Cắt giảm hàng rào thuế quan
Tính đến tháng 9/2016, Việt Nam đã tham gia thiết lập 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Việt Nam - EU hay Hiệp định TPP.
Với các FTA thế hệ mới, ngoài cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, các nước tham gia còn cam kết trên nhiều lĩnh vực khác như mua sắm Chính phủ, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư…
Giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Trong đó:
Xét về lộ trình, FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là ATIGA (2018), tiếp đó là ACFTA (2020) và AKFTA (2021). Hiện nay, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao: Trong ATIGA đạt khoảng 93%, ASEAN - Trung Quốc 84% số dòng thuế về 0%, ASEAN - Hàn Quốc 78% và ASEAN - Nhật Bản 62%. Cam kết về thuế nhập khẩu trong 2 khuôn khổ FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam - EU có tỉ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế.
Với EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạnh thuế quan của WTO.
Trong TPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế đối với khoảng 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ đối với 86,5% số dòng thuế sau 3 năm Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình giảm thuế cơ bản từ 4 -10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam cam kết lộ trình trên 10 năm hoặc hạn ngạch thuế quan.
Chủ động hội nhập
Quá trình thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trong hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện hệ thống quản lý hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế và cắt giảm hàng rào thuế quan đã tạo ra tác động mạnh mẽ đến cấu trúc kinh tế nước ta.
Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, đánh dấu bước hội nhập toàn Việt Nam với nền kinh tế thế giới; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 111,2 tỷ USD (trong đó xuất khẩu là 48,5 tỷ USD và nhập khẩu là 62,7 tỷ USD), GDP đạt 77,4 tỷ USD. Đến năm 2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng khoảng 3 lần đạt 328 tỷ USD (trong đó nhập khẩu là 165,6 tỷ USD và xuất khẩu là 162,4 tỷ USD); GDP đạt 204 tỷ USD.
Nhưng số liệu trên cho thấy có sự khác biệt quan trọng của thời kỳ đầu hội nhập kinh tế với hiện nay. Trước hết, về độ mở ngoại thương, được tính trên kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP, năm 2007 độ mở ngoại thương bằng 1,4 lần, đến 2015 là 1,6 lần.
Thứ hai, về độ mở ngoại thương phụ thuộc, được tính trên kim ngạch nhập khẩu/GDP, năm 2007 và 2015 có cùng độ mở 0,81 lần.
Thứ ba, về độ mở ngoại thương hội nhập, được tính trên kim ngạch xuất khẩu/GDP, năm 2007 đạt 0,62 lần, đến 2015 tăng lên 0,8 lần.
Điều đó cho thấy, trong cấu trúc của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, trong khi độ mở ngoại thương ngày càng rộng. Cũng có nghĩa là, ngành sản xuất chế biến chế tạo trong nước đã mạnh lên, giúp cho nền kinh tế bớt phụ thuộc vào bên ngoài hơn.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, theo đó tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn.
Ngay trong các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu cũng có sự thay đổi. Tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng sản phẩm dệt may, giày dép có xu hướng giảm, từ 26% của năm 2007 xuống còn 21% năm 2015; trong khi đó tỷ trọng của các nhóm sản phẩm như máy vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại tăng lên, chiếm tới 27,7% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, gấp hơn 5 lần của năm 2007 là 4,4%.
Cùng với sự chuyển dịch tự nhiên của cơ cấu kinh tế, chúng ta đã chủ động tái cấu trúc nền kinh tế cho phù hợp với quá trình hội nhập mà trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức.