TÓM TẮT:
Nghiên cứu cho thấy công tác quản lý nhà nước về trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My trong những năm qua đã đạt được những thành công nhất định. Đó là việc thực hiện khá tốt công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện đúng kế hoạch, quy hoạch bảo tồn và phát triển trồng sâm Ngọc Linh đã được phê duyệt. Công tác ban hành và triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trồng sâm Ngọc Linh, quản lý giao đất và cho thuê môi trường rừng cũng đã được thực hiện một cách quyết liệt và đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong những năm qua. Tuy nhiên, một số bất cập trong công tác quản lý như chất lượng nguồn nhân lực, các chính sách khuyến khích hỗ trợ còn tồn tại. Theo đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện trong thời gian đến.
Từ khóa: quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, sâm ngọc linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
1. Đặt vấn đề
Sâm núi Ngọc Linh là loài cây đặc hữu quý hiếm, có giá trị cao, đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ và đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm Quốc gia.
Thực tế trong những năm vừa qua, quản lý nhà nước (QLNN) về trồng sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My đang đối mặt với những vấn đề phức tạp, vùng trồng sâm Ngọc Linh chưa có những bước phát triển như mong đợi. Một trong những nguyên nhân sâu xa là do mô hình tổ chức quản lý bảo tồn sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My còn nhiều hạn chế, nhiều hoạt động quản lý còn chồng chéo dẫn đến hiệu lực và hiệu quả QLNN chưa cao. Việc phát triển trồng sâm Ngọc Linh hiện tại vẫn còn thiếu các yếu tố nguồn lực đầu tư. Hơn nữa, do chạy theo lợi nhuận, nên khai thác và sử dụng rừng và đất rừng vào trồng sâm không đúng theo quy hoạch. Điều đó cho thấy để phát triển trồng sâm Ngọc Linh, Nhà nước cần phải xây dựng bộ máy quản lý đủ mạnh, tập trung cao độ các nguồn lực nhằm phát triển trồng sâm Ngọc Linh, đảm bảo sinh kế cho người dân vùng trồng sâm Ngọc Linh. Đồng thời, phải đảm bảo thực hiện chính sách bảo tồn trên cả phương thức khoanh nuôi bảo vệ rừng vùng sâm Ngọc Linh và phương thức trồng dưới tán rừng tự nhiên với nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia trồng sâm Ngọc Linh.
Bài viết nhằm phân tích thực trạng QLNN về trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện công tác QLNN về trồng sâm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp thu thập tại UBND huyện Nam Trà My, UBND tỉnh Quảng Nam. Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua điều tra, phỏng vấn một số cán bộ, chuyên gia làm công tác QLNN về trồng sâm Ngọc Linh và một số hộ nông dân.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Trong hoạt động QLNN về trồng sâm Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về nội dung QLNN trên các lĩnh vực liên quan đến bảo tồn và phát trển sâm Ngọc Linh. Trên cơ sở tham mưu của các sở, ban ngành liên quan đến công tác QLNN về trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2015 đến năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành hơn 94 văn bản đủ các thể loại đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ QLNN về sâm Ngọc Linh. UBND huyện Nam Trà My đã ban hành 35 văn bản quán triệt và triển khai các văn bản cấp trên.
Tuy nhiên, hiện tại do cây sâm Ngọc Linh có giá trị đặc hữu nên hầu hết các văn bản địa phương ban hành chỉ điều chỉnh riêng cho cây sâm Ngọc Linh, ít có sự lồng ghép với các loại cây dược liệu khác. Chính vì vậy, đôi khi có sự mâu thuẫn giữa các văn bản về công tác quản lý chuyên môn giữa cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác. Điều này đòi hỏi chính quyền các cấp, đặc biệt cấp tỉnh phải có sự tích hợp chung trong các văn bản để thuận tiện trong quản lý và điều hành. Trên cơ sở các tiêu chí đã xác định việc đánh giá thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3.2. Thực trạng xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch trồng sâm Ngọc Linh
Sau 5 năm từ khi có Quy hoạch Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 được phân cấp quản lý các cấp chính quyền huyện Nam Trà My đã căn cứ chỉ tiêu giao hàng năm dựa vào kế hoạch phương hướng nhiệm vụ chung của huyện về thực hiện bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Qua đánh giá chung cho thấy, tỉnh đã chỉ đạo huyện phối hợp tổ chức thực hiện hầu hết các chỉ tiêu của quy hoạch đã đề ra về nhiệm vụ bảo tồn và nhiệm vụ phát triển.
Theo Báo cáo số 206/BC-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam trên cơ sở tham mưu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh về Kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Huyện đã thực hiện tất cả các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch đề ra cho năm 2020, hoàn thành nhiệm vụ trên 75% chỉ tiêu được giao.
3.3. Thực trạng bộ máy quản lý nhà nước về trồng sâm Ngọc Linh
Hệ thống cơ quan quản lý trồng cây sâm Ngọc Linh từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đã được thiết lập. Hội đồng nhân dân các cấp ban hành các nghị quyết liên quan đến QLNN về bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trong đó trồng sâm là chủ yếu; chỉ đạo thông qua phản ánh của đại biểu hội đồng để UBND cùng cấp tổ chức thực hiện bằng các quyết định, quy định, kế hoạch, chỉ thị. (Hình 1)
Cơ quan thực hiện chức năng quản lý chuyên môn lớn nhất đối với trồng sâm Ngọc Linh của chính quyền tỉnh Quảng Nam là Sở NN&PTNT. Ngoài sự phối hợp tương đối tốt giữa HĐND, UBND các cấp, Sở NN&PTNT với các phòng chức năng ở cơ sở thì các cơ quan chuyên trách QLNN đối với trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh còn thực hiện quản lý phối hợp với các cơ quan liên quan như cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện Nam Trà My, cơ quan tài nguyên và môi trường tỉnh và huyện Nam Trà My, Sở KH&CN Quảng Nam (Hình 2).
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Quảng Nam có tổng số cán bộ công chức, viên chức, lao động ngành NN&PTNT, trong đó cấp tỉnh là 435 người, huyện Nam Trà My 42 người, trong đó cán bộ địa chính cấp xã là 33 người. Xét về số lượng, đội ngũ cán bộ QLNN về trồng sâm Ngọc Linh đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đa số cán bộ quản lý nông nghiệp ở đây là nam giới 74,9% còn lại là lao động nữ, điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm công tác trong điều kiện miền núi và ngành nghề trồng sâm.
Số liệu từ Bảng 1 cho thấy số lượng cán bộ ở độ tuổi trung niên từ 37-47 gồm có 230 người, chiếm tỷ lệ cao nhất 45,1% so với các độ tuổi khác. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận đổi mới công nghệ tốt, hiệu quả công việc cao. Tuy nhiên, sức ì và độ nhạy bén hạn chế, số cán bộ trẻ gần bằng số cán bộ già, điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng qua các năm của ngành. Qua khảo sát thực tế cho thấy, số lượng cán bộ xã bố trí không theo quy mô xã, mà bố trí theo mức bình quân chung mỗi xã có 1 cán bộ phụ trách nông nghiệp. Do đó, trình độ chuyên môn sâu về kỹ thuật trồng cho một cây trồng là rất hạn chế, đặc biệt cán bộ cấp xã có năng lực chuyên môn thấp, không có kinh nghiệm về chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng sâm Ngọc Linh, chưa nắm được các chính sách về bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Báo cáo viên là người dân tộc hạn chế về chuyên môn, báo cáo viên người kinh thì hạn chế về ngôn ngữ và phong tục tập quán của dân tộc địa phương. Hiện tại, chưa có cán bộ chuyên trách về quản lý cây sâm Ngọc Linh từ tỉnh xuống huyện và tại các xã vùng lõi của quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh.
Nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ. Vì vậy, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ ngành Nông nghiệp của Tỉnh nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu công việc (Bảng 2). Cụ thể: đa số cán bộ QLNN về nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam có trình độ đại học (300/510 cán bộ chiếm 58,82%. Số còn lại: 120/510 cán bộ có trình độ trung cấp và cao đẳng, chiếm tỷ lệ 23,52%). Tuy nhiên, so với cán bộ QLNN ở các lĩnh vực khác, cán bộ QLNN về trồng sâm ở huyện Nam Trà My trình độ đạt chuẩn còn thấp (huyện Nam Trà My cán bộ tốt nghiệp đại học chiếm 28,57%, cấp xã thuộc huyện chiếm 21,21%). Bộ máy hiện nay của huyện Nam Trà My vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng. Thiếu cán bộ có kiến thức về ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại.
3.4. Thực trạng ban hành và triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trồng sâm Ngọc Linh
Năm 2016, UBND huyện đã trình HDND huyện đề án “Phát triển vùng sâm gốc sâm Ngọc Linh” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Phối hợp với các đơn vị như Trường Đại học Nông Lâm Huế, Trung tâm Cây trồng và Chế biến cây thuốc Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện các đề tài về sâm gốc Ngọc Linh. Nhìn chung, công tác ứng dựng khoa học công nghệ vào việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh bước đầu đã cho kết quả khả quan.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất ra giống cây trồng mà đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh đòi hỏi phải có trình độ và năng lực chuyên môn cao, do đó trong thời gian qua, UBND huyện Nam Trà My đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình này. Tuy kết quả đem lại chưa đáp ứng nguyện vọng bởi nhiều nguyên nhân, nhưng đây cũng là một bước đột phá mới trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống, nhất là giống sâm Ngọc Linh quý hiếm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cây giống sâm Ngọc Linh phục vụ cho việc phát triển vùng nguyên liệu sâm theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Qua đánh giá cho thấy, huyện đã triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát triển trồng sâm ở địa phương từ việc xây dựng đề án về lộ trình thực hiện công tác bảo tồn giống và các cơ sở khoa học để ứng dụng vào phát triển một cách bền vững.
4. Nguyên nhân và giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
4.1. Nguyên nhân của những hạn chế
Các nhà hoạch định chính sách chưa thực sự chú trọng đến việc lấy ý kiến tham gia góp ý của người dân và doanh nghiệp, những người chịu tác động trực tiếp của các chính sách này, dẫn đến giảm tính khả thi của chính sách. Thiếu nguồn lực để thực thi: Ngân sách để xây dựng quy hoạch, chính sách thấp dẫn đến chất lượng quy hoạch, chính sách ban hành chưa cao. Tỷ lệ lao động miền núi được đào tạo còn thấp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, phương pháp sản xuất còn lạc hậu. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có nhận thức chưa chuyển biến mạnh, còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi phong tục, tập quán nên chưa có tác phong công nghiệp trong lao động, chậm tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Còn nhiều biểu hiện hành chính, quan liêu của các cán bộ công chức trong công tác QLNN về nông nghiệp nói chung, trồng sâm Ngọc Linh nói riêng.
4.2. Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
a) Hoàn thiện công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trồng sâm Ngọc Linh
Nhà nước cấp tỉnh (HĐND, UBND tỉnh) tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, từng bước tiến tới hệ thống văn bản quản lý về trồng sâm Ngọc Linh đồng bộ và thống nhất. Việc thống nhất về các văn bản chỉ đạo giữa các cấp, các địa phương, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở trồng và chế biến sâm Ngọc Linh có thể dễ dàng đảm bảo các yêu cầu của pháp luật, các quy định của ngành. Tránh tình trạng, các cấp khác nhau có những quy định chỉ đạo khác nhau, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất. Các cấp chính quyền địa phương căn cứ vào chức năng, thẩm quyền thực hiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về trồng sâm Ngọc Linh đảm bảo thực hiện đúng quy định, đúng về thẩm quyền, hạn chế lạm quyền, không tạo ra sự xung đột về văn bản.
b) Hoàn thiện công tác xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch trồng sâm Ngọc Linh
Ngày 27/01/2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 và đinh hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh phục cho chế biến sâm Ngọc Linh để đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng. Thực trạng cho thấy việc trồng sâm Ngọc Linh thực hiện chủ yếu là hộ gia đình có quy mô diện tích nhỏ, phân tán khó kiểm soát, khó áp dụng khoa học và công nghệ. Vì vậy, trong vùng lõi, vùng phát triển sâm Ngọc Linh cần phải quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư với hình thức liên kết hộ gia đình trồng và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Các giải pháp cần thực hiện như sau: (1) Tỉnh Quảng Nam cần có quy hoạch bổ sung về bổ tồn và phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2022 đến 2026 và quy hoạch này cần tích hợp chung vào quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ở tỉnh Quảng Nam. Đưa những diện tích rừng chưa trồng giao cho hộ có nhu cầu mở rộng diện tích những chưa được đáp ứng nhằm phát huy thế mạnh. (2) Thực hiện quy hoạch vùng nương rẫy ổn định lâu dài, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng đối với chính quyền các cấp. (3) Ưu tiên bố trí vốn ngân sách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt ưu tiên công tác khoán bảo vệ rừng vùng quy hoạch. (4) Tỉnh và huyện cần tăng cường hơn nữa việc giám sát thực hiện việc quy hoạch, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy hoạch.
c) Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về trồng sâm Ngọc Linh
Cơ quan QLNN các cấp chính quyền địa phương cần hoàn thiện bộ máy quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã một cách khoa học, gọn nhẹ, ít cấp trung gian, kết hợp với xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành để hoạt động quản lý diễn ra nhịp nhàng, hiệu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên làm việc có vai trò quan trọng và tác động trực tiếp đến hiệu quả quản lý của cơ quan QLNN. Vì vậy, cơ quan QLNN các cấp cần phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trồng cây sâm Ngọc Linh theo định hướng xuất khẩu. Phát huy vai trò quản lý của chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động về trồng sâm Ngọc Linh. Mô hình quản lý về cây sâm Ngọc Linh thực hiện theo nguyên tắc “Kết hợp QLNN theo ngành với QLNN theo lãnh thổ”. Xuất phát từ việc phân định chức năng khác nhau giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, cần phải nâng cao vai trò quản lý về cây sâm Ngọc Linh của chính quyền địa phương, vì chính quyền tại địa phương là người thực hiện quyền làm chủ trực tiếp trong phạm vi địa phương của nhân dân sống và làm việc trên đơn vị hành chính - lãnh thổ, đại biểu cho quyền lợi của nhân dân ở địa phương.
d) Hoàn thiện công tác ban hành và triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trồng sâm Ngọc Linh
Các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa chính sách trồng cây sâm Ngọc Linh cần hướng vào khuyến khích xây dựng và phát triển các vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung, với quy mô đủ lớn theo nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) đối với cây sâm Ngọc Linh trong quy hoạch, gắn liền với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để bảo vệ quyền lợi của người trồng sâm Ngọc Linh. Khuyến khích nông dân đưa các giống cây sâm Ngọc Linh vào sản xuất đại trà kết hợp với thâm canh, mở rộng diện tích gieo trồng phát triển thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn. Tổ chức hướng dẫn cho người dân về chương trình bảo vệ rừng, lồng ghép phát triển vùng nguyên liệu với các chương trình trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, kết hợp giữa nuôi trồng và khai thác một các khoa học, khắc phục hiện tượng khai thác cạn kiệt; chú trọng đến việc phát triển các nguồn gen sâm gốc Ngọc Linh.
Xây dựng chính sách ưu tiên trong sản xuất, chế biến, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với cây sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đáp ứng với thực tiễn và phù hợp quy định hiện hành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư vào sản xuất, chế biến, kinh doanh, thúc đẩy thị trường tiêu dùng thuốc đông y, thuốc từ sâm Ngọc Linh của Việt Nam. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, hiện đại hoá công nghệ chế biến sâm Ngọc Linh thành sản phẩm cuối cùng trong chuỗi giá trị.
5. Kết luận
Nghiên cứu cho thấy công tác QLNN về trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My trong những năm qua đã đạt được những thành công nhất định. Đó là việc thực hiện khá tốt công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện đúng kế hoạch, quy hoạch bảo tồn và phát triển trồng sâm Ngọc Linh đã được phê duyệt. Công tác ban hành và triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trồng sâm Ngọc Linh, quản lý giao đất và cho thuê đất cũng đã được thực hiện một cách quyết liệt và đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong những năm qua. Tuy nhiên, một số bất cập trong công tác quản lý như chất lượng nguồn nhân lực, các chính sách khuyến khích hỗ trợ còn tồn tại. Bên cạnh đó cần thực hiện một số giải pháp hoàn thiện QLNN về trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện bao gồm công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trồng sâm Ngọc Linh, công tác xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch trồng sâm Ngọc Linh; bộ máy quản lý nhà nước về trồng sâm Ngọc Linh; công tác ban hành và triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trồng sâm Ngọc Linh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Bá Hoạt (2003), Điều tra tiềm năng dược liệu một số huyện điểm tỉnh Quảng Nam, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển, Hà Nội.
- Trần Huệ Hương (2015), Quảng Nam với bài toán bảo tồn và phát triển cây sâm quý, Tạp chí Môi trường, số 7-2015, Hà Nội.
- HĐND huyện Nam Trà My (2019), Nghị quyết thông qua đề án xây dựng chiến lược phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030, Quảng Nam.
- HĐND tỉnh Quảng Nam (2017), Nghị quyết về cơ chế khuyến khích , bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2025, Quảng Nam.
- UBND tỉnh Quảng Nam (2021), Báo cáo số 206/BC-UBND về Kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Some solutions to improve the state management of Ngoc Linh ginseng cultivation in Nam Tra My district, Quang Nam province
Assoc. Prof.Ph.D Vu Thi Phuong Anh
Quang Nam College
ABSTRACT:
This study finds out that the state management of Ngoc Linh ginseng cultivation in Nam Tra My district, Quang Nam province has achieved certain successes in recent years including the good promulgation of legal documents, strict implementation of approved plans for Ngoc Linh ginseng conservation and development. In addition, the promulgation and implementation of policies on encouraging and facilitating Ngoc Linh ginseng cultivation, and management policies on land allocation and forest environment lease have also been carried out drastically and have made a significant contribution to the local socio-economic development in recent years. However, the local state management still has some inadequacies such as the quality of human resources and insufficient support policies. This study proposes some solutions to improve the state management of Ngoc Linh ginseng cultivation in Nam Tra My district in the coming time.
Key words: state management, economic management, Ngoc Linh ginseng, Nam Tra My district, Quang Nam province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]