TÓM TẮT:
Chính sách phát triển bền vững làng nghề hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát triển làng nghề hài hòa trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường làng nghề. Bài viết tập trung vào việc phân tích một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn thực thi chính sách phát triển bền vững làng nghề tại làng nghề dệt vải - tơ lụa Mã Châu, Quảng Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh “độ vênh” giữa nội dung chính sách và thực tiễn thực thi chính sách tại làng nghề. Đây là những gợi mở giúp cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện nội dung chính sách phát triển bền vững làng nghề và triển khai thực thi chính sách có hiệu quả trên thực tế.
Từ khóa: Chính sách, phát triển bền vững làng nghề, chính sách phát triển bền vững làng nghề, làng nghề Mã Châu, tỉnh Quảng Nam.
1. Khái quát về làng nghề dệt vải - tơ lụa Mã Châu
Hình thành từ thế kỷ 15, làng Mã Châu chuyên dệt lụa cung cấp cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều. Các công việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đều được thực hiện trong làng, với sự tham gia của hàng trăm hộ gia đình theo phương thức thủ công. Khi xứ Đàng Trong - Việt Nam mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua cảng thị Hội An thì tơ lụa Mã Châu là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất.
Đến năm 2017, làng nghề dệt vải Tơ lụa Mã Châu có 01 doanh nghiệp, 135 hộ dệt vải, với 502 khung dệt (363 khung máy kiếm, 36 khung máy sắt, 103 khung gỗ) và do hoạt động cầm chừng nên số lao động tham gia thực tế giảm mạnh; sản xuất 6 tháng đầu năm 2019 đạt 3,5 triệu mét vải các loại, doanh thu đạt khoảng 4.260 triệu đồng (Ủy ban nhân dân huyện Duy Xuyên, 2019). Sản phẩm của làng nghề hiện nay chủ yếu là vải cotton, kate thô, số lượng vải lụa được sản xuất ra rất ít, chủ yếu do HTX Tơ lụa Mã Châu thực hiện. So với các làng nghề khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên, làng nghề dệt vải - tơ lụa Mã Châu có truyền thống lâu đời, sản phẩm mang đậm nét tinh hoa của người dân địa phương. Chính vì vậy, Mã Châu được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, hỗ trợ và trở thành 01 trong 16 làng nghề của tỉnh Quảng Nam được lựa chọn tham gia Đề án phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Năm 2015, dệt lụa Mã Châu được công nhận là một trong bốn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và được cấp con dấu xác thực “Craft in Quảng Nam” đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm làng nghề.
Bảng: Tình hình hoạt động của làng nghề dệt vải - tơ lụa Mã Châu
Nguồn: UBND huyện Duy Xuyên
Ghi chú:
([1]) Theo số liệu thống kê của Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động làng nghề 06 tháng đầu năm 2019 của UBND huyện Duy Xuyên.
(2)Theo số liệu thống kê của Đề án Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1222 /QĐ-UBND ngày 07/4/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam Như vậy, có thể thấy, hoạt động sản xuất của làng nghề Mã Châu hiện nay sa sút so với thời gian trước. Quy mô sản xuất bị thu hẹp, sản lượng và doanh thu giảm đáng kể. Chính vì thế, số lượng lao động giảm 50% so với trước đây. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do sự tác động của thị trường, nhu cầu thị trường giảm, sản phẩm làng nghề không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc; công nghệ sản xuất lạc hậu, còn thủ công nên chi phí sản xuất cao, sản lượng thấp. Nguồn lao động trong làng nghề ngày càng bị thu hẹp, đa số là người lớn tuổi và phụ nữ, các lao động trẻ không theo nghề và tìm việc làm trong các nhà máy may mặc, lắp ráp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Duy Xuyên (Theo Báo Sài Gòn giải phóng, 2018).
2. Chính sách phát triển bền vững làng nghề tỉnh Quảng Nam hiện nay
Văn kiện Đại hội Đảng XII về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới xác định nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn là: phát triển nông nghiệp bền vững. Đảng chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 là: “tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016).
Dựa trên cơ sở quan điểm chung của Đảng, tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện và cụ thể hóa bằng các văn bản cụ thể để áp dụng vào thực tế địa phương nhằm khuyến khích hỗ trợ phát triển làng nghề. Cụ thể như sau:
2.1. Đối với nội dung về kinh tế làng nghề
UBND tỉnh Quảng Nam quyết định hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (trong đó có các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề) với các mức khác nhau từ 30% đến 100% tùy nội dung. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam tập trung vào việc hỗ trợ các nhà đầu tư trực tiếp đầu tư xây dựng, kinh doanh phát triển du lịch trên địa bàn các huyện miền núi và xã đảo (trong đó có phát triển du lịch làng nghề). Theo đó, các nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ ở các nội dung liên quan như: đất đai; lãi suất vay để đầu tư du lịch; tư vấn, đầu tư xây dựng phục vụ khách du lịch; hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại lao động; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư du lịch.
Đối với hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình từ mức 50%-80% chi phí tùy nội dung (thuê mặt bằng, dịch vụ phục vụ; chi phí tổ chức bán hàng; chi phí đào tạo, tập huấn ngắn hạn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ…), nhằm góp phần nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hoạt động sản xuất - kinh doanh sản phẩm làng nghề, đặc biệt là các làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Đối với hoạt động quảng bá sản phẩm, UBND tỉnh đã quy định các sản phẩm công nghiệp nông thôn (trong đó có sản phẩm làng nghề) được công nhận ngoài việc được cấp giấy chứng nhận và tiền thưởng, sẽ được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương (đối với sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh), kinh phí khuyến công quốc gia (đối với sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia) và các nguồn kinh phí khác để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, quảng bá sản phẩm, đào tạo lao động, đào tạo về khởi sự và thành lập doanh nghiệp. Thêm vào đó, cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh (bao gồm cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong làng nghề) xác lập quyền sở hữu công nghiệp và xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến sẽ được hỗ trợ từ 2.500.000 đồng đến 20.000.000đ tùy từng nội dung.
Như vậy, nhìn chung bên cạnh những quy định chung của Trung ương về phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn, tỉnh Quảng Nam đã ban hành hệ thống văn bản tương đối đầy đủ và hoàn thiện nhằm hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế của các làng nghề trên địa bàn tỉnh thông qua những hỗ trợ cụ thể trong lĩnh vực đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và quy hoạch làng nghề. Đây sẽ là động lực cơ bản giúp làng nghề Quảng Nam phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của các hoạt động sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống tại địa phương.
2.2. Đối với nội dung về đảm bảo xã hội làng nghề
Nhằm khuyến khích, động viên, phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi ở địa phương trong việc khôi phục nghề truyền thống, du nhập nghề mới về địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương. Đây là những nội dung mang tính động viên kịp thời nhằm ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống. Xét đến cùng, sẽ khó bảo tồn và phát triển làng nghề nếu không có những quy định nhằm khuyến khích và hỗ trợ người trực tiếp làm nghề và có công trong duy trì hoạt động của làng nghề.
2.3. Đối với nội dung đảm bảo môi trường làng nghề
Với định hướng phát triển làng nghề gắn liền với phát triển du lịch, việc bảo vệ môi trường làng nghề là nhu cầu cấp thiết, quyết định sự thành bại của chiến lược phát triển bền vững làng nghề. Chính vì thế, UBND tỉnh Quảng Nam đã có những quy định cơ bản liên quan đến quản lý chất thải rắn tại vùng nông thôn cũng như quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành đề án quản lý chất thải rắn tại các vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020. Thực hiện đề án, các địa phương, trong đó có các làng nghề đã hình thành các tổ chức dịch vụ thu gom rác thải, người dân khu vực nông thôn tích cực hưởng ứng. Thêm vào đó, nhấn mạnh cần có chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề và khu dân cư nông thôn.
3. Một số đề xuất hoàn thiện nội dung chính sách phát triển bền vững làng nghề từ thực tiễn thực hiện chính sách tại làng nghề Mã Châu
Chính sách phát triển bền vững làng nghề đang được triển khai thực hiện tại Duy Xuyên nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung áp dụng hình thức từ trên xuống trong thực thi chính sách. Hình thức này tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận dụng nội dung chính sách, các hỗ trợ một cách thống nhất đối với mọi làng nghề trên địa bàn. Điều này tạo ra sự bình đẳng, công bằng trong công tác hỗ trợ phát triển sản xuất tại các làng nghề. Tuy nhiên, theo hình thức này, đối tượng thụ hưởng chính sách hoàn toàn bị động trong việc thực thi chính sách và tâm lý đón nhận chính sách theo kiểu “cho gì nhận nấy”. Điều này cho thấy đang tồn tại một khoảng cách giữa chính sách và thực tế hoạt động tại làng nghề cũng như nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng chính sách. Do vậy, việc hoàn thiện nội dung chính sách cần lưu ý các nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, đối với hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Hiện nay, việc lựa chọn hội chợ tham gia do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện (Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam). Điều này dẫn đến thực tế các hội chợ được Nhà nước lựa chọn không phù hợp với mong muốn của cơ sở sản xuất, do vậy các cơ sở này không hào hứng tham gia chương trình dù được hỗ trợ từ 30-100% kinh phí. Trong khi đó, có những hội chợ, các cơ sở sản xuất chấp nhận tự trang trải kinh phí để tham gia vì rất thiết thực đối với sự phát triển làng nghề và quảng bá sản phẩm làng nghề đến người tiêu dùng.
Chính vì thế, có thể thấy rằng việc lựa chọn các chương trình, hội chợ để quảng bá sản phẩm làng nghề nên để cho các cơ sở sản xuất, người làm nghề có quyền lựa chọn và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là hỗ trợ về mặt pháp lý và một phần kinh phí theo quy định. Có như vậy, việc thực thi chính sách mới phát huy hiệu quả trên thực tế.
Thứ hai, việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề (cổng chào, đường giao thông và nhà trưng bày sản phẩm, nhà trưng bày truyền thống,…).
Các chính sách hỗ trợ làng nghề đề cập đến nhiều nội dung trong đó có hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề như đường giao thông, cổng chào, nhà trưng bày sản phẩm, nhà truyền thống. Đây là những nội dung hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển của làng nghề. Tuy nhiên, để hỗ trợ này thật sự mang lại hiệu quả và phục vụ tốt nhất cho làng nghề, các cơ quan quản lý cần xem xét nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Điều này có nghĩa là việc lựa chọn các hạng mục đầu tư của cơ quan quản lý chưa phù hợp với nhu cầu của người dân. Ý kiến khảo sát tại làng nghề Mã Châu cho thấy, từ cách lựa chọn hạng mục đầu tư (cổng chào, nhà trưng bày, nhà truyền thống) đến cách thức vận hành và hoạt động của nhà truyền thống, nhà trưng bày sản phẩm đều không dựa trên thực trạng của làng nghề. Chính vì thế, các nhà truyền thống, nhà trưng bày không phát huy hết được công năng. Điều này cho thấy sự lãng phí trong đầu tư khi cơ quan quản lý chưa có kế hoạch cụ thể sử dụng các hạng mục công trình này nhằm phát huy hiệu quả thực tế. Do vậy, cần có cơ chế tham khảo ý kiến người dân trong việc lựa chọn hạng mục đầu tư tại các làng nghề, bởi xét đến cùng sự phát triển làng nghề là nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu cho chính người dân tại làng nghề.
Thứ ba, việc quy hoạch làng nghề và xây dựng hệ thống xử lý chất thải làng nghề.
UBND huyện Duy Xuyên đã chủ trương quy hoạch các hộ sản xuất trong phạm vi làng nghề Mã Châu vào cụm công nghiệp Tân An (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên). Tuy nhiên, do điều kiện tại cụm công nghiệp chỉ đáp ứng về không gian sản xuất, đường giao thông, còn các nhu cầu thiết yếu khác như nước, điện và hệ thống xử lý chất thải chưa đảm bảo nên đã hạn chế việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hồ mắc, nhuộm, cán sợi,… vào hoạt động tại cụm công nghiệp. Trong khi đây là những doanh nghiệp trung gian, nếu thu hút được sẽ giúp các sản phẩm làng nghề đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu của các công ty may mặc ngay tại địa bàn huyện Duy Xuyên. Điều này sẽ giúp tăng giá trị của sản phẩm làng nghề thay vì xuất bán sản phẩm vải thô có giá trị thấp như hiện nay.
Như vậy, nếu cơ quan quản lý nắm rõ thực trạng hoạt động của làng nghề Mã Châu sẽ có những ưu tiên đúng đắn, từ đó tăng hiệu quả trong công tác quy hoạch, thu hút được doanh nghiệp trung gian vào hoạt động tại cụm công nghiệp Tân An. Có như vậy, việc thực thi chính sách phát triển bền vững làng nghề mới thực sự mang lại hiệu quả và tác động rõ ràng trên thực tế.
Thứ tư, việc hỗ trợ mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại.
Để tăng năng suất lao động và sản lượng vải tại làng nghề Mã Châu, các hộ sản xuất đầu tư máy dệt hiện đại (máy kiếm) có chi phí lên đến 200 triệu đồng/máy, tuy nhiên mức hỗ trợ được quy định của nhà nước là 30 triệu đồng/máy. Rõ ràng với mức giá này thì mức hỗ trợ của Nhà nước là rất nhỏ. Đây chính là lý do cơ bản khiến các hộ sản xuất không muốn nhận các khoản hỗ trợ từ Nhà nước: thứ nhất là vì mức hỗ trợ thấp, thứ hai là để nhận được hỗ trợ các hộ sản xuất phải tuân thủ các thủ tục rườm rà, tốn thời gian. Thực tế tại làng nghề Mã Châu, các hộ sản xuất tự tìm cách vay vốn ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng. Chính vì thế, nguyện vọng của các hộ sản xuất và doanh nghiệp của làng nghề là mong muốn được nhà nước tạo điều kiện để vay vốn ngân hàng, các quỹ tín dụng với thủ tục đơn giản, nhanh chóng và mức vay hợp lý.
Thứ năm, các quy định về tôn vinh nghệ nhân làng nghề.
Theo tiêu chí do UBND tỉnh ban hành năm 2013, người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân phải có sản phẩm, tác phẩm đoạt giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận thành tích của các tổ chức nhà nước, hoặc ít nhất có 2 tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, phục chế di tích lịch sử hoặc được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật, dạy nghề. Thực tế cho thấy nhiều người có thâm niên và giỏi nghề trong các làng nghề thủ công mỹ nghệ như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, đúc đồng Phước Kiều, dệt lụa Mã Châu,… nhưng lại không đủ điều kiện để đưa sản phẩm tham gia dự thi hoặc làm hồ sơ, thủ tục để được công nhận. Vì thế, dù trên thực tế họ được người làm nghề kính trọng, suy tôn là “thầy” thì xét trên phương diện chính thức, các đối tượng này khó có thể được công nhận là nghệ nhân theo tiêu chí đã đặt ra.
Thêm vào đó, quy định về thành tích truyền và dạy nghề của người được phong danh hiệu nghệ nhân trong là không khả thi, chưa sát với tình hình thực tế. Theo đó, người được phong danh hiệu nghệ nhân phải có thành tích trong việc khôi phục, duy trì và phát triển ngành nghề; đã truyền nghề, dạy nghề cho tối thiểu 50 người hoặc được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội nghề nghiệp công nhận đã truyền nghề, dạy nghề được nhiều thợ giỏi tại địa phương. Đây là quy định rất khó thực hiện đối với ngay cả doanh nghiệp làm nghề, vậy nên càng trở nên khó áp dụng đối với người làm nghề cá thể. Vậy nên cần thiết phải điều chỉnh các nội dung quy định để công nhận, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của nghệ nhân.
Tóm lại, để nội dung chính sách phát triển bền vững làng nghề được hoàn thiện và phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đáp ứng được nhu cầu của đối tượng thụ hưởng chính sách, chủ thể ban hành chính sách cần lưu ý các nội dung trên, kịp thời bổ sung, điều chỉnh để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Rõ ràng, chính sách phát triển bền vững làng nghề là vô cùng cần thiết trong điều kiện xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Song để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và hiện thực hóa mục tiêu chính sách thì bên cạnh việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, việc hoàn thiện bản thân nội dung chính sách cũng là vấn đề cần được đặt ra. Bởi lẽ, chính sách chỉ có thể phát huy hiệu quả khi nó chứa đựng những nội dung hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, cũng như quá trình vận động của làng nghề.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Báo Sài Gòn giải phóng (2018). Trăn trở làng lụa Mã Châu, Truy xuất từ http://namphuoc.gov.vn/Article/Details/3316, ngày 20/5/2019.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
- UBND huyện Duy Xuyên (2017). Báo cáo số 207/BC-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của UBND huyện Duy Xuyên về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
- UBND huyện Duy Xuyên (2019). Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động làng nghề 6 tháng đầu năm 2019.
- UBND huyện Duy Xuyên (2018). Báo cáo số 02/BC-UBND ngày 11/01/2018 của UBND huyện Duy Xuyên về Tổng kết kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018.
- UBND tỉnh Quảng Nam, (2016). Báo cáo số 233/BC-UBND ngày 19/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về Kết quả khảo sát thực trạng làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận trên địa bàn tỉnh và đề xuất những giải pháp đẩy mạnh trong thời gian tới.
- UBND tỉnh Quảng Nam, (2015). Quyết định số 1222 /QĐ-UBND ngày 07/4/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Đề án Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015-2020.
SUSTAINABLE DEVELOPMENT POLICIES FOR CRAFT VILLAGES:
CASE OF MA CHAU SILK VILLAGE, QUANG NAM PROVINCE
Master. DANG THI DAO TRANG
Hanoi University of Home Affairs - Quang Nam Province Campus
ABSTRACT:
Sustainable development policies for craft villages aim to preserve and develop craft villages harmoniously in all economic aspect, social aspect and environmental aspect. This article analyzes some issues on the implementation of sustainable development policies for Ma Chau silk village in Quang Nam Province. This analysis focuses on the gap between the content and the practical implementation of these policies in the craft village. This analysis is expected to help state management agencies perfect sustainable development policies for craft villages and effectively putting these policies into practice.
Keywords: Policy, craft village sustainable development, sustainable development policy for craft village, Ma Chau caft village, Quang Nam Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 16, tháng 7 năm 2020]