Hoạt động khuyến công đã góp phần xóa đói giảm nghèo, duy trì việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động khuyến công trong giai đoạn tiếp theo, Khuyến công tỉnh Gia Lai đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trong giai đoạn tiếp theo như:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công, tăng cường rà soát, nghiên cứu sửa đổi , bổ sung các quy định về pháp lý và sử dụng kinh phí khuyến công cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và điều kiện thực tế tại địa phương, tạo hành lang pháp lý vững chắc để triển khai các hoạt động khuyến công được đồng bộ và đầy đủ theo hướng tăng mức hỗ trợ và định mức ngang bằng các mức hỗ trợ từ khuyến công quốc gia.
Triển khai các cơ chế chính sách về khuyến công và các chính sách khác theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ngoài ra, hoạt động khuyến công phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, nguồn nguyên liệu, thị trường lao động tại địa phương để phát triển CNNT. Sử dụng nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu, các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công thông qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện 09 nội dung của Nghị định 45/2012/NĐ-CP về hoạt động khuyến công. Cụ thể hoá bằng các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất CNNT.
Chính sách khuyến khích phát triển cần tập trung theo hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ. Tạo động lực cho CNNT của tỉnh phát triển, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khuyến công. Củng cố kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực đội ng cán bộ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện các hoạt động khuyến công song song với việc phát triển mạng lưới cộng tác viên sâu rộng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng phục vụ quản lý nhà nước về khuyến công trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác khuyến công. Tăng cường đi cơ sở để khảo sát, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động khuyến công, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục tiêu, yêu cầu của chương trình khuyến công.
Tích cực và chủ động tiếp cận các cơ sở CNNT để nắm bắt nhu cầu, tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở tiếp cận chính sách hỗ trợ khuyến công. Tích cực trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về chuyên môn, về việc xây dựng triển khai các đề án khuyến công của các tỉnh bạn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động khuyến công.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong hỗ trợ phát triển CN-TTCN.
Cùng với đó, tăng cường tập huấn, phổ biến đến các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn, người lao động và đội ng cộng tác viên kiến thức về hoạt động khuyến công, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp, chính sách khuyến công, các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, cập nhật thông tin về hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Bản tin hoạt động Công nghiệp và Thương mại hàng tháng, Truyền hình công thương, đăng tải các bài viết về hoạt động khuyến công trên website của Trung tâm, …nhằm phổ biến, truyền tải kịp thời, đầy đủ về cơ chế, chính sách hoạt động khuyến công.
Tăng cường công tác bình chọn và tôn vinh các sản phẩm đạt chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển; công nhận làng nghề, nghệ nhân... Từ đó, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, chú trọng công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho các ngành, nghề truyền thống nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng mang tính đặc trưng của địa phương. Tiếp tục duy trì, khôi phục, phát triển, nhân cấy nghề cho các làng nghề. Hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Đặc biệt, tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nghiệp vụ làm công tác khuyến công, cán bộ quản lý CNNT; hướng dẫn tư vấn phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp…, nhằm triển khai các hoạt động khuyến công đạt kết quả cao. Xây dựng quy trình triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp về trình tự, thủ tục…. cụ thể cho từng hoạt động khuyến công để căn cứ vào đó tất cả cán bộ được phân công nhiệm vụ đều có thể chủ động triển khai thực hiện công việc một cách độc lập.
Chủ động phối hợp giữa khuyến công, thương mại với khuyến nông và sản xuất nhằm từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp, nông nghiệp phát triển trong mối quan hệ gắn bó đồng bộ với nhau. Thiêt lập quan hệ chặt chẽ và đẩy mạnh công tác phối hợp với các địa phương và các tổ chức đoàn thể nâng cao hiệu quả công tác phối hợp.
Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, đề xuất những chính sách như hỗ trợ vốn vay, lãi suất vay, hỗ trợ dịch vụ hành chính công… nhằm duy trì, phát triển sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn.