Quảng Nam là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được công nhận nhiều nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Do vậy, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ, đòi hỏi các ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho các cơ sở CNNT phát triển.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam đã triển khai đề án nhóm “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” cho 03 đơn vị thụ hưởng gồm: HTX Nông nghiệp Phước Hà; Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại- Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Gò Nổi; HTX sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm.
Với vốn đầu tư đề án nhóm là 1.830.500.000 đồng. Trong đó, vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 800.000.000 đồng, vốn của đơn vị thụ hưởng là 1.030.500.000 đồng.
Theo đó, nhận thấy dầu đậu phộng, dầu mè là sản phẩm mang tính đặc trưng truyền thống của người dân xứ Quảng. Cũng chính từ loại dầu này đã tạo nên hương vị đặc trưng riêng của món “Mì Quảng” xứ Quảng. Dầu phộng, dầu mè có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như tốt cho hệ tim mạch, ngăn ngừa ung thư, giảm đau do viêm khớp, giảm nguy cơ bị cao huyết áp, giúp làm chậm quá trình lão hóa, có lợi cho người bị tiểu đường, tăng cường hệ miễn dịch cho con người...
Với những lý do trên, thời gian gần đây người dân Việt Nam chuyển từ dùng dầu công nghiệp sang dùng dầu phộng, dầu mè. Cứ vào vụ thu hoạch người người, nhà nhà mua về trữ ăn dần cả năm và làm quà tặng cho người thân ở các thành phố lớn.
Từ thực tế nêu trên, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng hiện nay, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam đã hỗ trợ và nghiệm thu đề án: “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” cho HTX sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam từ nguồn vốn khuyến công quốc gia năm 2022, với vốn hỗ trợ 300 triệu đồng và vốn đơn vị thụ hưởng 365 triệu đồng.
Từ nguồn vốn khuyến công quốc gia năm 2022, HTX sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm đã mạnh dạn đầu tư 02 máy mới 100% vào chế biến thực phẩm gồm: 01 máy ép dầu, hiệu GuangxinYZYX168, năng suất 300-500kg/h, hàng Trung Quốc và 01 máy ép lọc khung bản, hiệu DDTP-BIMN3/500-28P, năng suất ép lọc 40 lít/lần, hàng Việt Nam.
Ông Phạm Văn Huệ - Giám đốc HTX sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm vui vẻ chia sẻ: “ Trước đây, ép và lọc thủ công truyền thống cho năng suất thấp, ép không sạch, không kiệt lượng dầu, tốn thời gian và nhân công nhiều, sau khi ép khối lượng cặn bã còn sót lại lớn, không đảm bảo vệ sinh ATTP và vệ sinh môi trường, và tốn mặt bằng lớn.
Nhưng từ khi Máy ép và Máy lọc dầu khung bàn đi vào hoạt động, năng suất ép cao, ép kiệt đến 94% dầu trong nguyên liệu, năng suất ép 300-500kg/h, năng suất lọc dầu 40 lít/lần, thời gian ép nhanh, tiết kiệm nhân công và chi phí sản xuất, giảm tiêu hao nhiên liệu, công nghệ lọc cặn bã hiệu quả cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, máy thiết kế nhỏ gọn, mặt bằng lắp đặt hệ thống nhỏ.”
Đồng thời, với sự đồng hành và hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công quốc gia, việc đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất chế biến giúp các HTX cải tiến mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng,... đáp ứng nhu cầu thị hiếu thị trường người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Từ đó giải quyết được một bộ phận lao động tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định cao hơn so với các nghề khác, bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, ông Phạm Văn Huệ cho biết thêm.
Có thể thấy máy móc được đổi mới hiện đại sẽ giúp các doanh nghiệp Quảng Nam tăng năng suất sản xuất cả về số lượng, chất lượng, mẫu mã, chủng loại. Từ đó đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh với thực phẩm của các tỉnh khác.
Ông Đinh Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam nhận định: “Việc thay thế máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm còn giúp ngành thực phẩm tiết kiệm được rất nhiều chi phí: tiêu hao nhiên liệu, sửa chữa, nguyên vật liệu. Bên cạnh đó việc sản xuất các loại thực phẩm không những đảm bảo mà còn nhanh chóng hơn, giảm thiểu lao động thủ công từ đó tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, hạ giá thành sản xuất, giảm giá bán và lợi nhuận tăng cao”.
Ngoài ra, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá các loại sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương với mức lương ổn định và được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Tăng doanh thu, lợi nhuận hàng năm cho Tổ hợp tác, cơ sở chế biến; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp tại địa phương, đóng góp ngân sách cho Nhà nước và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.