Ninh Thuận, Trà Vinh, Tây Ninh. Đồng thời, giới thiệu, thông tin hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bản tỉnh tham gia các cuộc Hội chợ, triển lãm trong tỉnh và ở các tỉnh như Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Sóc Trăng,…
Trong mục tiêu Kế hoạch năm 2022, Trung tâm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các cơ sở, doanh nghiệp và đẩy mạnh hỗ trợ sản phẩm tiềm năng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hệ thống phân phối, tạo động lực để cơ sở, doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển bền vững trong thời gian tới.