Khuyến công Quảng Nam: Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, chương trình khuyến công Quảng Nam đã đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn(CNNT) theo nguyên tắc chủ động hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại thông qua việc đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công.

Trong đó, tạo điểm nhấn bằng cách tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án khuyến công nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn, làng nghề.

ông Đinh Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam
Ông Đinh Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Nam

 

Theo ông Đinh Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam cho biết: “Thực trạng phát triển CNNT tại tỉnh Quảng Nam còn khiêm tốn, hình thành chưa phong phú ngành nghề và sản phẩm chủ lực. Có thể kể đến các ngành nghề nổi bật như gỗ, gốm, mây, tre, lá, dệt, sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu núi rừng, thủy, hải sản,... Năng lực nội tại của cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn còn nhỏ lẻ. Do vậy, năng lực cạnh tranh trên thị trường chưa cao so với tiềm năng và thế mạnh. Có thể nhận diện, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm ít vượt trội. Chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp nói chung, CNNT nói riêng chưa cao. Các cơ sở sản xuất CNNT chưa thiết lập được mối quan hệ liên kết chặt chẽ, bền vững với các ngành kinh tế khác trên địa bàn và với các tỉnh, thành lân cận”.

Ảnh 1. Từ nguồn vốn sự nghiệp khuyến công quốc gia năm 2022, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho Công ty TNHH MTV Advpro mua sắm 1 máy CNC HP1
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho Công ty TNHH MTV Advpro mua sắm 1 máy CNC HP1

Chính vì vậy, để thúc đẩy phát triển CNNT, rất cần thiết phải nâng cao chất lượng của công tác khuyến công. Bởi, công tác khuyến công thể hiện vai trò hỗ trợ của Nhà nước cho các chủ thể tổ chức, thực hiện quá trình sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Công tác này được thực hiện thông qua các Trung tâm khuyến công ở địa phương và Nhà nước cũng dành một khoản ngân quỹ nhất định cho hoạt động khuyến công. Để góp phần thúc đẩy phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện nhiệm vụ khuyến công cần chú trọng một số công việc chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã lập dự án kinh doanh, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng, đào tạo lao động, huy động vốn, ưu đãi đầu tư và các thủ tục hành chính khác theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng, khai thông các tiềm năng và lợi thế.

Thứ hai, hỗ trợ các chủ cơ sở và cán bộ quản lý chủ chốt của các cơ sở CNNT cấp huyện về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản trị điều hành cơ sở và kiến thức cơ bản về kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Hỗ trợ công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lao động, góp phần bảo đảm nguồn nhân lực với cơ cấu ngành nghề, trình độ chuyên môn và chất lượng phù hợp với nội dung và yêu cầu của quy hoạch phát triển CNNT trên địa bàn. Hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh và tổ chức triển lãm, hội chợ, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham quan, khảo sát, hỗ trợ và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất CNNT liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề.

Thứ ba, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và thực hiện dịch vụ tư vấn khoa học - công nghệ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CNNT. Theo đó, hỗ trợ xúc tiến hình thành Hiệp hội các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn. Đây là một tổ chức đại diện của các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp trên địa bàn với sự tham gia tự nguyện của các chủ thể liên quan.

Thứ tư, để tạo sức bật cho khuyến công trong khơi thông phát triển công nghiệp nông thôn, rất cần sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin, hưởng ứng. Cùng với đó, cần chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp yên tâm, cùng phối hợp triển khai mô hình khuyến công phát triển CNNT. Quảng Nam và các địa phương luôn quan tâm và thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo tiền đề cho hàng Việt Nam chất lượng cao thêm khẳng định thương hiệu, có uy tín, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Trong quá trình triển khai hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực và dài ngày của dịch Covid-19, nhưng đến nay nhờ sự nỗ lực và kịp thời kiểm soát được dịch bệnh, khuyến công tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công theo đúng kế hoạch đề ra.

Hoàng Dương