Trong những năm qua, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức... ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức hoạt động khuyến công.
Tuy nhiên, được sự chỉ đạo của Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch và giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.
Trong đó, hoạt động khuyến công cũng từng bước khẳng định vai trò quan trọng là cầu nối, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), góp phần tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ kết quả thực tiễn đạt được trong quá trình triển khai công tác khuyến công, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất: Tập trung tham mưu ban hành mới, sửa đổi bổ sung đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác khuyến công tại địa phương; tạo hành lang pháp lý về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầy đủ và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; từ đó các cơ sở CNNT tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ một cách thuận lợi nhất để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Chương trình khuyến công tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025; Quy chế bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Kon Tum.
Thứ hai: Tăng cường công tác phối hợp thông qua các chương trình, kế hoạch phối hợp giữa Sở Công Thương với các Sở, ban ngành của tỉnh để lồng ghép thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công hàng năm như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; Chương trình phụ nữ khởi nghiệp; Chương trình phát triển thanh niên của tỉnh đoàn; Chương trình phát triển kinh tế tập thể của Liên minh các Hợp tác xã; Chương trình hỗ trợ nông dân phát triển của Hội nông dân tỉnh... Từ đó, hàng năm từ công tác phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và nghiệm thu các đề án khuyến công được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Thứ ba: Chỉ đạo, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm: Để công tác lập kế hoạch khuyến công hàng năm đảm bảo tính hiệu quả, hàng năm Sở Công Thương sớm ban hành văn bản gửi các huyện/thành phố; các đơn vị ký kết chương trình phối hợp; các doanh nghiệp trên địa bàn để lập kế hoạch. Đồng thời định hướng nội dung tập trung hỗ trợ theo ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ; tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị sản xuất công nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, góp phần chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum kiến nghị Cục Công Thương địa phương, nghiên cứu, đề xuất tham mưu Bộ Công Thương có văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố về nội dung như sau: Hiện nay, mô hình tổ chức bộ máy của của Trung tâm khuyến công một số tỉnh/thành phố không đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 120/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (không đảm bảo 15 biên chế theo quy định; tỉnh Kon Tum chỉ giao 07 biên chế thực hiện cả công tác khuyến công và Xúc tiến thương mại). Vì vậy, để đảm bảo tồn tại mô hình Trung tâm khuyến công các tỉnh/thành phố theo quy định của Bộ Công Thương để thực hiện nhiệm vụ khuyến công do địa phương và Bộ Công Thương giao.
Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Nghị quyết về danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, lĩnh vực khuyến công tỉnh Kon Tum có 10 danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Mặc dù Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng, thẩm định và bàn hành định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực Công Thương (Thông tư 47/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018) nhưng việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật vẫn còn gặp nhiều khó khăn, còn có nhiều ý kiến khác nhau (được biết hầu hết các tỉnh, thành phố chưa triển khai nội dung này). Vì vậy, đề nghị Cục Công Thương địa phương nghiên cứu hướng dẫn chi tiết để Sở Công Thương các tỉnh, thành phố biết, phối hợp.