Trong các năm 2020 - 2021 và những tháng đầu năm 2022 do chịu sự tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội trong cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, tác động không nhỏ tới các hoạt động khuyến công cũng như nguồn vốn đối ứng đầu tư của các đơn vị thụ hưởng chương trình khuyến công, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các đề án.
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, hướng dẫn của Cục Công Thương địa phương, hoạt động khuyến công của tỉnh Gia Lai và các đơn vị liên quan đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), góp phần xóa đói giảm nghèo, duy trì việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tác động của chính sách khuyến công đến các cơ sở CNNT.
Nhờ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được Chính phủ, Bộ, ban, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách ban hành và tổ chức triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển CNNT cả chiều rộng lẫn chiều sâu, hoạt động khuyến công tỉnh Gia Lai trong những năm qua đã phát huy tác dụng rõ nét đối với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, được sự quan tâm của Bộ Công Thương, tỉnh Gia Lai đã tiếp cận với nguồn kinh phí khuyến công từ Trung ương trung bình mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng (năm 2022: 1,6 tỷ) để thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương, có giá trị xuất khẩu lớn và tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Bên cạnh đó, năm 2022 Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng đã quan tâm bố trí 2,23 tỷ đồng để hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn đầu tư trang thiết bị máy móc, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm...
Qua đó, hoạt động khuyến công đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, tháo gỡ một phần khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra.
Chương trình khuyến công đã và đang thu hút được nhiều các doanh nghiệp, các cơ sở CNNT tham gia phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm mới. Đồng thời thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của các doanh nghiệp, các cơ sở CNNT trong việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tiêu, cà phê, điều… đem lại lợi ích cho đơn vị sản xuất, góp phần phát triển CNNT, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Đa phần các cơ sở CNNT chủ yếu là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ, trình độ quản lý của chủ các cơ sở CNNT còn hạn chế, hiểu biết về hoạt động khuyến công còn chưa đầy đủ dẫn tới sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị còn hạn chế. Hầu hết quy mô của mỗi đề án/dự án khuyến công nhỏ, sản phẩm sản xuất ra còn đơn điệu, khả năng cạnh tranh chưa cao, nhiều cơ sở sau khi đầu tư chưa khai thác hết công suất của máy móc thiết bị.
Đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực khuyến công địa phương chưa thật sự mạnh và chuyên nghiệp, lực lượng quản lý nhà nước về khuyến công cấp huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa thu hút được đông đảo lực lượng cộng tác viên tham gia vào hoạt động khuyến công.
Địa bàn hoạt động rộng làm ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động khuyến công, nguồn kinh phí được cấp hằng năm cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp, nhất là với các dự án cómức đầu tư cao nên việc thu hút đối tượng thụ hưởng còn nhiều hạn chế.
Giải pháp hoàn thành kế hoạch khuyến công
Trên cơ sở đó, để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022, khuyến công tỉnh Gia Lai đã đề ra một số giải pháp trong thời gian tới như: Bám sát chỉ đạo của Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương để tiếp cận kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khuyến công. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung Chương trình hoạt động khuyến công, đẩy mạnh sản xuất côngnghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các hoạt động tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT các cấp. Tổ chức các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm, các hội thảo… giúp các cơ sở CNNT giảm chi phí trong chiến lược Marketing, quảng bá sản phẩm tạo dấu ấn của mình đối với khách hàng và có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng, nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu giới thiệu sản phẩm, tạo mối liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Ngoài ra, lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các Chương trình, mục tiêu của tỉnh để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của toàn xã hội đầu tư phát triển CNNT thông qua các hoạt động như tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT các cấp. Tổ chức, hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển làm. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực, các nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động khuyến công.