Hội nghị công tác khuyến công được diễn ra dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (CTĐP), ông Ngô Quang Trung và ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa.
Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2022 nhằm đánh giá tình hình thực hiện hoạt động khuyến công của 28 tỉnh, thành phố khu vực miền phía Bắc trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, phương hướng, biện pháp để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022, định hướng phát triển công tác khuyến công năm 2023, đề ra các biện pháp để hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả; đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao tỉ trọng công nghiệp.
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 130,4 tỷ đồng, đạt 91,7% so với kế hoạch năm (142,2 tỷ đồng). Trong đó: kinh phí khuyến công Quốc gia thực hiện là 50,3 tỷ đồng, đạt 99,4% so với kế hoạch.
Kinh phí địa phương thực hiện là 80,1 tỷ đồng, đạt 87,6% so với kế hoạch (91,5 tỷ đồng). Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nghệ An, Thái Bình,...
Năm 2022, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 174,3 tỷ đồng, tăng 22,6% so với kế hoạch năm 2021 (142,1 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí khuyến công Quốc gia giao theo kế hoạch 79,7 tỷ đồng, chiếm 56,9% tổng kinh phí KCQG năm 2022 (140 tỷ đồng) và chiếm 45,7% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) giao theo kế hoạch 94,6 tỷ đồng. Ước thực hiện 9 tháng năm 2022, kinh phí toàn vùng đã thực hiện ước đạt 73,7 tỷ đồng, đạt 42,3% kế hoạch năm, cao hơn 112,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh phí KCQG ước thực hiện 33,3 tỷ đồng đạt 41,8% kế hoạch năm; Kinh phí KCĐP ước thực hiện 40,3 tỷ đồng đạt 42,6% kế hoạch năm.
Kết quả thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công Kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương được phân bổ để hỗ trợ triển khai các nội dung của hoạt động khuyến công đảm bảo theo các quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP và Quyết định số 1881/QĐ-TTg. Ngoài ra, một số địa phương căn cứ quy định trên địa bàn, phân bổ kinh phí KCĐP để triển khai thực hiện thêm một số nội dung khác để hỗ trợ cho các cơ sở CNNT.
Phát biểu khai mạc Hội nghị công tác khuyên công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVI, năm 2022, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương cho biết:
Chính sách khuyến công thời gian qua đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành các cấp từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. Công tác khuyến công bước sang giai đoạn 2021-2025 theo phê duyệt tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 100% các địa phương đã ban hành Chương trình khuyến công tại địa phương.
Hội nghị công tác khuyên công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVI, năm 2022, tập trung thảo luận, trao đổi một số nội dung:
Một là, đánh giá khách quan các kết quả đạt được về công tác khuyến công trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022 của khu vực phía Bắc; nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan; trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó xác định các giải pháp khắc phục;
Hai là, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt để tiếp tục tổ chức thực hiện các đề án khuyến công, bám sát diễn biến tình hình của cơ sở CNNT, đặc biệt là các đối tượng khó khăn tại vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để triển khai hiệu quả và hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm;
Ba là, trao đổi những kinh nghiệm, bài học có giá trị phổ biến từ thực tiễn tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công;
Bốn là, thảo luận, đề xuất Bộ Công Thương những quan điểm, chủ trương, những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho rằng, nhờ sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thanh Hóa, hoạt động khuyến công của Thanh Hóa vẫn đạt được những kết quả nhất định như: năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, đã triển khai 29 đề án thuộc Chương trình Khuyến công quốc gia và Khuyến công địa phương với tổng kinh phí thực hiện 11,76 tỷ đồng.
Các đề án khuyến công được thực hiện cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, tập trung hỗ trợ phát triển các ngành nghề và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, gắn với tiểm năng, thế mạnh, làng nghề và sản phẩm truyền thống của từng địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương (CTĐP), năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và thiên tai tại một số khu vực đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở CNNT; Cục CTĐP đã báo cáo Bộ Công Thương có văn bản đôn đốc, hướng dẫn triển khai kế hoạch kinh phí KCQG, đẩy mạnh hoạt động khuyến công trên cả nước. Qua đó, các địa phương đã phối hợp rà soát, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở CNNT để duy trì, ổn định sản xuất.
Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với các hoạt động khuyến công đã có sự quan tâm, tăng cường. Hoạt động khuyến công cơ bản bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình và được cụ thể hoá bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao; xây dựng được các đề án khuyến công dạng nhóm, điểm với các nội dung hoạt động khuyến công hỗ trợ đa dạng, có chất lượng và tập trung trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy các lợi thế so sánh của địa phương để thúc đẩy phát triển CNNT, hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển bền vững.
Việc triển khai các hoạt động khuyến công cơ bản đáp ứng được yêu cầu chung, tổ chức hệ thống khuyến công được quan tâm đầu tư, kết nối hoạt động hiệu quả. Công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực. Cán bộ làm công tác khuyến công có nơi còn hạn chế về số lượng và chất lượng chuyên môn nhưng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc hoàn thành các đề án theo kế hoạch.
Các hoạt động khuyến công nhất là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến... tiếp tục được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất CNNT; hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Tạo cho các cơ sở CNNT và địa phương có sự nhìn nhận tích cực về hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác khuyến công của khu vực phía Bắc vẫn tồn tại một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch thường xuyên chậm so với quy định. Các địa phương trong khu vực nhìn chung còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh.
Do tiến độ ngân sách phân bổ chậm, phần nào làm ảnh hưởng tới tính kịp thời của chính sách hỗ trợ các cơ sở CNNT trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19. Một số đơn vị chưa theo sát tình hình sản xuất của các cơ sở CNNT dẫn đến đề án phải ngừng hoặc điều chỉnh.
Ở một số đơn vị cơ sở vật chất và phương tiện làm việc còn chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công có sự thay đổi nên việc cập nhật, nắm bắt các nội dung hoạt động khuyến công còn hạn chế. Địa bàn triển khai các hoạt động khuyến công ở một số địa phương rất rộng, tuy nhiên thời gian qua, nhiều đơn vị bị thu hồi xe do quá trình sắp xếp lại tổ chức, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Trong khu vực hiện nay có 09 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công được trang bị ô tô.
Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tuy đã được quan tâm đẩy mạnh xong hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, phối hợp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện tại một số địa phương chưa theo sát thực tế, diễn biến tình hình. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến công.
Khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) có tổng diện tích tự nhiên là 150.058,3km2, chiếm 45,28% diện tích tự nhiên của cả nước; tổng dân số là 44,47 triệu người, chiếm 45,12% dân số cả nước (Niên giám Thống kê năm 2020), trong đó:
- Vùng Trung du miền núi phía Bắc (gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) có diện tích tự nhiên 95184,1 km2, chiếm 28,72% diện tích tự nhiên của cả nước;
- Vùng đồng bằng Sông Hồng (gồm 11 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh) có diện tích tự nhiên 21.278,5 km2, chiếm 6,42% diện tích tự nhiên của cả nước;
- Vùng Bắc Trung Bộ gồm 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên 33.595,7km2, chiếm 10,79% diện tích tự nhiên của cả nước.