Hội nghị Công tác khuyến công 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

Chiều ngày 3/8 tại TP.HCM, Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP, tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam – lần 8 năm 2017.

Tại hội nghị, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh với các địa phương trong khu vực phía Nam, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác khuyến công năm 2017, các đơn vị cần bám sát Nghị quyết 01 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương phát biểu tại Hội nghịBà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương báo cáo công tác tổ chức kế hoạch thực hiện tại hội nghị

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch khuyến công 6 tháng đầu năm 2017 của 20 tỉnh, thành phố phía Nam, bà Đỗ Thị Minh Trâm – Cục phó Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương cho biết, khu vực phía Nam so với các khu vực trên cả nước luôn thể hiện sự năng động và đa dạng, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đứng ở vị trí cao, chuyển dịch cơ cấu nhanh so với các khu vực khác trong cả nước, đi đầu trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

Hội nghị do Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP tổ chứcĐại diện tỉnh Đồng Tháp nhận Cờ đăng cai tổ chức hội nghị công tác khuyến công năm 2018

Năm 2017, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt là 64.710 triệu đồng, tăng 8,00% so với kế hoạch năm 2016 (59.913 triệu đồng), trong đó bao gồm kinh phí quốc gia và kinh phí của địa phương.

Đánh giá về mặt được và một số còn hạn chế tồn tại, qua báo kết quả thực hiện năm 2016 và 06 tháng đầu năm 2017, của 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, bà Trâm cho biết, công tác quản lý nhà nước về khuyến công ngày càng được củng cố. Tổ chức hệ thống khuyến công luôn được quan tâm đầu tư, kết nối hoạt động ngày càng hiệu quả. Công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công ở một số địa phương đã có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, trong 6 tháng 2017, các lãnh đạo địa phương đã hỗ trợ 48 cơ sở công nghiệp nông thộn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp với số tiền hỗ trợ gần 6,7 tỷ đồng. Cùng với đó, các hoạt động khuyến công tại 20 tỉnh, thành phía Nam đã tổ chức hỗ trợ gần 99 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong cả nước, hỗ trợ 37 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng đăng ký thương hiệu với số tiền hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công trên là gần 2,2 tỷ đồng. Công tác quản lý nhà nước về khuyến công ngày càng được củng cố. Đa phần các tỉnh, thành đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến công nhằm hỗ trợ các hoạt động phát triển công nghiệp tại các địa phương. Hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28/4/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi Hội nghị được tổ chức thành công tốt đẹpQuang cảnh hội nghị công tác khuyến công khu vực phía Nam năm 2017

Một số hạn chế, tồn tại, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án ở một số địa phương còn hạn chế chưa đa dạng, còn ít các đề án mang tính liên vùng, chuỗi liên kết và tính lan tỏa chưa cao. Nội dung hoạt động khuyến công chưa được đa dạng hóa, mở rộng vẫn tập trung vào các nội dung đã thực hiện. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của một số địa phương chưa được đẩy mạnh, nguồn thu cho hoạt động này vẫn còn thấp. Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của một số trung tâm khuyến công còn thiếu, đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công chưa thật sự mạnh và chuyên nghiệp, cán bộ làm công tác khuyến công thường xuyên bị thay đổi…

Để hoàn thành kế hoạch năm 2017, bà Trâm nhận định, các địa phương trong 6 tháng cuối năm cần đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, gắn với việc triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ; Chương trình hành động của Bộ Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ – CP, Nghị quyết số 35/NQ/CP…, qua đó thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, xuất khẩu tăng trưởng tốt, thị trường ổn định, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường liên kết, tích cực trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công. Huy động thêm nguồn vốn bên ngoài ngân sách Nhà nước, tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án nước ngoài đang triển khai (dự án SME và AMD), hoặc lồng ghép các chương trình để tăng thêm kinh phí cho hoạt động khuyến công. Sở Công Thương cần tahm mưu UBND tỉnh tăng mức hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương, đối với các xã chương trình nông thôn mới để hoạt động khuyến công đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh; Xét khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến công.

Tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, các hoạt động khuyến công phải bám sát vào chiến lược, định hướng phát triển của cả nước, có tính tới yếu tố liên kết vùng để có thể hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn được tốt hơn. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ khuyến công cần phải đổi mới, đi đúng với tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp mà Chính phủ đã động viên cho các doanh nghiệp, ngoài ra, Cục Công nghiệp địa phương nên đề xuất với Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, xem xét, quy định lại nội dung chi, nâng mức hỗ chi trợ trong một số quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014, chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp; chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới..., trong đó cần tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới sản xuất theo chuỗi. Tập trung cho khởi nghiệp, khuyến khích phát triển các ý tưởng kinh doanh.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho rằng, cho đến hiện tại, Vùng kinh tế khu vực 20 tỉnh thành phía Nam luôn được đánh giá là vùng năng động nhất của cả nước, trong đó nổi bật nhất là các hoạt động sản xuất thuộc lĩnh vực công thương luôn đạt được kết quả cao nhất so với cả nước. Riêng với lĩnh vực khuyến công, chúng ta cũng đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể, các hoạt động khuyến công đã được các địa phương trong khu vực quan tâm, thể hiện nổi bật nhất là tất cả 20 tỉnh, thành phố trong khu vực cho đến thời điểm này đều đã xây dựng được chương trình khuyến công đến giai đoạn 2020, trong đó, 02 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ đã bắt đầu quan tâm đến chương trình này. Thứ hai là việc bố trí nguồn lực cho chương trình trong toàn bộ vùng của chúng ta đã có nhưng tiến bộ đáng kể. Về mặt ngân sách, kinh phí tài chính bố trí cho hoạt động cũng đã tăng cao 8% so với năm 2016, nhiều địa phương đã bố trí được kinh phí với mức cao, cụ thể như ở Đồng Tháp là 5,2 tỷ; Đồng Nai 4,2 tỷ; Vĩnh Long khoảng 4 tỷ; Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng xấp xỉ 4 tỷ. Hoạt động tại các Trung tâm tư vấn công nghiệp của các địa phương cũng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng đúng với nhu cầu của mỗi địa phương.

Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn một số hạn chế như: Việc đánh giá, khảo sát xây dựng các đề án khuyến công của các địa phương chưa sát với kế hoạch, theo đánh giá của lãnh đạo, trong số các đề án phải điều chỉnh trong năm 2016, thì vùng của chúng ta có 11 đề án trên 7 tỷ phải điều chỉnh lại. Thứ hai là ở mức độ triển khai qua thực hiện qua 6 tháng đầu năm 2017 hiện nay chưa có địa phương nào đạt trên 30% trong vùng này và riêng tỷ lệ giải ngân vùng chúng ta đang ở mức thấp nhất so với cả 03 vùng, cụ thể khu vực phía Bắc là 60%, khu vực miền Trung là 30%, trong khi đó vùng của chúng ta chỉ mới đạt 18%.

Về phương hướng giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2017, ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh, các Sở Công Thương cần bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 35 về phát triển hỗ trợ doanh nghiệp cho đến năm 2020, cùng với các chương trình hành động của các địa phương, gắn với việc xây dựng các chương trình phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển ngành Công thương. Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cũng đề nghị các địa phương tập trung vào các đề án khuyến công của quốc gia và của địa phương đã được phê duyệt trong năm 2017, nếu trong lúc triển khai có khó khăn gì, cần báo cáo ngay với Cục và các đơn vị có liên quan để cùng nhau điều chỉnh, để thống nhất triển khai thành công kế hoạch năm 2017.

Trong khuôn khổ của hội nghị, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 09 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công năm 2016 và tổ chức bàn giao lại Cờ đăng cai cho đơn vị tổ chức hội nghị công tác khuyến công năm 2018 là tỉnh Đồng Tháp.


Hồng Lực