TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu thực trạng phát triển các làng nghề truyền thống của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Hiện nay, các làng nghề phải đối mặt với một số khó khăn liên quan đến lao động, thị trường, với 74% đơn vị sản xuất chỉ tiêu thụ các sản phẩm ở trong nước, số ít các cơ sở sản xuất - kinh doanh tiếp cận việc bán hàng qua du lịch, qua mạng Internet. Từ các kết quả nghiên cứu, một số giải pháp liên quan đến quy hoạch, phát triển làng nghề gắn với du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho làng nghề đã được đề xuất ở bài viết này.
Từ khóa: Phát triển làng nghề, truyền thống, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
1. Phần mở đầu
Hiện nay, nước ta có khoảng 5.096 làng nghề và làng có nghề, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748 làng nghề (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015). Các làng nghề và sản phẩm của làng nghề đã tạo nên bản sắc cho nền kinh tế nói chung ở nước ra.
Huyện Ý Yên là vùng đất cổ, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nam Định, có 32 làng nghề ở 20 xã, thị trấn với hàng nghìn hộ sản xuất - kinh doanh. Trong đó, có nhiều làng nghề nổi tiếng, như: Đúc đồng Tống Xá, đúc đồng Vạn Điểm, đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên, mây tre đan xuất khẩu ở Yên Tiến. Trong quy hoạch phát triển kinh tế huyện Ý Yên, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ rõ phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá năm 2010) bình quân thời kỳ 2015 - 2020 đạt trên 17%/năm, thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 19%/năm, trong đó trọng tâm là các ngành nghề, như: cơ khí đúc và gia công kim loại, đồ gỗ mỹ nghệ, khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, bảo vệ môi trường (UBND tỉnh Nam Định, 2015).
Trải qua nhiều thăng trầm, các làng nghề huyện Ý Yên đến nay ngày càng phát triển, dù vẫn còn một số làng nghề đang dần bị mai một. Nhìn chung, quy mô sản xuất làng nghề Ý Yên còn nhỏ, phân tán, tự phát, sản phẩm ít, chất lượng chưa cao, ít cải tiến mẫu mã, thiết bị công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý thấp và thiếu thông tin về thị trường. Đây là những vấn đề mà các làng nghề ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đang phải đối mặt và làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm từ làng nghề. Vì vậy, cần phải có các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề truyền thống huyện Ý Yên để đạt được những chỉ tiêu mà huyện và tỉnh đã đề ra. Do đó, bài viết nghiên cứu thực trạng phát triển các làng nghề truyền thống để tìm ra giải pháp cụ thể cho vấn đề phát triển làng nghề tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
2. Nguồn số liệu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Nguồn số liệu
Nguồn số liệu thứ cấp (số liệu đã công bố): Số liệu thứ cấp được thu thập thông qua những tài liệu có sẵn, từ các cơ quan quản lý, UBND tỉnh và các xã, thị trấn.
Nguồn số liệu sơ cấp (số liệu mới): Số liệu sơ cấp thu thập trực tiếp thông qua các cuộc điều tra, phỏng vấn các hộ sản xuất, cán bộ quản lý. Cỡ mẫu quan sát là 100 cơ sở sản xuất thông qua phỏng vấn trực tiếp người tham gia sản xuất nghề tại 3 địa điểm nghiên cứu: xã Yên Ninh và xã Yên Tiến - nơi tập trung nhiều làng nghề và thị trấn Lâm – nơi nổi tiếng với sản phẩm đúc đồng.
2.2. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu
Số liệu thu thập tiến hành tổng hợp, sử dụng phương pháp phân tổ thống kê, sử dụng phần mềm Excel tính toán, phân tích và các phương pháp phân tích như thống kê mô tả, phương pháp so sánh, phương pháp chuyên gia.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Đặc điểm kinh tế - xã hội của hộ tham gia sản xuất nghề
Qua thống kê cho thấy, độ tuổi của các chủ hộ khá lớn, tỷ lệ chủ hộ ở độ tuổi trên 55 tuổi chiếm tới 41%; chủ hộ có độ tuổi từ 36 - 45 và từ 46 - 55 chiếm lần lượt 21% và 20%. Về giới tính, tỷ lệ chủ hộ là nam giới chiếm tới 92% tổng số hộ được điều tra. Đặc điểm độ tuổi và giới tính của các hộ phù hợp với tính chất của các làng nghề truyền thống do kỹ thuật được chuyển giao theo hình thức “cha truyền con nối”, nhiều công đoạn sản xuất đòi hỏi thể lực và sự khéo léo cũng như việc đưa ra các quyết định sản xuất nên người chủ hộ thường là nam.
Trình độ học vấn của các chủ hộ không cao, 64% chủ hộ có trình độ học vấn dưới THPT và 22% chủ hộ có trình độ THPT. Do nhu cầu nhân lực trong gia đình sản xuất nghề truyền thống, nhiều lao động sau khi học xong THPT lựa chọn ở lại quê hương tiếp tục làm nghề cùng gia đình thay vì tiếp tục học. Với đặc điểm này, lao động tại các làng nghề thường có nhiều năm kinh nghiệm và tay nghề cao. Tuy nhiên, hạn chế về trình độ học vấn cùng với độ tuổi cao gây nên nhiều khó khăn cho chủ hộ trong việc quản lý cơ sở sản xuất và lao động cũng như tiếp cận các thông tin về thị trường, chính sách.
Bảng 1. Danh mục sản phẩm tại địa bàn nghiên cứu
3.2. Thực trạng phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn nghiên cứu
3.2.1. Phát triển quy mô sản xuất ở các làng nghề truyền thống
Thị trấn Lâm, xã Yên Ninh và xã Yên Tiến thuộc huyện Ý Yên có nhiều làng nghề truyền thống với lịch sử phát triển hàng trăm năm và nhiều sản phẩm rất đa dạng.
Sản phẩm chính của các địa phương này rất đa dạng, trong đó sản phẩm từ đồng, kim loại được sản xuất tập trung tại làng nghề đúc đồng Vạn Điểm - thị trấn Lâm với trên 100 cơ sở sản xuất. Đồ gỗ, đồ thờ được sản xuất chủ yếu tại 2 xã Yên Ninh và Yên Tiến. Đặc biệt, làng nghề truyền thống La Xuyên và Ninh Xá, xã Yên Ninh có lịch sử phát triển gần nghìn năm tuổi, nổi tiếng với nghề mộc và nghệ thuật chạm khắc gỗ. Hầu hết các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu đều được sản xuất tại xã Yên Tiến. Ngoài 374 cơ sở sản xuất hàng nứa chắp, xã Yên Tiến còn có hàng nghìn hộ tham gia sản xuất thủ công, nhận khoán sản phẩm gia công cho các doanh nghiệp và hộ gia đình khác. Bên cạnh nghề tre nứa chắp, do nằm sát xã Yên Ninh, nên người dân xã Yên Tiến còn phát triển mạnh nghề mộc mỹ nghệ. Nhờ phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, người dân tại các làng nghề huyện Ý Yên có mức thu nhập ổn định, đời sống không ngừng được cải thiện.
Các chỉ tiêu như giá trị sản xuất, số lượng doanh nghiệp và hộ sản xuất tại 3 xã, thị trấn này đều tăng qua các năm, thể hiện các làng nghề đang ngày càng phát triển, mở rộng sản xuất, đóng góp vào thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, mức tăng chưa cao, đòi hỏi chính quyền các cấp phải có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các cơ sở sản xuất trong làng nghề.
Ngoài ra, các chỉ tiêu lao động, vốn đầu tư và số lượng sản phẩm sản xuất của các hộ đều tăng trong những năm gần đây cho thấy các làng nghề trên địa bàn có sự mở rộng sản xuất, đầu tư vào công nghệ và thiết bị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng lao động không mặn mà với nghề truyền thống hoặc di chuyển sang các khu công nghiệp để làm việc khiến cho nhiều cơ sở sản xuất nghề bị thiếu hụt lao động, lao động có tay nghề cao khan hiếm. Cạnh tranh về lao động giữa khu vực làng nghề và khu vực công nghiệp, giữa các đơn vị sản xuất với nhau khiến giá lao động tăng, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất và lợi nhuận của các đơn vị.
Bảng 2. Phát triển giá trị sản xuất và số lượng cơ sở sản xuất của các làng nghề
3.2.2. Hoạt động xúc tiến thương mại ở các làng nghề truyền thống
Thị trường của các làng nghề vẫn mang tính địa phương, với 74% hộ được phỏng vấn cho biết sản phẩm của hộ chỉ tiêu thụ trong nước. Trong bối cảnh các sản phẩm làng nghề phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm hiện đại, các cơ sở sản xuất đã nhận thức được vai trò của xúc tiến thương mại. Marketing truyền miệng và bán hàng trực tiếp là 2 công cụ truyền thống và được các hộ sử dụng nhiều nhất. Hai công cụ này chỉ phát huy hiệu quả khi sản phẩm có chất lượng tốt và người bán có kỹ năng chào hàng, thuyết phục khách hàng.
Hình 1: Tỷ lệ cơ sở sản xuất có các hoạt động xúc tiến thương mại
Mặc dù Ý Yên có nhiều tiềm năng phát triển làng nghề gắn với du lịch, do nơi đây là vùng đất cổ, còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa, nhưng số cơ sở sản xuất xúc tiến bán hàng qua du lịch chiếm tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng không đáp ứng, ô nhiễm môi trường, tác phong làm du lịch của người dân thiếu chuyên nghiệp, ít dịch vụ phục vụ khách tham quan... Tỷ lệ hộ bán hàng qua Internet và quảng cáo thấp, do chủ hộ có trình độ học vấn không cao, độ tuổi lớn, mức độ hiểu biết về thương mại điện tử của chủ hộ hạn chế, chủ hộ ngại đổi mới,… Đây cũng là một cản trở khi áp dụng hình thức xúc tiến thương mại hiện đại này.
3.2.3. Hiệu quả kinh tế của các cơ sở sản xuất tại làng nghề huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
Để đánh giá hiệu quả sản xuất của các hộ gia đình tham gia sản xuất nghề, nghiên cứu đã so sánh một vài chỉ tiêu của các hộ với các loại sản phẩm khác nhau. Do đặc điểm và giá bán của các sản phẩm khác nhau, quy mô sản xuất các ngành nghề khác nhau, nên doanh thu bình quân của các hộ sản xuất trong năm 2019 cũng có sự khác nhau.
Bảng 3. Thu nhập của các hộ sản xuất nghề trong năm 2019 trên địa bàn nghiên cứu
Bên cạnh hình thức sản xuất nhỏ lẻ, hiện nay, nhiều hộ sản xuất ở huyện Ý Yên đã phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và vốn để hình thành nên hàng nghìn các doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù mức doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp đồ gỗ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp còn lại, nhưng do chi phí sản xuất thấp hơn, nên chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của các doanh nghiệp này cao hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đồ gỗ luôn gặp phải sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất trong và ngoài tỉnh. Sự khác nhau giữa chỉ tiêu giữa các doanh nghiệp do đặc điểm kinh doanh của từng ngành, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp có sự khác nhau.
Bảng 4. Hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp làng nghề huyện Ý Yên trong năm 2019
Như vậy, lao động làng nghề đã tạo ra một khối lượng sản phẩm nhất định và doanh thu khá cao; các doanh nghiệp sản xuất nghề trên địa bàn huyện Ý Yên hoạt động có hiệu quả và kinh doanh có lãi. Đẩy mạnh phát triển sản xuất trong làng nghề là hướng đi giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
3.3. Giải pháp phát triển làng nghề huyện Ý Yên
3.3.1. Hoàn thiện quy hoạch làng nghề
Quy hoạch làng nghề huyện Ý Yên nên lựa chọn những ngành nghề có thế mạnh, ưu tiên ngành nghề có công nghệ cao để phát triển. Quy hoạch phát triển làng nghề theo hướng hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, đảm bảo xây dựng mặt bằng và hệ thống xử lý chất thải; cần gắn liền với việc đảm bảo nguồn lao động và nguyên vật liệu cho sản xuất.
3.3.2. Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Huyện cần xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, các tour du lịch và chương trình quảng bá du lịch gắn với làng nghề. Xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm cùng với hoàn thiện hệ thống giao thông và cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch. Tập huấn, năng cao năng lực cho người dân về làm du lịch cộng đồng.
3.3.3. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho làng nghề
Chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các chủ hộ sản xuất - kinh doanh, chủ doanh nghiệp các kiến thức về quản trị doanh nghiệp và thị trường. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, có chính sách khuyến khích các chủ hộ, thợ lành nghề tham gia vào quá trình đào tạo nghề cho lao động.
4. Kết luận
Sự phát triển của các làng nghề huyện Ý Yên đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh Nam Định, cải thiện đời sống và thu nhập của người dân. Nghiên cứu về phát triển làng nghề huyện Ý Yên đã đưa ra một vài kết quả như sau:
Các chỉ tiêu giá trị sản xuất, số lượng doanh nghiệp, số hộ sản xuất, lao động, vốn đầu tư và số lượng sản phẩm đều tăng, thể hiện các làng nghề trên địa bàn nghiên cứu đã mở rộng sản xuất, có sự đầu tư vào công nghệ và thiết bị. Các làng nghề của huyện Ý Yên vẫn chủ yếu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến bán hàng truyền thống như truyền miệng, bán hàng trực tiếp.
Các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế thể hiện các cơ sở sản xuất hoạt động ở Ý Yên có lãi, đem lại thu nhập cho người lao động và đóng góp vào sự thay đổi tích cực của nông thôn. Nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, như: Hoàn thiện quy hoạch làng nghề; Phát triển làng nghề gắn với du lịch; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho làng nghề.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2015, Báo cáo môi trường quốc gia năm 2014: Môi trường nông thôn. Hà Nội.
- UBND tỉnh Nam Định, 2015, Quyết định số 1005/QĐ-UBND (ngày 02/6/2015) phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Ý Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
DEVELOPING TRADE VILLAGES OF Y YEN DISTRICT,
NAM DINH PROVINCE
• Prof. Ph.D NGUYEN VAN SONG
Vietnam National University of Agriculture
• TRINH VAN TUAN
Y Yen District, Nam Dinh Province
• Ph.D LE THI PHUONG DUNG
Fisheries and Technical Economic College
ABSTRACT:
This article studies the development status of traditional trade villages of Y Yen District, Nam Dinh Province. Currently, trade villages are facing a number of difficulties in labor and market. 74% of businesses of trade villages are relying on the domestic market while a small number of production units of trade villages can doing business via the Internet and tourism channels. This article proposes some solutions to planning, developing trade villages associated with tourism, training and developing human resources.
Keywords: Developing trade villages, tradition, Y Yen District, Nam Dinh Province.